Không một nhà lãnh đạo nào trong lịch sử Nhật Bản để lại nhiều dấu ấn đậm nét hơn ông Abe Shinzo. Là chính trị gia “đột phá” nhất nước Nhật sau thời kỳ Thế chiến, ông Abe là Thủ tướng có thời gian tại vị lâu nhất trong lịch sử, luôn hết lòng vì công việc và đất nước. Ngay tại thời điểm qua đời trong một vụ ám sát, ông vẫn đang thực hiện trách nhiệm của một chính khách của đảng Dân chủ Tự do.
Chính sách nổi tiếng toàn cầu Abenomics
Vào năm 2007, khi lần đầu tiên từ chức Thủ tướng chỉ sau 1 năm vì lí do sức khỏe, nhiều người cho rằng sự nghiệp chính trị của ông Abe sẽ không thể vươn tới đỉnh cao. Nhưng sau đó, ông đã trở lại một cách mạnh mẽ, với một loạt cải cách chính trị lớn và chính sách kích thích kinh tế nổi tiếng toàn cầu: Abenomics.
Khi ông Abe trở lại làm Thủ tướng vào năm 2012, kinh tế Nhật Bản là một mớ bòng bong, không có sự phát triển trong hơn 2 thập kỷ. Những người tiền nhiệm của ông đã làm mọi cách, nhưng vẫn không thể đưa nền kinh tế thoát khỏi tình trạng trì trệ. Nhưng với tư duy khác với các chính khách truyền thống, ông Abe đã đưa ra một chính sách kinh tế vĩ mô dựa trên “3 mũi tên”: nới lỏng tiền tệ, thúc đẩy chi tiêu công và tăng trưởng kinh tế sâu rộng.
Truyền thông khi đó gọi chính sách này là “Abenomics” và nó vẫn được biết tới rộng rãi cho tới tận ngày nay. Đầu năm 2013, ông Abe nhanh chóng đạt được thỏa thuận nới lỏng chính sách tiền với Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đưa lãi suất xuống mức âm nhằm giảm chi phí cho vay, thúc đẩy tiêu dùng cá nhân và đầu tư kinh doanh, đồng thời đẩy lạm phát lên mức mục tiêu 2%.
Nhờ đó, kinh tế Nhật Bản dần phục hồi và thoát khỏi vòng xoáy giảm phát, tăng trưởng trong 71 tháng liên tiếp, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức dưới 3%, thấp nhất trong hơn 2 thập kỷ, chỉ số chứng khoán Nikkei 225 liên tục tăng điểm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Abenomics vẫn có những hạn chế và tồn tại. Vấn đề việc làm cho người lao động vẫn chưa được giải quyết triệt để trong ngắn hạn. Chính phủ đứng trước sức ép phải đảm bảo mức sống ổn định cho người dân, giảm bớt tác động tiêu cực đến nền kinh tế do mục tiêu theo đuổi lạm phát. Chi phí sản xuất đầu tư có xu hướng tăng lên do đồng Yên yếu đi, những lợi thế trong xuất khẩu có thể bị mất đi nếu không hạn chế được mức tăng của chi phí sản xuất; nợ công ngày càng tăng.
Dù vậy, chính sách của ông Abe là phương án hợp lý nhất của xứ Phù Tang lúc bấy giờ, và có lẽ không ai có thể làm tốt hơn.
Đưa Nhật trở lại vị thế vốn có
Sau tiếng vang của chính sách Abenomics, ông Abe tiếp tục thực hiện tầm nhìn của mình nhằm đưa Nhật Bản trở lại vị thế vốn có.
Vào thời điểm ấy, việc ông quyết định mở rộng chi tiêu quốc phòng, sửa đổi hiến pháp để cho phép Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản trợ giúp các đồng minh trong khu vực đã bị phản đối kịch liệt bởi công chúng. Nhưng ông Abe dường như không mấy bận tâm, khi tiếp tục bỏ ngoài tai chỉ trích để khởi động lại những dự án năng lượng hạt nhân, vốn bị bỏ quên từ sau thảm họa Fukushima năm 2011.
Nhằm giải quyết tình trạng già hóa dân số và tỷ lệ sinh nở thấp, ông Abe đã cho triển khai các chương trình thúc đẩy kết hôn, mở rộng các cơ sở vật chất chăm sóc trẻ em. Ngoài ra, tỷ lệ có việc làm của phụ nữ dưới thời ông Abe cũng tăng lên đáng kể, tỷ lệ phụ nữ Nhật Bản nắm các vị trí lãnh đạo doanh nghiệp và công sở ở mức 5%.
