Vào tháng 4/1961, các chiến sĩ cách mạng Cuba - dưới sự chỉ huy của lãnh tụ Fidel Castro - đã đập tan kế hoạch đổ bộ của lực lượng lưu vong nước này, do Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) chống lưng. Sự kiện đánh dấu thất bại bẽ bàng nhất của Mỹ, dưới thời chính quyền Tổng thống John F. Kennedy.
Ngày 1/1/1959, lãnh tụ Fidel Castro đã lãnh đạo cuộc cách mạng Cuba đi đến thành công, buộc Tổng thống độc tài Fulgencio Batista do Mỹ hậu thuẫn phải bỏ trốn khỏi đảo quốc vùng Caribe. Cuba sau đó nhanh chóng đoạn tuyệt quan hệ với Mỹ và phát triển liên hệ chặt chẽ với Liên Xô.
Những diễn biến mới làm Washington lo lắng bởi Cuba có vị trí địa lý gần với Mỹ, và đưa Havana trở thành một nhân tố mới, đáng kể trong Chiến tranh Lạnh.
Tháng 3/1960, Tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower chỉ đạo CIA phát triển kế hoạch xâm lược Cuba nhằm tạo ra một cuộc thay đổi chế độ. CIA đã tổ chức chiến dịch đào tạo và tài trợ lực lượng gồm những chiến binh lưu vong phản cách mạng được gọi là Lữ đoàn 2506.
Kế hoạch xâm lược
Sau khi đắc cử Tổng thống tháng 11/1960, John F. Kennedy nắm thông tin về kế hoạch xâm lược Cuba, nhưng vẫn còn những lo ngại. Ông không muốn xảy ra kịch bản can thiệp "trực tiếp, công khai" của quân đội Mỹ vào Cuba, với khả năng Liên Xô coi đây là một hành động chiến tranh và trả đũa.
Tuy nhiên, giới chức CIA nói với Tổng thống rằng họ sẽ giữ bí mật vai trò của Mỹ trong cuộc xâm lược, và nếu kế hoạch của Mỹ suôn sẻ thì chiến dịch này sẽ thổi bùng lên một cuộc nổi dậy trên đảo quốc.
Kennedy tin rằng việc thực thi kế hoạch lật đổ chính phủ của Chủ tịch Fidel Castro sẽ thể hiện với Nga, Trung Quốc và cả người dân Mỹ quyết tâm của tân Tổng thống về việc giành thắng lợi Chiến tranh Lạnh.
Cuối cùng, vào ngày 17/4/1961, CIA phát động cuộc tấn công mà các lãnh đạo của họ tin chắc là một "đòn dứt điểm": Một cuộc xâm lược toàn diện Cuba bằng 1.400 người Cuba được Mỹ huấn luyện. Tuy nhiên chiến dịch đã đi chệch hướng ngay từ đầu.
Cuộc xâm lược đầy sai sót
Phần đầu tiên trong kế hoạch của CIA là phá hủy không quân của Fidel Castro, khiến quân đội Cuba không thể phản ứng trước những kẻ xâm lược.
Ngày 15/4, một nhóm người Cuba lưu vong xuất phát từ Nicaragua trên một phi đội máy bay ném bom B-26 của Mỹ, được ngụy trang để trông giống như những máy bay của Cuba bị đánh cắp, và tổ chức tấn công vào các sân bay Cuba.
Tuy nhiên, hóa ra lãnh tụ Castro cùng các cố vấn của ông đã biết trước về cuộc tập kích và di dời không lực của họ khỏi khu vực nguy hiểm. Kennedy thất vọng và bắt đầu nghi ngờ rằng kế hoạch "bí mật và thành công" của CIA trên thực tế có thể là "quá lớn để giữ bí mật nhưng lại quá nhỏ để thành công".
Nhưng đã quá muộn để "hãm phanh" chiến dịch. Vào khoảng 0h ngày 17/4, lữ đoàn lưu vong gồm 1.500 phần tử được CIA huấn luyện bắt đầu chiến dịch từ một điểm cô lập ở bờ biển phía nam Cuba: Vịnh Con Lợn.
Hai nhóm bộ binh trên các tàu đổ bộ Blagar và Barbara có một "sĩ quan điều hành" của CIA ở mỗi đội, cùng với một đội phá hoại dưới mặt nước gồm 5 người nhái, xâm nhập Vịnh Con Lợn. Những kẻ xâm lược mang theo 5 xe tăng và các xe bọc thép trên tàu đổ bộ.
