8 tháng Trump và ASEAN "dò nông sâu, cân nặng nhẹ"

25/09/2017 09:17:00

Sau 8 tháng cầm quyền. Trump "ưu ái" Asean như thế nào?

Sau 8 tháng cầm quyền. Trump "ưu ái" Asean như thế nào?

Không chỉ vậy, ngay trong những ngày đầu tiên, Tổng thống Trump đã gây sốc bằng việc rút Mỹ khỏi TPP, hiệp định có 4 nước ASEAN tham gia là Singapore, Malaysia, Brunei và Việt Nam, và tuyên bố điều tra lại quan hệ thương mại với 16 nước, bao gồm Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam.

Sau 8 tháng, chính quyền Trump đã có một số hành động nhằm khẳng định Mỹ vẫn quan tâm khu vực Đông Nam Á và ưu tiên mối quan hệ với ASEAN. Tuy nhiên, nếu so sánh với những kết quả ấn tượng mà cựu tổng thống Obama dành cho Đông Nam Á cùng ASEAN thì chính quyền Trump phải hành động nhiều hơn để “bắt kịp” về mức độ quan hệ ở khu vực này.

8 thang Trump va ASEAN 'do nong sau, can nang nhe' hinh anh 2
 

Tổng thống Barack Obama là một trong những tổng thống Mỹ vô cùng quan tâm khu vực Đông Nam Á. Dưới nhiệm kỳ của ông, quan hệ Mỹ - ASEAN được mở rộng đáng kể, cho thấy giá trị chiến lược của ASEAN trong tổng thể chính sách tái cân bằng của Mỹ khi hướng về châu Á - Thái Bình Dương.

Ông Obama lập kỷ lục là tổng thống công du đến Đông Nam Á nhiều nhất (13 lần) so với những người tiền nhiệm. Nổi bật trong số này là chuyến thăm lịch sử đến Myanmar (năm 2012 và 2014) và Lào (năm 2016) sau nhiều thập kỷ. Dưới thời ông, Mỹ đã phê chuẩn Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác; trở thành quốc gia đầu tiên ngoài ASEAN bổ nhiệm một đại sứ thường trú tại khối này.

8 thang Trump va ASEAN 'do nong sau, can nang nhe' hinh anh 3
 

Một cột mốc quan trọng trong quan hệ Mỹ - ASEAN chính là nâng cấp quan hệ thành đối tác chiến lược vào cuối năm 2015, theo sau đó hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN lần đầu tiên được tổ chức, diễn ra ở Sunnyland (California) hồi tháng 2/2016. Hội nghị được nhìn nhận không chỉ là biểu tượng mạnh mẽ mà còn chứng tỏ cam kết chính quyền Mỹ đối với ASEAN mang tính thực chất. Đối với ASEAN, các nước có dịp chứng minh tầm quan trọng của tổ chức đối với những thách thức khu vực và toàn cầu.

Dù ASEAN đang đối mặt với nhiều thách thức cả trong lẫn ngoài, khối này vẫn là một "sự đầu tư" lâu dài xứng đáng đối với Mỹ, khi ASEAN vẫn là một nền tảng đa phương hiệu quả để thảo luận các vấn đề không chỉ cấp khu vực mà toàn cầu. Một trong những thành công của ASEAN sau 50 năm thành lập chính là quy tụ các quốc gia có nhiều sự khác biệt, quản lý những bất đồng khu vực hiệu quả, và phối hợp, tương tác với các cường quốc khác như Mỹ và Trung Quốc, trong các vấn đề thúc đẩy hòa bình và ổn định.

“ASEAN từng là trọng tâm trong chính sách tái cân bằng của Mỹ ở châu Á dưới thời Obama, nhưng việc phát triển mối quan hệ này như thế nào phụ thuộc vào quyết định của tổng thống tiếp theo của Mỹ. Tôi nghĩ sự khác biệt lớn nhất trong chính sách với ASEAN giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Obama nằm ở vấn đề kinh tế”, ông Murray Hiebert, phó giám đốc Chương trình Nghiên cứu Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS, Mỹ) nói với Zing.vn.

