Dựa trên số liệu kể trên, vốn bao gồm những người tự sát, số người cao tuổi chết một mình tại nhà có thể đạt tới 68.000 mỗi năm, quan chức cảnh sát Kazuhito Shinka nói trước Hạ viện Nhật Bản.
Trong bối cảnh dân số Nhật Bản già đi nhanh chóng, các biện pháp hỗ trợ người cao tuổi sống một mình ngày càng quan trọng trong chương trình nghị sự.
Theo thống kê của chính phủ Nhật Bản, số hộ chỉ có một người ở nước này chiếm 36% vào năm 2020 và được dự đoán sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong tương lai. Dân số 65 tuổi trở lên đạt 28,6% trong năm 2020, và cũng được dự đoán sẽ tiếp tục tăng.
Ngoài ra, theo Viện Nghiên cứu Dân số và An sinh Xã hội Nhật Bản, số người từ 65 tuổi trở lên sống một mình sẽ tăng từ 7,38 triệu vào năm 2020 lên 8,87 triệu vào năm 2030 và 10,84 triệu vào năm 2050. Số người chết một mình không ai hay biết có thể sẽ còn tăng, dù đây không phải là vấn đề mới ở Nhật Bản.
Cụm từ koritsushi (cái chết cô độc) được sử dụng phổ biến ở Nhật Bản từ năm 1995, sau thảm họa động đất khiến nhiều người cao tuổi phải rời khỏi cộng đồng, sống một mình tại các căn nhà tạm bợ trong thời gian dài. Một số người sau đó bỏ mặc bản thân, không muốn tự chăm sóc hoặc nhận hỗ trợ từ người khác.
Giới chuyên gia cho rằng các vấn đề trí nhớ và tâm thần có thể gây ra tình trạng kể trên. Dù người cao tuổi không muốn được chăm sóc, chuyên gia cho rằng nhà chức trách cần hỗ trợ họ tốt hơn. Tác động của những cái chết cô độc với người ở lại như người thân, hàng xóm cũng cần được xem xét.
Báo cáo năm 2011 của Viện Nghiên cứu NLI về những cái chết cô độc cho thấy khoảng 70% các thành phố ở Nhật Bản không thu thập dữ liệu về những trường hợp qua đời như vậy, trong khi 85% không có định nghĩa rõ ràng về thiện tượng này.
Tháng 08/2023, chính phủ Nhật Bản thành lập nhóm chuyên gia tìm hiểu về hiện tượng chết cô độc, nhằm xây dựng các biện pháp đối phó cần thiết.
Đan Anh (Nguoiduatin.vn)