Khoảng 1h sáng, tàu chỉ huy Blagar hướng về địa điểm đổ bộ chính tại Playa Giron. Gần như ngay lập tức, cuộc xâm lược trở thành thảm họa.
CIA muốn giữ bí mật về cuộc tấn công trong thời gian lâu nhất có thể, thế nhưng một đài phát thanh trên bãi biển - mà nhóm trinh sát của cơ quan tình báo hàng đầu nước Mỹ... không phát hiện ra - đã phát đi mọi chi tiết về cuộc xâm lược đến thính giả cả nước.
Một số rạn san hô bất ngờ làm chìm tàu của phe lưu vong khi họ tìm cách cập bờ, trong khi lính dù yểm trợ đáp sai địa điểm.
Lãnh tụ Fidel yêu cầu quân đội kiểm soát địa bàn đổ bộ để không cho phép quân lưu vong lập chính quyền lâm thời và kêu gọi thế giới công nhận theo ý đồ của CIA. Sau 60 giờ chiến đấu quyết liệt, phe lưu vong đã bị đánh bại, phải đầu hàng vào lúc bình minh ngày 19/4/1961.
Gần 1.200 tù binh - bao gồm ban chỉ huy cấp cao của những kẻ xâm lược - bị quân đội Cuba bắt sống, trong khi hơn 100 tên bị tiêu diệt. Radio Cadena Agramonte (Cuba) mô tả đây là thất bại lớn đầu tiên của chủ nghĩa đế quốc tại Mỹ-La tinh.
Thất bại tủi hổ của tình báo Mỹ
Thất bại bẽ bàng của cuộc xâm lược Cuba - được biết đến với tên gọi "Chiến dịch Pluto" - ngay trong đầu nhiệm kỳ khiến chính quyền Kennedy phải đánh giá lại chính sách với Cuba.
Kennedy đã cố gắng chuộc lỗi bằng cách công khai nhận trách nhiệm về vụ tấn công và kết cục thất bại, song kế hoạch đổ bể khiến tân Tổng thống trở nên yếu đuối và thiếu quyết đoán.
Kennedy thành lập một ủy ban do cựu Tham mưu trưởng Lục quân Maxwell Taylor và Bộ trưởng Tư pháp Robert Kennedy (em trai Tổng thống) đứng đầu, nhằm xem xét nguyên nhân thất bại của chiến dịch ở Vịnh Con Lợn.
Cuộc kiểm tra và đánh giá chính sách khởi động tháng 5/1961 dẫn đến quyết định vào tháng 11 cùng năm về thực hiện một chương trình bí mật mới ở Cuba với mật danh Chiến dịch Mongoose. Giám sát cho Chiến dịch Mongoose được cung cấp bởi Nhóm đặc biệt 5412/2, dưới sự bảo trợ của Hội đồng An ninh Quốc gia, được mở rộng bao gồm cả tướng Taylor và Bộ trưởng Kennedy.
Chiến dịch Mongoose tiếp tục hướng đến mục tiêu mà cuộc xâm lược Vịnh Con Lợn thất bại: Thay đổi chế độ ở Cuba. Những người đứng sau chiến dịch vạch ra chương trình phối hợp về chính trị, tâm lý, quân sự và tình báo nhằm vào Cuba, cũng như các âm mưu ám sát được đề xuất nhắm đến các lãnh đạo quan trọng của đảo quốc, bao gồm lãnh tụ Fidel.
Các hoạt động chuẩn bị đều hướng đến một cuộc can thiệp quân sự mới vào tháng 10/1962, nhưng cuộc xâm lược cuối cùng đã không thể diễn ra.
Dù không bị coi là một thất bại và nỗi hổ thẹn đáng kể trong chính sách đối ngoại của Mỹ như vụ Vịnh Con Lợn, Chiến dịch Mongoose vẫn không đạt được những mục tiêu quan trọng nhất. Trong khi đó, trong mùa xuân và mùa hè năm 1962, tình báo Mỹ báo cáo các nỗ lực mở rộng vũ trang từ Liên Xô tới Cuba.
Giữ lo ngại leo thang ở Washington về giả thuyết Liên Xô đang bố trí tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân tại Cuba, chính quyền Kennedy quyết định đình chỉ Chiến dịch Mongoose vào tháng 10/1962 trước mối đe dọa còn nghiêm trọng hơn, thậm chí có thể dẫn đến đối đầu nguy hiểm giữa Mỹ và Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh.
Theo Hải Võ (Doanh nghiệp & Tiếp thị)