8 thang Trump va ASEAN 'do nong sau, can nang nhe' hinh anh 4
 

Trong quan hệ với Mỹ, các nước Đông Nam Á kỳ vọng không chỉ về sự hỗ trợ quân sự, an ninh mà còn là hợp tác kinh tế. Mỹ đang là đối tác thương mại lớn thứ ba của Đông Nam Á, tổng đầu tư ở mức hơn 230 tỷ USD trong năm 2015. ASEAN cũng thường là một trong những nơi tiếp nhận đầu tư trực tiếp từ Mỹ nhiều nhất tại châu Á.

Những năm gần đây, một số quốc gia trong khu vực có quan hệ thân thiết với Mỹ như Philippines và Malaysia lại có dấu hiệu nghiêng về Trung Quốc, khi Bắc Kinh đang “ve vãn” những nước này bằng các hợp đồng kinh tế hấp dẫn hơn. Do vậy, việc Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi TPP không chỉ gây ảnh hưởng đến uy tín của Mỹ ở khu vực mà còn khiến các đồng minh và đối tác của Mỹ lo âu. “Đây là một quyết định gây thất vọng lớn”, ông Hiebert nói với Zing.vn. Việc ông Trump chủ trương theo đuổi chính sách theo cơ chế song phương thay vì đa phương cũng không được lòng các nước.

Bước đi thực tiễn đầu tiên của chính quyền Trump đối với ASEAN, thể hiện qua chuyến thăm của Phó tổng thống Mike Pence đến Indonesia, có ý nghĩa quan trọng không chỉ vì đây là một nước có ảnh hưởng trong khu vực, mà còn vì nó mang đến thông điệp trấn an. Sau cuộc gặp với Ban Thư ký ASEAN tại Jakarta vào tháng 4, phó tổng thống Mỹ chính thức thông báo Tổng thống Trump sẽ tham dự hội nghị cấp cao APEC ở Việt Nam, hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) và hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN tại Philippines đều cùng diễn ra vào tháng 11.

8 thang Trump va ASEAN 'do nong sau, can nang nhe' hinh anh 5
 

Đến tháng 5, Ngoại trưởng Tillerson đón tiếp bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN tại Washington. Dịp này, ông đã nhấn mạnh khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính quyền mới, trong đó ASEAN là một đối tác quan trọng.

Tổng thống Trump đã điện đàm với một số lãnh đạo Đông Nam Á là Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha. Ngoài việc trao đổi các vấn đề thời sự nóng như tình hình Triều Tiên, tổng thống Mỹ đã mời các lãnh đạo này đến thăm Mỹ.

Chuyến công du của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Mỹ cũng được thế giới quan tâm sâu sát, khi ông là lãnh đạo đầu tiên từ ASEAN thăm Mỹ dưới chính quyền Trump. Giữa tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Malaysia Najib Razak cũng đã đến Washington để gặp gỡ Tổng thống Trump. Còn thủ tướng Singapore dự kiến sẽ thăm Mỹ vào khoảng tháng 10. Những diễn biến này cho thấy không chỉ Washington đang áp dụng biện pháp tiếp cận tích cực hơn với Đông Nam Á mà chính các nước ASEAN cũng nỗ lực tăng cường hiểu biết chính quyền Trump.

“Nhiều người rất ngạc nhiên khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là lãnh đạo ASEAN đầu tiên gặp trực tiếp Tổng thống Trump. Tuyên bố chung về kết quả cuộc họp giữa hai nhà lãnh đạo cũng rất ấn tượng và chi tiết, như các hợp đồng đầu tư đến 8 tỷ USD, việc Mỹ sẽ đưa tàu sân bay thăm Việt Nam, hợp tác chia sẻ tình báo… Đó là kết quả của sự nỗ lực từ rất sớm, nhanh chóng và hiệu quả của chính quyền Hà Nội. Tôi rất ấn tượng với sự tích cực chủ động này từ phía Việt Nam”, chuyên gia Murray Hiebert nói.

