Kỷ Hiểu Lam (1724 - 1805) là một vị quan nổi tiếng của nhà Thanh. Ông làm quan dưới thời hoàng đế Càn Long và sau đó là vua Gia Khánh.
Theo sử sách, ngay từ khi còn nhỏ, Kỷ Hiểu Lam đã thông minh, tài giỏi hơn bạn bè đồng trang lứa. Ông được ca ngợi là thần đồng. Vào năm 23 tuổi, ông tham gia kỳ thi ở Thuận Thiên Phủ và đỗ hạng nhất.
7 năm sau, Kỷ Hiểu Lam tham gia kỳ thi tuyển chọn của triều đình và xếp thứ 7. Từ đây, ông bắt đầu làm quan. Trong những năm đầu, ông công việc về văn hóa, biên soạn sách, tài liệu trước khi được điều đến Tân Cương làm việc.
Vào năm 1771, khi cần soạn cuốn “Tứ khố toàn thư”, Càn Long cho gọi Kỷ Hiểu Lam về Kinh. Khi ấy, ông 47 tuổi. Sự nghiệp của Kỷ Hiểu Lam thăng hoa khi vua Gia Khánh lên ngôi, kế thừa ngai vàng từ vua cha.
Ngay năm đầu tiên khi vua Gia Khánh lên ngôi, Kỷ Hiểu Lam được thăng chức Thượng thư Bộ Binh. Vào năm Gia Khánh thứ hai, ông được phong chức Thượng thư Bộ Lễ và sau đó là Thái tử thiếu bảo.
Kỷ Hiểu Lam qua đời ở tuổi 81 với nhiều đóng góp quan trọng cho nhà Thanh. Vì vậy, đích thân hoàng đế Gia Khánh đã viết văn bia, văn tế cho ông. Đây là ân sủng cực lớn đối với vị quan tài năng này.
Vào năm 1970, các chuyên gia khảo cổ phát hiện một ngôi mộ cổ ở huyện Cang, tỉnh Hà Bắc. Căn cứ vào văn bia và những cổ vật được tìm thấy, họ xác định chủ nhân ngôi mộ là Kỷ Hiểu Lam.
Ngoài quan tài chứa di hài của Kỷ Hiểu Lam, các chuyên gia không khỏi bất ngờ khi tìm thấy 7 bộ hài cốt phụ nữ trong mộ cổ này. Kết quả kiểm tra của các chuyên gia cho thấy 7 người này là thê thiếp của Kỷ Hiểu Lam.
Điều này cho thấy Kỷ Hiểu Lam không chỉ là một vị quan có tài mà còn là người phong lưu, đào hoa.
Việc ông được chôn cất cùng tất cả 7 người vợ khiến các chuyên gia cho rằng viên quan này có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc và chung sống hòa thuận với nhau.
Theo Tâm Anh (Kienthuc.net.vn)