Trong những thảm họa hạt nhân trầm trọng nhất lịch sử thế giới, chắc hẳn không thể không nhắc đến thảm họa Chernobyl tồi tệ đã xảy ra vào ngày 26/4/1986 khiến Ukraine trở thành một vùng đất nhiễm đầy phóng xạ và bụi phóng xạ hạt nhân. Vụ tai nạn nhà máy điện hạt nhân này ước tính đã phóng ra khí quyển bức xạ gấp 400 lần so với vụ ném bom nguyên tử lên 2 thành phố của Nhật Bản là Hiroshima và Nagasaki trong Thế chiến thứ 2.
Theo thống kê của IAEA, vụ nổ nhà máy điện hạt nhân đã khiến 2 công nhân nhà máy phải thiệt mạng, sau đó có 28 kỹ sư và lính cứu hỏa đã chết vì hội chứng bức xạ cấp tính trong những tuần sau thảm họa. Sau vụ nổ, một đám cháy đã hoành hành và không được khống chế cho đến tận ngày 4/5, và trong khi đó, bụi phóng xạ hạt nhân đã bay vào không khí qua bầu khí quyển đến các vùng phía tây châu Âu và Liên Xô.
Phải đến 24 giờ sau thảm họa, các nhà chức trách mới bắt đầu ra lệnh sơ tán các cộng đồng xung quanh khu vực nhà máy Chernobyl. Tổng số người phải di tản khỏi khu vực này lên đến con số 340.000 người. Các báo cáo về ảnh hưởng sức khỏe lâu dài từ thảm họa không thống nhất, nhưng thực tế cho thấy vụ nổ đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng lên khu vực có hàng triệu người sinh sống. Và hiện nay khu vực nhiễm phóng xạ nặng được gọi chung là "Vùng loại trừ".
Các chuyên gia cho rằng, những khu vực gần lò phản ứng hạt nhân sẽ không thể sinh sống được trong khoảng 3000 năm nữa. Thảm họa này cũng đã khiến cây trồng và vật nuôi xung quanh khu vực này bị đột biến hoặc có dấu hiệu bất thường. Theo một thống kê sơ bộ, có khoảng 7 triệu người bị ảnh hưởng bởi vụ nổ hạt nhân và ít nhất 25.000 người đã chết do phơi nhiễm phóng xạ. Số người còn lại hiện đang phải đối mặt với những biến chứng về sức khỏe.
Đối với Janina Scarlet, đây là một kí ức đầy đau khổ. Cô lớn lên ở Ukraine trong thời kỳ Xô Viết và vài tháng sau sinh nhật lần thứ ba, cô đã tiếp xúc với bức xạ của vụ nổ hạt nhân từ nhà máy Chernobyl. Điều này làm tổn hại nghiêm trọng đến hệ thống miễn dịch của cô, dẫn đến việc cô thường xuyên bị chảy máu mũi, đau nửa đầu, co giật và buồn nôn mãn tính.
"Đó là năm 1995, khi đó tôi 12 tuổi và là một học sinh mới của trường Brooklyn, New York. Vào thời điểm đó, tôi chỉ nghĩ đến một điều duy nhất: Chernobyl.
Vụ nổ nhà máy điện hạt nhân Chernobyl xảy ra cách thành phố Vinnitsia quê hương tôi chỉ 180 dặm, và chỉ sau sinh nhật tuổi lên 3 của tôi một vài tháng. Tôi không nhớ nhiều về sự kiện này, nhưng tôi nhớ rất rõ cảm giác rối bời vào thời điểm vụ nổ xảy ra. Một nỗi lo lắng tột cùng đã bao trùm cả khu vực khi cuối cùng mọi người cũng hiểu ra điều gì đã thực sự xảy ra vào gần 2 tuần sau đó.
Chỉ sau khi các quốc gia khác bắt đầu nhận ra có điều gì đó không ổn, chính phủ mới bắt đầu thông báo tình hình và khuyến nghị các phương pháp điều trị bằng iot như một cách để chống lại các biến chứng sức khỏe tiềm ẩn của khí thải phóng xạ Chernobyl. Vào thời điểm đó, chúng tôi đã vô tư tiếp xúc với bức xạ trong nhiều ngày và những hành động thường ngày như đi ra ngoài, uống nước, ăn trái cây... đều đã bị nhiễm độc từ lúc nào không hay.
Khoảng 6 tháng sau, mọi người bắt đầu bị bệnh. Tôi là một trong số những người đó. Hệ thống miễn dịch của tôi đã bị tổn thương nghiêm trọng và một cơn cảm lạnh đơn giản cũng đủ để khiến tôi nhập viện nhiều ngày liền. Khi thời tiết thay đổi, tôi sẽ bị chảy máu cam. Máu sẽ không đông lại nhanh chóng. Tôi cũng bị đau nửa đầu và tiếp sau đó là những cơn co giật.