Phóng viên tham gia đoàn báo chí, đưa tin cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng.

Tuy nhiên, các chính sách không chỉ với ASEAN, châu Á hay tổng thể chính sách đối ngoại của chính quyền Trump vẫn chưa chính thức được định hình rõ ràng. Một phần của tình trạng này là do thiếu hụt số lượng lớn quan chức cao cấp tại Bộ Ngoại giao Mỹ. Nhiều bộ phận quan trọng đến nay vẫn do những vị cấp phó trợ lý ngoại trưởng hoặc quyền trợ lý ngoại trưởng, nên họ vẫn bị giới hạn trong việc xây dựng chính sách hoặc ra quyết định.

8 thang Trump va ASEAN 'do nong sau, can nang nhe' hinh anh 6
 

Dưới thời Trump, sự "tái cân bằng" chuyển hướng sang nhấn mạnh về định hình và xây dựng chiến lược an ninh, kêu gọi nỗ lực tập thể để đối phó với các mối đe dọa như tấn công khủng bố và nguy cơ hạt nhân. Do vậy, cách tiếp cận hiện tại của Washington với khu vực Đông Nam Á xuất phát chủ yếu từ những lo ngại nổi bật là 3 vấn đề: Triều Tiên, khủng bố, và tình hình Biển Đông. Trước sự leo thang căng thẳng ở Đông Á vì chương trình hạt nhân và tên lửa Triều Tiên, Tổng thống Trump khẳng định sẽ buộc Bình Nhưỡng trả giá nếu dám đe dọa đến Mỹ.

8 thang Trump va ASEAN 'do nong sau, can nang nhe' hinh anh 7
 

Hồi tháng 8 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson trong chuyến công du đầu tiên đến ASEAN đã vận động các nước trong khối ủng hộ những biện pháp trừng phạt quốc tế chống lại Triều Tiên, thúc giục các nước hành động nhiều hơn để cắt hoặc giảm nguồn thu chảy vào Triều Tiên, vốn là cơ sở để nước này phát triển vũ khí.

Rời Philippines, Ngoại trưởng Tillerson đến thăm Thái Lan và Malaysia đều là những nước có "quan hệ đặc biệt" với Triều Tiên. Trong năm 2016, Thái Lan là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Triều Tiên với giá trị thương mại song phương ước tính 53 triệu USD. Những mặt hàng xuất khẩu chủ lực gồm thép không rỉ và vi mạch. George McLeod, chuyên gia tư vấn chính trị tại Thái Lan, cho rằng những mặt hàng này "có khả năng nằm trong danh sách hàng hóa cấm vận mà Liên Hợp Quốc áp đặt lên Triều Tiên, hoặc thậm chí có thể được sử dụng trong chương trình tên lửa của nước này".

Các doanh nhân và doanh nghiệp Triều Tiên cũng được tạo điều kiện hoạt động ở Thái Lan. Họ được cho là cầu nối tài chính của quê hương với thế giới bên ngoài.

Đối với Malaysia, đây là nước mà Mỹ xác định là một trong những bên chủ chốt có thể giúp kiềm chế và cô lập Triều Tiên. Theo cơ quan tình báo Mỹ, Malaysia là địa điểm mà người Triều Tiên thường tổ chức những cuộc họp kín với các bên khi cần thiết. Quốc gia này cũng là một trong những nơi hiếm hoi mà doanh nhân Triều Tiên có thể đến đặt trụ sở làm ăn, từ đó mang về nhiều ngoại tệ cho quê hương. Thậm chí, người Triều Tiên còn xem các cảng và sân bay ở Malaysia là điểm trung chuyển để vận chuyển các chuyến hàng liên quan đến quốc phòng.