Là Thủ tướng Nhật có thời gian nắm quyền lâu nhất trong lịch sử, bên cạnh di sản về kinh tế và xã hội, thành tựu nổi bật nhất của ông Abe nằm ở các chính sách đối ngoại. Ông là nhà lãnh đạo có nhiều chuyến công du nhất trong lịch sử, sẵn sàng rút khỏi các liên minh truyền thống để phát triển những quan hệ thương mại lớn trên toàn cầu. Có thể nói, ông đã phần nào thành công trong việc lấy lại hình ảnh của nước Nhật sau Thế chiến 2.
Kỹ năng ngoại giao của ông Abe cũng giúp cho mối quan hệ đối tác Nhật - Mỹ luôn vững bền và phát triển. Ngay cả khi đối diện những sức ép như việc tăng chi phí duy trì các căn cứ quân sự của Mỹ tại Nhật hay Mỹ rút khỏi hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, ông Abe vẫn là người trung hòa tất cả các bên, đưa Nhật Bản trở thành trung tâm của liên minh khu vực.
Xuyên suốt sự nghiệp chính trị lẫy lừng, tiếc nuối lớn nhất của ông Abe có lẽ là việc không thể sửa đổi hiến pháp, nhằm cho phép Nhật Bản ra khỏi chiếc ô hạt nhân Mỹ và thể hiện vai trò của một cường quốc.
Dù có tầm ảnh hưởng chính trị khổng lồ, ông Abe vẫn không thể sửa đổi điều 9 trong hiến pháp, vốn bác bỏ chiến tranh và cấm Nhật Bản có quân đội. Theo cố Thủ tướng, điều luật này là vật cản ngăn Tokyo thể hiện vai trò tương xứng với vị thế đáng có.
Tuy vậy, ông Abe vẫn đạt được những thành tựu về an ninh như việc lần đầu cho ra đời chiến lược an ninh quốc gia vào năm 2013, hay việc thông qua đạo luật mở rộng vai trò của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản vào năm 2015.
Trước khi kết thúc công việc Thủ tướng của mình vì căn bệnh mạn tính, ông Abe đã thành công giúp Nhật Bản đăng cai Olympic 2020. Ngay cả khi bị ảnh hưởng vì đại dịch Covid-19, Thế vận hội cuối cùng đã diễn ra suôn sẻ. Tới tháng 9/2020, ông tuyên bố từ chức, nhường lại sân khấu cho thế hệ chính trị gia tiếp theo. Những người giữ chức Thủ tướng sau đó là ông Suga và Thủ tướng đương nhiệm Kishida đều chịu ảnh hưởng rất lớn từ ông Abe - chính trị gia số 1 trong lịch sử Nhật Bản.
Ông Abe sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống chính trị, với người cha từng là Ngoại trưởng. Sự nghiệp chính trị của ông bắt đầu vào năm 1982, khi trở thành trợ lý cho cha mình. Tới năm 1993, ông trúng cử nghị sĩ Quốc hội. Vào năm 2000, ông giữ chức Phó chánh Văn phòng Nội các trong chính phủ của Thủ tướng Mori.
Một điều ít ai biết rằng, ông Abe lại chịu ảnh hưởng về chính trị từ phía nhà ngoại nhiều hơn là cha mình. Ông ngoại của ông là Kishi Nobusuke, người đã vươn tới chức Thủ tướng bất chấp những cáo buộc sau chiến tranh. Mong muốn sửa đổi hiến pháp của ông Abe được cho là sự tiếp nối cho tầm nhìn dang dở của ông ngoại, tiếc là nó vẫn không thành hiện thực.
Vào năm 1987, ông Abe kết hôn với bà Matsuzaki Akie - thiên kim của một công ty sản xuất bánh kẹo có tiếng tăm. Giống với chồng, bà Akie cũng là một phụ nữ không theo truyền thống, khi luôn sẵn sàng chia sẻ những quan điểm thẳng thắn của mình, ngay cả khi nó đối lập với chính sách của ông Abe. Truyền thông Nhật Bản còn gọi vui rằng bà Akie là “lãnh đạo đảng đối lập trong nước”, và có lẽ là thách thức chính trị lớn nhất mà ông Abe phải đối mặt trong đời.
Theo Việt Dũng (VietNamNet)