Mặc dù trí nhớ của tôi về khoảng thời gian đó không còn đọng lại nhiều, nhưng tôi nhớ những ngày tháng ở lại trong bệnh viện. Khi đó, tôi đã từng tự hỏi bản thân rằng liệu mình có sống sót đến năm 18 tuổi hay không.
Chỉ vài năm sau thảm họa Chernobyl, rất nhiều người trẻ ở khu vực tôi sống bắt đầu có dấu hiệu bị ung thư và chết ngay sau đó. Mẹ của người bạn thân nhất của tôi là một trong số những người này. Cô ấy được chẩn đoán mắc bệnh ung thư ở tuổi 35 và qua đời không lâu sau đó. Tôi nhớ mình đã rất sợ hãi: Tôi sợ mình bị ốm, sợ bị đau nửa đầu, sợ bị co giật và sợ những gì có thể sẽ xảy đến với tôi.
Có một ngày khi đang học ở trường tiểu học, tôi được giáo viên cho phép ra về sớm vì chứng đau nửa đầu. Bố mẹ không thể đến đón tôi và gia đình tôi chỉ sống cách trường 2 dãy nhà, vì vậy tôi đã tự mình đi bộ về. Khi vừa đặt chân đến cửa trước ngôi nhà, tôi cảm thấy mình không thể di chuyển tiếp được và mọi hình ảnh trước mắt tôi bắt đầu nhòe dần đi.
Sau nhiều lần cố gắng tra chìa khóa vào ổ, tôi đã mở được cửa bước vào nhà. Lúc này, khi nhìn vào gương, tôi thấy rất nhiều mạch máu đang nổi lên khắp thân thể và thậm chí cả trên khuôn mặt mình, những mạch máu đó cũng nổi ở mắt khiến đôi mắt tôi trở nên đỏ quạch, đáng sợ vô cùng. Tôi đã rất sợ hãi, đau đớn và tuyệt vọng đến mức ngã quỵ xuống đất.
Khi tôi 12 tuổi, gia đình tôi quyết định chuyển đến Brooklyn, New York. Một loạt các vấn đề về chính trị xã hội ở Ukraine đã khiến gia đình tôi phải chuyển đến Hoa Kỳ vào năm 1995. Đến lúc đó, tần suất các cơn động kinh của tôi đã giảm, nhưng chứng đau nửa đầu của tôi vẫn còn. Về mặt y tế, mọi thứ đã được cải thiện đối với tôi. Nhưng về mặt nhận thức xã hội, mọi thứ không tích cực như vậy.
Khi đó tôi đang học lớp 7 và tôi vẫn đang cố gắng học tiếng Anh. Những lời bình luận, chế nhạo từ các bạn cùng lớp khiến tôi thường xuyên rơi vào trạng thái trầm cảm. Cùng với đó là các biến chứng sức khỏe mà tôi đang phải đối phó. Chưa bao giờ tôi cảm thấy cô độc và đau khổ đến như vậy. Năm đó, tôi đã lên kế hoạch tự sát.
May mắn thay, mọi thứ đã chuyển biến tích cực hơn khi tôi bước sang tuổi 13. Tôi đã dần hòa nhập được với nền văn hóa nước ngoài và tiếng Anh của tôi cũng trở nên tốt hơn, thậm chí sức khỏe của tôi cũng ổn định hơn.
Bộ phim X-men khi tôi xem năm 16 tuổi đã thay đổi cuộc đời tôi.
Trong bộ phim, tôi thấy những người đột biến, những người giống như tôi đều bị phơi nhiễm phóng xạ. Tôi nhớ những giọt nước mắt đồng cảm của mình rơi xuống khi xem bộ phim lần đầu tiên, bởi tôi cảm thấy mình có một kết nối vô hình với các nhân vật. Tôi cảm thấy như đang xem chính mình trên màn hình vậy và tôi muốn tham gia cùng họ, tôi muốn trở thành một phần của X-Men.
Đó là lần đầu tiên tôi nhận ra rằng thay vì tự cho mình là nạn nhân, thì tôi lại là một người sống sót.
Sau khi xem bộ phim đó, tôi theo học lớp tâm lý đầu tiên ở trường trung học. Bây giờ, tôi là một nhà tâm lý học chuyên sử dụng các siêu anh hùng và những câu chuyện hư cấu khác để giúp mọi người kiểm soát những chấn thương tâm thần của họ. Tuy tôi vẫn bị những cơn đau nửa đầu và co giật hành hạ, nhưng chúng đã ít hơn rất nhiều so với trước kia.
Tôi cũng nhận ra rằng, chánh niệm, các bài tập thở và thiền định thực sự đã giúp tôi giảm đau. Tôi đã đi một chặng đường dài từ việc tin rằng tôi thực sự sẽ không thể bước chân vào tuổi trưởng thành cho đến bây giờ tôi đã 31 tuổi. Và cũng phải mất từng ấy thời gian để tôi có thể thoải mái nói về Chernobyl. Và khi càng nói về nó, tôi càng cảm thấy dễ dàng hơn lần đầu tiên."
Theo Negroni (Helino)