“Lúc đầu, tôi rất bực mình, tức giận và khó chịu. Tôi không hiểu điều này đến từ đâu hoặc tại sao con bé lại viết như vậy”, chị Edwards, 34 tuổi, sống ở bang Connecticut, Mỹ, nói với New York Post .
Bà mẹ đơn thân có 3 đứa con chỉ biết chuyện sau khi một bà mẹ khác nhắn tin hỏi chị xem mọi thứ có ổn không.
Bà mẹ đó cũng gửi cho Edwards ảnh chụp màn hình bài đăng của con gái cô với dòng chữ: “LOWKEY SẼ CAM KẾT tự tử”.
Sau thời gian sốc và choáng ngợp, Edwards trở thành một trong 5.000 phụ huynh ở Mỹ sử dụng Claimshero.io để kiện TikTok, ứng dụng bị gọi là “thuốc lá của thời đại kỹ thuật số”.
Kelvin Goode, người sáng lập ClaimsHero, cho biết, vào tháng 7/2023, TikTok lặng lẽ đưa ra một điều khoản trong thỏa thuận người dùng để yêu cầu cha mẹ phải nộp kiến nghị trong vòng một năm (kể từ khi họ tạo tài khoản) nếu không sẽ mất cơ hội đòi bồi thường thiệt hại mãi mãi.
“Với khoảng thời gian hạn chế này, giờ đây, việc cha mẹ và người giám hộ phải yêu cầu ứng dụng gây nghiện nhất hành tinh chịu trách nhiệm cho những tổn thất như gia đình chị Edwards trở nên cấp bách hơn bao giờ hết”, Goode nói.
TikTok, thuộc sở hữu của công ty ByteDance Ltd, cũng áp dụng điều khoản “không kiện tụng tập thể” để cản trở hành động tập thể, buộc các gia đình phải trình đơn riêng biệt và để ClaimsHero đứng ra hòa giải trong cuộc chiến chống lại TikTok.
Bộ não gây nghiện
Edwards cho biết, mọi thứ thay đổi nhanh không ngờ, vì con gái chị luôn là cô bé hướng ngoại, vui vẻ và thu hút mọi người.
“Con bé là ngôi sao nhỏ của tôi”, Edwards nói.
Lúc đầu, Edwards không biết con gái mình có tài khoản TikTok. Khi chị hỏi, cô bé khai rằng đã tự đăng ký bằng email và bịa ngày sinh.
Một cuộc điều tra kỹ thuật do Tổ chức Ân xá quốc tế thực hiện cho thấy, những người trẻ tuổi xem nội dung liên quan đến sức khỏe tâm thần trên trang “Dành cho bạn” của TikTok tiếp xúc với nhiều nội dung có hại, trong đó có những video lãng mạn hóa, tầm thường hóa hoặc khuyến khích tự tử.
Báo cáo từ Tổ chức Ân xá quốc tế cho thấy, hệ thống đề xuất nội dung và các phương pháp thu thập dữ liệu xâm lấn trên TikTok đã khuếch đại nội dung trầm cảm và tự sát, có thể khiến tình trạng sức khỏe tâm thần hiện tại của người xem trở nên tồi tệ hơn.
“Thuật toán của ‘bộ não TikTok’ dựa trên việc xem các video được cá nhân hóa sẽ đề xuất những nội dung được ưu tiên tương tác. Có sự gia tăng dopamine (chất tạo ra cảm giác vui vẻ) trong trung tâm của não khi sử dụng TikTok, khiến não trở nên nghiện việc tiết dopamine liên tục”, TS Nina Cerfolio, một bác sĩ tâm thần và chuyên gia về chấn thương, cho biết.
Điều này càng khuyến khích thanh thiếu niên thích xem nhiều hơn nữa.
Edwards cho biết, con gái chị có tố chất lãnh đạo và hướng ngoại, nhưng từ khi bắt đầu dùng TikTok, cô bé muốn trở nên giống những người mà cô thấy trong các video hơn.
Ban đầu, con gái chị dùng TikTok một cách hồn nhiên, để nhảy nhót và tham gia các xu hướng.
Nhưng Edwards nhận thấy rằng con gái cô càng dành nhiều thời gian cho TikTok càng xa cách mọi người.
“Con bé sau đó xem những video không phù hợp, có nội dung chửi bới hoặc nhảy múa dung tục, tình dục và sử dụng ma túy, những thứ không phù hợp với lứa tuổi của nó”, Edwards nói.
Khi thấy con xem những nội dung như vậy, Edwards yêu cầu con gái chuyển sang cái khác, nhưng lần nào bắt gặp, chị cũng thấy con gái xem video tương tự.
Cerfolio cho biết, một người Mỹ trung bình mở khóa điện thoại thông minh của họ ít nhất 150 lần một ngày, và đó là mức con gái của Edwards nghiện TikTok.
Anh chị Michelle và Dean Nasca rất hiểu cảm giác này sau khi cậu con trai 16 tuổi Chase của họ chết vì tự tử vào năm 2022. Trước khi chết, cậu bé đã xem hơn 1.000 video về bạo lực và tự tử trên TikTok. Anh chị Michelle và Dean Nasca quyết định kiện lên tòa án bang New York.
TikTok từ chối bình luận vào thời điểm đó do vụ kiện đang chờ giải quyết, nhưng phát ngôn viên Jamie Favazza khẳng định công ty cam kết đảm bảo an toàn cho thanh thiếu niên.
Theo Minh Hạnh (Tiền Phong)