Sinh năm 1949, Pablo Escobar khởi nghiệp bằng nghề trộm cắp xe hơi ở Medellin, sau đó gia nhập tầng lớp thống trị giới tội phạm vào những năm 1970. Kể từ đó, Escobar thống trị hoạt động buôn bán, vận chuyển cocaine vào Mỹ. Khi những cuộc chiến ma túy đẫm máu nổ ra vào những năm 1980, nổi tiếng là một người tham vọng và tàn nhẫn, Escobar thường cho những kẻ phản đối mình dù là dân thường hay quan chức chính quyền (như thẩm phán, chính trị gia, nhà báo…) chỉ có một lựa chọn. Đó là hoặc nhận đạn chì hoặc nhận tiền đút lót. Escobar bị buộc trách nhiệm trong vụ sát hại Bộ trưởng Tư pháp Rodrigo Lara Bonilla và một loạt vụ ám sát chính trị gia khác. Không bằng lòng với việc sử dụng súng đạn, Escobar quay sang sử dụng bom, cho nổ sở chỉ huy của lực lượng cảnh sát mật trong một vụ tấn công dẫn đến cái chết của khoảng 70 người. Năm 1991, Escobar bị bắt giữ, nhưng không lâu sau đó đã trốn thoát khỏi nhà tù được xây dựng riêng.
Vào ngày 2-12-1993, Pablo Escoba đã cố trốn chạy khỏi nơi ẩn náu ở Medellin (Colombia) bằng cách trèo qua một mái nhà lân cận. Tuy nhiên, “ông trùm” đã gục xuống sau loạt súng. Hình ảnh khắc sâu vào trí nhớ của công chúng là thi thể đẫm máu của trùm ma túy quyền lực nhất thế giới nằm vắt ngang trên một mái ngói ở thành phố từng là mảnh đất an toàn nhất của hắn. Trong hình ảnh đó, thấp thoáng bóng những cảnh sát đặc nhiệm Colombia vốn từ lâu đã được giao trách nhiệm đưa Escobar ra công lý. Nhưng tư liệu từ những kẻ buôn người, các thành viên băng đảng đối thủ, tài liệu tình báo và gia đình của Escobar cho thấy, không hẳn những người đó kết liễu “ông trùm”. Đằng sau cái chết của trùm ma túy khét tiếng này có 3 giả thuyết chính.
Cảnh sát đặc nhiệm Bloque de Búsqueda
Cuối năm 1989, sau khi Escobar gây ra một loạt vụ ám sát đẫm máu nhằm các quan chức Chính phủ Colombia và lực lượng an ninh, Tổng thống Virgilio Barco khi đó đã thành lập một đơn vị cảnh sát đặc biệt để đối phó gọi là Bloque de Búsqueda (tạm dịch là Khối Tìm kiếm). Các cuộc chạm trán ban đầu với mạng lưới Medellin khiến lực lượng Bloque de Búsqueda bàng hoàng và suy yếu, nhưng cuối cùng họ đã trở thành một đội đặc nhiệm săn lùng Escobar và các cộng sự của hắn. Được sự hỗ trợ của các lực lượng đặc nhiệm Mỹ, tình báo quân đội và các thành viên của Cục Tình báo Trung ương cũng như Cơ quan phòng chống ma túy Mỹ, Khối Tìm kiếm đã truy đuổi Escobar trong suốt năm 1992 và 1993. Theo các thông tin chính thức, chính Khối Tìm kiếm đã hạ Escobar.
Vào ngày 2-12-1993, một ngày sau sinh nhật của Escobar - theo cuốn sách “Killing Pablo” của Mark Bowden - “ông trùm” ăn mừng với cần sa, bánh sinh nhật và rượu. Khối Tìm kiếm đã theo dõi đến khu phố Los Olivos ở Medellin. Họ đã phát hiện ngôi nhà mà Escobar đang nói chuyện điện thoại với con trai. Trong cuốn sách của Bowden, một thành viên thấy Escobar qua cửa sổ tầng 2, họ bao vây ngôi nhà rồi xông vào phá cửa. Được báo động, Escobar và 1 vệ sĩ tìm cách trèo từ cửa sổ phía sau lên mái. Một loạt tiếng súng vang lên, cả 2 đều trúng đạn. Escobar trúng 1 phát đạn vào tai phải và chết ngay tại chỗ. Sau khi tiếng súng lắng xuống, Đại tá Hugo Martinez - chỉ huy Khối Tìm kiếm, người đã truy đuổi Escobar trong 3 năm đẫm máu nhưng không có mặt tại hiện trường - nghe thấy một trong những cấp dưới nói vào đường dây liên lạc: “Chúc mừng Colombia! Chúng tôi vừa tiêu diệt Pablo Escobar”. Nhưng có thông tin xuất hiện sau đó cho rằng Escobar chết do vũ khí của chính mình. Sự nhầm lẫn trong cuộc chạm trán này đã khiến câu hỏi ai mới là người bắn phát súng chí mạng vẫn còn để ngỏ.
