Tên lửa chống hạm tầm xa
Khi nói về tên lửa chống hạm tầm xa (LRASM), không thể không nhắc đến cuộc cạnh tranh giữa Nga và Mỹ trong nhiều thập kỉ đã qua.
Liên bang Xô Viết trước đây và Nga hiện nay đã và đang chế tạo những tên lửa chống hạm có khả năng bay với vận tốc siêu thanh và tầm bắn trên 400 Km, P-800 Oniks là một trong những đại diện như vậy.
Trong khi đó, Mỹ vẫn đang sử dụng Harpoon đáng kính được thiết kế từ những năm 1970, với tầm bắn hạn chế chưa đến 120 Km. Đấy là chưa tính đến các tên lửa của Nga được thiết kế để không thể bị phát hiện bởi hệ thống ra-đa phòng thủ của tàu đối phương và thậm chí còn có thể mang được đầu đạn hạt nhân.
Và Trung Quốc sau khi sao chép thành công công nghệ của Nga cũng có cho riêng mình YJ-18, hiện đang được trang bị trên các tàu khu trục Type 052D và Type 055, và được dự báo là có thể trang bị cho cả các tàu ngầm hạt nhân Type 095.
Để không thất thế, Lockheed Martin đã nhận được một hợp đồng trị giá 86,5 triệu USD để trang bị 23 tên lửa đầu tiên cho các máy bay ném bom B-1 và chiến đấu cơ F-18 từ Hải quân Mỹ.
Rõ ràng, Lầu Năm Góc chủ trương “không quân hóa” khả năng chống hạm, điều này cũng không có gì là khó hiểu khi Mỹ có lợi thế lớn với đội tàu sân bay hùng hậu của mình.
Các thiết bị bay không người lái (UAV)
Một trong những xu hướng trong năm 2017 đó là việc sử dụng một nhóm gồm vài chiến hoặc hàng trăm máy bay không người lái cho nhiệm vụ tấn công làm tê liệt hệ thống phòng thủ của đối phương mà không để lộ vị trí, thậm chí là còn có thể sử dụng cho nhiệm vụ ám sát.
Năm 2017, DARPA, một cơ quan của Quân đội Mỹ đưa ra một thách thức cho công đồng đó là xây dựng chiến thuật tấn công trong thành thị cho một nhóm UAV và chiến thuật này phải có khả năng tự điều chỉnh trong chiến đấu.
Lầu Năm Góc ngày càng ứng dụng sâu những công nghệ hiện đại vào thực chiến. Và, thực tế UAV là công nghệ đã được kiểm nghiệm trong thực chiến chứ không đơn giản chỉ là những ý tưởng trên bàn giấy.
Tên lửa siêu âm Zircon
Nga tuyên bố rằng tên lửa chống hạm Zircon đã được thử nghiệm thành công trong năm nay. Zircon có tầm bắn có thể đến 1000 km tốc độ tối đa 6,125–7,350 km/h, quá nhanh để các hệ thống phòng thủ trên tàu chiến hiện tại có thể bắn hạ.
Không chỉ Mỹ, mà đồng minh thân cận Anh vô cùng lo ngại khi các chiến hạm hiện đại và tàu sân bay đắt tiền của mình sẽ trở thành “mồi ngon” của Zircon.
Xe tăng Abrams M1A2 SEP V3
Lo ngại rằng chiếc xe tăng Abrams M1A2 đã trở nên lỗi thời so với T-14 Armata mới của Nga cuối cùng mẫu tăng chủ lực của Mỹ cũng nhận được gói cập nhật lớn.
Abrams M1A2 được nâng cấp lên thành M1A2 SEP V3, với bộ giáp, bộ cảm biến và hệ thống điện tử tân tiến. Phiên bản SEP V4 sắp tới sẽ có súng 120mm của M-1 và một hệ thống ngắm bắn laser hiện đại.
Các chiến hạm mới của Nga
Hải quân Nga đang xây dựng nhiều tàu chiến mới, bao gồm tàu khu trục nhỏ và tàu hộ tống. Đặc biệt những chiếc tàu tương đối nhỏ này có thể sẽ được trang bị “quả đấm thép” Zircon.
Thực tế, sức mạnh của hệ thống tên lủa Kalibr trên các chiến hạm của Nga như thế nào thì trên chiến trường Syria đã được kiểm chứng. Nếu Nga thực sự thành công trong việc tạo ra một tên lửa siêu thanh có thể trang bị trên các chiến hạm cỡ nhỏ thì đây là vấn đề vô cùng nan giải đối với Hải quân nói chung và các biên đội tàu sân bay của Mỹ nói riêng.
Theo Như Ý (Đất Việt)