8 thang Trump va ASEAN 'do nong sau, can nang nhe' hinh anh 8
 

Bất chấp những động thái quân sự, tuyên bố cứng rắn và trừng phạt của Mỹ, Triều Tiên chẳng những không có dấu hiệu tạm ngưng mà còn thúc đẩy nhanh hơn chương trình tên lửa và hạt nhân của nước này. Bình Nhưỡng đã thực hiện vụ thử hạt nhân lần sáu vào ngày 3/9 và các vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

Do vậy, các chuyên gia nhận định tình hình Triều Tiên sẽ là chủ đề nổi cộm nhất mà Tổng thống Trump muốn thảo luận trong chuyến công du châu Á đầu tiên vào tháng 11 tới đây.

Ngoài vấn đề Triều Tiên, Ngoại trưởng Tillerson cũng trao đổi với giới chức Malaysia về "quan điểm của Mỹ với cách giám sát các phần tử khủng bố và cực đoan, đặc biệt là việc tuyên truyền của chúng trên mạng xã hội".

Khu vực Đông Nam Á là quê hương của khoảng 15% tín đồ Hồi giáo trên toàn thế giới. Tại đây, quốc gia có nhiều người theo đạo Hồi nhất là Malaysia và Indonesia, chiếm đến 85% khu vực. Hồi mới nhậm chức, Tổng thống Trump không được lòng các quốc gia này do ông ban hành lệnh cấm nhập cảnh đối với những nước Hồi giáo.

Tuy nhiên, “Washington hiểu rõ về vai trò của Malaysia, Indonesia và Philippines trong việc đối phó các mối đe dọa của khủng bố Hồi giáo cực đoan. Bên cạnh cuộc chiến chống phiến quân IS ở Trung Đông, Mỹ nhận thức rõ sự lan tỏa ảnh hưởng của tổ chức này đang dần mở rộng tại khu vực Đông Nam Á, đặc biệt sau vụ phiến quân Maute thân IS đánh chiếm thành phố Marawi ở miền nam Philippines hồi tháng 5”, chuyên gia Murray Hiebert nói với PV.

8 thang Trump va ASEAN 'do nong sau, can nang nhe' hinh anh 9
 

Khi tiếp đón các ngoại trưởng ASEAN tại Washington hồi tháng 5, Ngoại trưởng Mỹ Tillerson tái khẳng định Mỹ ủng hộ một trật tự pháp quyền ở châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm giải pháp hòa bình cho những tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế. Phát biểu này thể hiện quan tâm của chính quyền Trump về tình hình tranh chấp Biển Đông giữa Trung Quốc và 4 nước ASEAN.

Dưới thời Tổng thống Obama, hải quân Mỹ đã 4 lần điều tàu qua các khu vực tranh chấp trên Biển Đông để thực hiện tuần tra tự do hàng hải (FONOP), với lần cuối cùng được phê chuẩn diễn ra vào tháng 10/2016. Tuy nhiên, hoạt động này bị gián đoạn đáng kể từ sau khi ông Trump trở thành tổng thống Mỹ. Suốt 100 ngày đầu tiên ông Trump ở Nhà Trắng, Mỹ không điều tàu chiến nào đi qua các đảo nhân tạo ở Biển Đông.

Mãi đến ngày 25/5, tàu khu trục USS Dewey của Mỹ đi vào vùng 12 hải lý quanh Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đây là chuyến tuần tra FONOP ở Biển Đông đầu tiên dưới thời Tổng thống Donald Trump. Hai tháng sau, một tàu chiến Mỹ đã áp sát đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Cuộc tuần tra hàng hải mới nhất mà Hải quân Mỹ tiến hành diễn ra vào ngày 10/8, khi tàu khu trục USS John S. McCain tiến vào vùng 12 hải lý quanh Đá Vành Khăn.

Do vậy, cuộc tuần tra của tàu USS Dewey gửi thông điệp đến các nước trong khu vực rằng chính quyền Trump vẫn quan tâm đến tình hình Biển Đông.