Los Pepes - nhóm trả thù Pablo Escobar
Vào tháng 1-1993, theo Mark Bowden, một nhóm mới đã tham gia cuộc săn lùng Escobar. “Perseguidos por Pablo Escobar” hay “Những người bị Pablo Escobar khủng bố”, gọi tắt là Los Pepes, được tạo thành từ những kẻ buôn ma túy đối thủ, những nhóm bán quân sự hay những kẻ bị trùm băng đảng Medellin đối xử tệ bạc.
Trước đó, vào giữa năm 1992, vụ hành quyết 2 chân tay của Escobar đã khiến băng đảng của hắn trở thành một trong các phe phái chiến tranh. Theo nhà báo Alma Guillermoprieto, người đã nói chuyện với một cựu thành viên Los Pepes, nhóm này rất có thể được lãnh đạo bởi các cựu thành viên của băng đảng Medellin, vì muốn trả thù nên đã cung cấp tiền cho các thành viên trong băng nhóm của Escobar, các thành viên của Khối Tìm kiếm, hoặc bất kỳ ai khác sẵn sàng triệt hạ “ông trùm”. Nhiều người trong Chính phủ Colombia được cho là sẵn sàng tham gia vào cuộc săn lùng.
Theo các tài liệu của Cơ quan phòng chống ma túy Mỹ được Bowden trích dẫn, nhóm này có thể đã nhận được tài trợ từ đối thủ, thông tin từ Cảnh sát quốc gia Colombia cũng như các nhân viên tình báo Mỹ đang hoạt động tại nước này. Một phán quyết của tòa án năm 2015 yêu cầu CIA công bố thêm tài liệu có thể làm sáng tỏ mối quan hệ hợp tác đáng ngờ giữa Chính phủ Mỹ, lực lượng an ninh Colombia và Los Pepes.
Los Pepes nhanh chóng mở một chiến dịch cạnh tranh với Escobar. Escobar gây ra nhiều vụ đánh bom hơn ở các khu vực đô thị và Los Pepes đáp trả bằng việc phá hủy nhiều tài sản thuộc về Escobar và các cộng sự của hắn. Theo kênh truyền hình Insight Crime thì Diego Fernando Murillo (hay còn gọi là Don Berna) - một nhân vật trung tâm của Los Pepes - cũng chỉ ra rằng các thành viên của Los Pepes đã đi cùng với nhóm bán quân sự Search Bloc trong cuộc đột kích vào nơi ẩn náu của Escobar ở Medellin. Theo lời kể của Don Berna, chính anh trai của ông ta là Rodolfo đã thực hiện vụ nổ súng, cụ thể là dùng khẩu M-16 bắn vào đầu Escobar.
Bản thân Pablo Escobar
Tác nhân thứ ba không ai khác chính là Escobar. Juan Pablo Escobar Henao (con trai của Escobar - người đã đổi tên thành Sebastian Marroquin) đã khăng khăng rằng cha mình đã tự sát trên mái nhà ở Medellin hôm đó. “Tôi không nghi ngờ rằng cha tôi đã tự lên kế hoạch cho cái chết của mình” - Marroquín nói trong một cuộc phỏng vấn năm 2014. Trong cuốn sách “Pablo Escobar: Cha tôi” được phát hành vào năm đó, Marroquin đã trình bày chi tiết về cơ sở cho tuyên bố của mình. Escobar nhiều lần nói với con trai rằng, ông ta sẽ tự bắn vào tai phải của mình để tránh bị bắt sống. Hơn nữa, những hình ảnh của trùm ma túy trên mái nhà cho thấy khẩu súng lục Sig Sauer mà Marroquin nói rằng cha mình sẽ sử dụng để “tự xử” nằm bên cạnh thi thể của ông ta. Các thành viên khác của gia đình Escobar cũng đặt ra giả thuyết này. Sau cuộc khai quật thi thể của trùm ma túy (do mẹ và vợ của ông ta chỉ đạo vào năm 2006), gia đình cho biết lỗ thủng trên đầu Escobar đã khẳng định giả thuyết vết thương này là do tự gây ra.
Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, một phát súng từ trong phạm vi 1m sẽ để lại dấu vết thuốc súng trên da của Escobar. Vậy mà những dấu vết đó không tìm thấy trong các tài liệu khám nghiệm tử thi. Câu hỏi ai đã giết Pablo Escobar có thể sẽ không được giải đáp. Cuộc đời và cái chết của “ông trùm” đã để lại một vết đen cho Colombia, hầu như nhà chức trách và nhiều người ở Colombia, Mỹ cam kết quên đi sự việc này. “Không ai nói với bạn rằng liệu Los Pepes hay bất cứ ai khác đã giết Escobar. Bạn phải phỏng đoán” - một cựu lính Mỹ tham gia cuộc săn lùng nói.
Theo Yến Chi (An Ninh Thủ Đô)