Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại Mỹ, Derrick Smith - một y tá gây mê ở New York đã không còn lạ lẫm gì trước những câu chuyện đau lòng mà các bệnh nhân phải trải qua. Tuy nhiên mới đây, một bệnh nhân đã cho anh thấy một vấn đề khác, một thực tại cũng rất đáng sợ đang xảy ra mà chưa có câu trả lời.
"Ai sẽ trả tiền điều trị vậy?" - bệnh nhân ấy cất tiếng hỏi Smith trong hơi thở nhọc nhằn. "Lời trăn trối ấy tôi sẽ không bao giờ quên được," - Smith nhận xét.
"Bệnh nhân bị suy hô hấp rất nặng, nói chuyện cực kỳ khó khăn. Vậy mà, điều khiến ông ấy đau đáu đến tận hơi thở cuối cùng lại là việc ai sẽ trả tiền cho những quy trình điều trị đắt đỏ, vốn cũng khó có khả năng kéo dài sự sống của ông hơn nữa."
Smith biết bệnh nhân sẽ khó có khả năng hồi phục dù được đưa vào máy thở, nên đã cùng đồng nghiệp gọi cho vợ ông, để cả hai có cơ hội nói những lời giã biệt cuối cùng.
Chỉ những người bệnh ở tình trạng cực kỳ tệ đến mức không thể tự hô hấp mới phải sử dụng máy thở, nhưng cỗ máy ấy chẳng phải phép màu. Nó chỉ có thể "câu giờ", để bệnh nhân và các bác sĩ có thêm thời gian chống lại bệnh tật. Và bi kịch thay, tỉ lệ tử vong của những người bệnh buộc phải dùng máy thở cũng lên tới 80% tại Mỹ.
Smith cho biết, câu chuyện trên là "điều kinh khủng nhất" anh phải chứng kiến trong suốt 12 năm làm việc tại khoa gây mê và chăm sóc tích cực. Nó cho thấy một khía cạnh khác của hệ thống y tế đang khiến người dân phải lo lắng đến tận giây phút cuối.
"Thực sự rất đau lòng, và thành thực mà nói là đáng sợ. Nó cho thấy hệ thống đang thất bại, vì người bệnh phải lo về khía cạnh tài chính, trong khi họ đang đối mặt với vấn đề sinh tử."
Vấn đề nan giải
Câu hỏi ấy Smith đã không thể trả lời. Thay vào đó, anh hướng người bệnh trò chuyện cùng vợ lần cuối. Dẫu vậy, đó vẫn là một vấn đề đáng lo ngại.
"Đại dịch đã làm nổi bật hiện tượng mất cân bằng cơ cấu ở Mỹ, không chỉ ở khả năng phản ứng với dịch bệnh, mà còn về cách tiếp cận với bảo hiểm y tế," - Smith chia sẻ.
Có lẽ nhiều người chưa biết, Mỹ là quốc gia phát triển duy nhất thế giới không có hệ thống bảo hiểm y tế cho toàn dân. Gần 28 triệu người Mỹ trong độ tuổi lao động - tương đương 10,4% dân số không có bảo hiểm, theo số liệu năm 2018 từ Cục điều tra dân số.
"Làm sao để giải quyết đại dịch trong bối cảnh hàng chục triệu người không có bảo hiểm y tế là một vấn đề đặc thù của Mỹ, nếu so với các nước phát triển khác." - Larry Levitt, phó chủ tịch điều hành chính sách của công ty y tế Kaiser cho biết. "Sẽ mất tiền để điều trị, nhưng lại không có nơi nào chi trả cho nhà cung cấp dịch vụ."
Lo ngại rằng chi phí điều trị quá cao sẽ khiến nhiều người ngần ngại đi xét nghiệm và khám bệnh, các công ty bảo hiểm đang phối hợp cùng một số tiểu bang để miễn giảm chi phí xét nghiệm. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn phải trả tiền thăm khám, điều trị cùng một số xét nghiệm khác, và chúng không hề rẻ chút nào với mặt bằng chi phí y tế chung của Hoa Kỳ.
Ở thời điểm hiện tại, những người Mỹ vốn có bảo hiểm lao động nhưng mới thất nghiệp cũng có xu hướng tạo ra một cơn khủng hoảng lớn trong tương lai. Trong vòng 3 tuần qua, khoảng 16,8 triệu người - chiếm 11% lực lượng lao động của Mỹ đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp.
"Tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu chúng ta không cải thiện khả năng tiếp cận chăm sóc y tế một cách hợp lý," - Smith chia sẻ. "Khi nhiều người mất việc vì đại dịch, trong tương lai số người không có bảo hiểm lao động sẽ tăng lên, và nó trở thành thách thức cho những ai đang có bảo hiểm y tế tư nhân. Các phân tích cho thấy, giá bảo hiểm có thể tăng 40% trong năm tới, và điều này sẽ gây ra gánh nặng rất lớn."
Theo J.D (Trí Thức Trẻ)