8 thang Trump va ASEAN 'do nong sau, can nang nhe' hinh anh 10

Tàu chiến mang tên lửa dẫn đường USS Dewey tuần tra Biển Đông vào tháng 5/2017. Ảnh: US Navy.

Vào đầu tháng 9, tờ Wall Street Journal dẫn một số nguồn tin tiết lộ Bộ Quốc phòng Mỹ lần đầu tiên lên kế hoạch tuần tra Biển Đông định kỳ hơn vào những tháng tới. Tờ báo không tiết lộ cụ thể thời gian và địa điểm.

Sự hiện diện đều đặn của Hải quân Mỹ ở vùng biển này củng cố lập luận của Washington về việc ủng hộ trật tự pháp lý về tự do lưu thông trên biển, chứ không phải phục vụ những ý đồ chính trị và ngoại giao nhất định. Cách làm này cũng khác với những chuyến tuần tra không định kỳ dưới thời ông Obama.

Washington Examiner dẫn lời các quan chức quân sự Mỹ rằng kế hoạch tăng cường tuần tra này nhất quán với tiêu chí quản lý hoạt động quân sự trong chính quyền Trump. Theo đó, tổng thống đã trao một số quyền tự quyết nhất định đối với một số chiến dịch cho các tướng lĩnh và bộ quốc phòng.

Tuy nhiên, biên tập viên Ankit Panda của trang The Diplomat cho rằng việc Nhà Trắng và Hội đồng An ninh Quốc gia không tham gia vào các kế hoạch FONOP có thể ảnh hưởng đến nỗ lực của Mỹ nhằm hợp tác với Trung Quốc, mà điển hình là vấn đề Triều Tiên. Bắc Kinh có thể trả đũa bằng những biện pháp ngoại giao nếu Washington tiếp tục tuần tra Biển Đông, từ đó kéo dài việc hợp tác có thể khiến Tổng thống Trump phẫn nộ.

Do vậy, Richard A. Bitzinger, nghiên cứu viên Trường Nghiên cứu Quốc tế S.Rajaratnam, lo ngại rằng: "Tổng thống Trump có thể sẽ tạm thời không quá chú trọng đến những vấn đề an ninh khác ở châu Á để đạt được sự hỗ trợ của Trung Quốc trong khủng hoảng hạt nhân và tên lửa Triều Tiên. Tôi dự đoán Mỹ sẽ không dành nhiều chú tâm đến vấn đề Biển Đông, nên các đồng minh và đối tác của Mỹ ở châu Á sẽ phải tự lực nhiều hơn".

Đối với ông Murray Hiebert, vị này bày tỏ quan điểm một cách ngập ngừng rằng ông hy vọng Tổng thống Trump sẽ đề cập đến tình hình Biển Đông, dù ít hay nhiều, trong các cuộc gặp với những lãnh đạo châu Á vào tháng 11 tới.

Sau 8 tháng cầm quyền của Tổng thống Trump, giới quan sát cho rằng ASEAN đã được trấn an phần nào về việc Mỹ vẫn tiếp tục duy trì và phát triển quan hệ với khu vực Đông Nam Á, đặc biệt trong bối cảnh sự nổi lên của Trung Quốc càng khiến vai trò của ASEAN quan trọng với cả Mỹ và Trung Quốc.

Khi nhận được nhiều câu hỏi về dự đoán chính sách của Mỹ với ASEAN trong những năm tới, chuyên gia Murray Hiebert khuyên rằng các bên cần kiên nhẫn và chờ đợi những động thái rõ ràng hơn từ chính quyền Trump. "Song song đó, mỗi nước vẫn phải tiếp tục những nỗ lực tích cực như hiện tại để tham gia và gắn kết nhiều hơn với Mỹ, qua đó nhắc nhở Washington về tầm quan trọng của mối quan hệ này", ông nói.

8 thang Trump va ASEAN 'do nong sau, can nang nhe' hinh anh 11
 

Theo Cảnh Toàn - Đồ họa: Nhân Lê (Tri Thức Trực Tuyến)