Trong khi ông Trump bận rộn với nghị trình ở LHQ, Cố vấn đặc biệt điều tra cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ Robert Muller đã “động” đến Nhà Trắng.
Cố vấn đặc biệt Robert Mueller rời đi sau cuộc điều trần ngày 21/6/2017 tại Thượng viện Mỹ về cuộc điều tra Nga mà ông đang dẫn dắt. (Ảnh: Reuters) |
Theo New York Times và Washington Post, các tài liệu về việc Tổng thống Donald Trump sa thải Cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn hồi tháng 2, cách chức Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) James Comey hồi tháng 5 và cuộc gặp mà trong đó ông Trump nói với quan chức Nga rằng quyết định đuổi việc Comey khiến ông “nhẹ cả người”.
Ông Mueller cũng được cho là sẽ hỏi đến các tài liệu về phản ứng của Nhà Trắng đối với những câu hỏi xoay quanh cuộc gặp của con trai Tổng thống Mỹ, Donald Trump Jr., với một luật sư Nga năm 2016 với hy vọng lấy được thông tin bất lợi về đối thủ đảng Dân chủ Hillary Clinton.
Theo Washington Post, Nhà Trắng cũng được đề nghị cung cấp email và tài liệu liên quan đến cựu Giám đốc chiến dịch tranh cử của ông Trump, Paul Manafort, người phải từ chức trước ngày bầu cử vì bê bối làm việc cho một chính đảng ở Ukraine có liên hệ với Nga. Hồi đầu tuần, CNN và CBS đưa tin FBI đã nghe lén ông Manafort do lo ngại về mối liên hệ giữa thân tín này của ông Trump với Nga.
Tất cả như xoáy sâu vào nỗi sợ lâu nay của ông Donald Trump về việc bị nghe lén.
Một Nhà Trắng đầy hoang mang
Tổng thống Donald Trump có tiền sử kết giao với những người theo thuyết âm mưu như Alex Jones và Roger Stone. Ông đã đưa ra những suy đoán hoang tưởng về sự ấm lên của Trái Đất, sự cạnh tranh của các doanh nghiệp nước ngoài và cả hệ thống bầu cử của Mỹ.
Và quan niệm đó đã được tiêm nhiễm vào chính quyền của ông.
Theo New York Times, “các quan chức Nhà Trắng lén bày tỏ nỗi sợ rằng đồng nghiệp có thể mang thiết bị nghe trộm để ghi âm lại các cuộc hội thoại cho ông Mueller”. Đó là mức độ nghi kỵ lẫn nhau chưa từng có trong đội ngũ tinh hoa quanh một tổng thống của Mỹ.
Liệu những nỗi sợ đó có cơ sở không và vì sao bầu không khí Nhà Trắng lại bị đẩy lên đến mức đó?
Ông Michael D’Antonio, tác giả 2 cuốn tiểu sử của ông Trump là “Never Enough” (Không bao giờ đủ) và “The Truth About Trump” (Sự thật về Trump), cho biết, Tổng thống Mỹ từng thừa nhận bản thân có chút hoang tưởng, nhưng cho rằng điều này có thể giúp một số người thành công trong công việc. Theo ông D’Antonio, hoang tưởng là một lối thoát dễ dàng cho những người như ông Trump, những người sẽ quá thất vọng với viễn cảnh mắc sai lầm đến nỗi hầu như không bao giờ chấp nhận việc đó.
“Cách nghĩ này khiến Tổng thống Trump tin rằng bất cứ ai chỉ trích ông ấy cũng là nhằm tóm được ông, và rằng sự giám sát của họ là hành động tấn công và đòi hỏi phải có hành động đáp trả, mà theo đúng ngôn từ của ông Trump, là mạnh mẽ gấp 10 lần” - ông D’Antonio nêu rõ.
Tuần trước, New York Times đăng một bài phân tích sâu về sự đối đầu và hục hoặc giữa trợ lý của Tổng thống, Donald F. McGahn, và Ty Cobb, luật sư của ông Trump chuyên xử lý các vấn đề liên quan đến cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ. Bài báo nêu rõ: “Căng thẳng giữa 2 người nảy sinh khi cuộc sống trong Nhà Trắng bị bao phủ bởi cuộc điều tra [Nga can thiệp bầu cử Mỹ - ND]. Không chỉ có ông Trump, ông Kushner, ông McGahn có luật sư, mà các quan chức cấp cao khác cũng vậy”.
Chưa có bằng chứng bên ngoài nào củng cố lập luận về nỗi sợ bị nghe lén của các nhân viên Nhà Trắng nhưng nó có thể là một diễn biến quan trọng, nếu không muốn nói là chưa từng có tiền lệ, khi các điều tra viên thực sự chiêu mộ nhân viên Nhà Trắng làm “gián điệp” bí mật thu thập thông tin cho họ.
Nhà Trắng thực sự có thể bị nghe lén?
“Chắc chắn nếu điều đó đã xảy ra trong cuộc điều tra bê bối nghe lén Watergate thì nó cũng chưa bao giờ được công khai”, phóng viên Nhà Trắng về hưu Richard Benedetto, Giáo sư ngành báo chí của trường đại học Mỹ (American University) cho biết. Theo ông, nhân viên Nhà Trắng hẳn cảm thấy vô cùng áp lực vì cuộc điều tra của ông Mueller lẫn dư luận báo chí hiện nay.
Không ngạc nhiên, theo nhà lịch sử học chính trị trường George Washington Matthew Dallek, nếu các nhân viên Nhà Trắng lo bị nghe lén trong “mớ hỗn loạn” hiện nay ở Nhà Trắng, vì cả cuộc điều tra của ông Mueller lẫn chính sự đề phòng một cách cực đoan của Tổng thống Donald Trump
“Ông Trump tiêm nhiễm nghi ngờ và hoang tưởng vào những người xung quanh ông, dù là vì lý do tốt” – Dallek nhận định. Theo ông, nỗi sợ “lởn vởn” trong đầu các thân tín và luật sư của ông Trump phản ánh thực tế là tin tức về những cuộc gặp kín và nhạy cảm trong Nhà Trắng thường xuyên bị rò rỉ cho báo giới, bên cạnh “thuyết âm mưu mà chính ông Trump nuôi dưỡng”.
Tuy nhiên, ông Dallek cho rằng hiện chưa có bằng chứng nào về việc nhân viên Nhà Trắng lén ghi âm để phục vụ cho cuộc điều tra của ông Mueller. Tất cả những ai có lý do để hợp tác với các điều tra viên, ví dụ như Paul Manafort hay Michael Flynn, đều đã bị đẩy ra khỏi vòng thân cận của ông Donald Trump.
Theo Diệu Hương (Vov.vn)