Liên Xô sở hữu hàng loạt hệ thống vũ khí uy lực, để lại nhiều dấu ấn trong lịch sử quân sự thế giới.
Súng AK là một trong những vũ khí nổi tiếng nhất của Liên Xô. Ảnh: Tampabay. |
Quân đội Liên Xô là một trong những lực lượng quân sự mạnh nhất thế giới trong thế kỷ 20. Nước này đầu tư nhiều tiền của cho khoa học công nghệ và sản xuất công nghiệp, tạo ra nhiều loại vũ khí mang tính biểu tượng trong lịch sử quân sự thế giới, theo National Interest.
AK-47
Súng trường tấn công Avtomat Kalashikova (AK) là mẫu vũ khí bộ binh đơn giản, được đánh giá là một trong những huyền thoại của công nghiệp quốc phòng Liên Xô. Nó cũng là loại súng trường phổ biến nhất, dễ nhận diện nhất trong thời kỳ hậu Thế chiến II, với khoảng 75 triệu khẩu được chế tạo.
Nhiều chuyên gia phương Tây cho rằng AK-47 lấy cảm hứng từ mẫu Sturmgewehr STG-44 của phát xít Đức, trong khi nhà thiết kế Mikhail Kalashnikov lại bác bỏ hoàn toàn nhận định này. AK-47 sử dụng đạn 7,62x39 mm mới và nhẹ hơn các loại đạn súng trường trước đó, đồng thời tích hợp chế độ bắn liên thanh. Khẩu súng rẻ tiền, nhẹ, dễ sử dụng, có độ bền rất cao và không đòi hỏi bảo dưỡng quá nhiều.
Những đặc tính này tạo ra một loại vũ khí tuyệt vời cho quân đội Liên Xô và các quốc gia đồng minh. Nó còn được phổ biến cho nhiều lực lượng quân sự trên khắp thế giới, trở thành một trong những vũ khí nổi tiếng nhất trong thế kỷ 20.
Tàu ngầm hạt nhân Đề án 941 "Akula"
Là lớp tàu ngầm lớn nhất từng được chế tạo trên thế giới, Đề án 941 "Akula" (NATO định danh: Typhoon) đóng vai trò quan trọng trong lực lượng răn đe hạt nhân của Liên Xô. Dài 175 m, lượng giãn nước 48.000 tấn khi lặn, lớp Akula có lượng giãn nước gấp gần ba lần so với tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớp Ohio của Mỹ.
Tàu ngầm Dmitriy Donskoy ra biển thử nghiệm. Ảnh: Oleg Kuleshov. |
Tàu ngầm Akula có thiết kế sáng tạo với 20 tên lửa đạn đạo R-39 Rif đặt ở phía trước, thay vì đằng sau tháp chỉ huy như các tàu ngầm khác của Liên Xô. Mỗi tên lửa R-39 có tầm bắn 8.300 km, mang được 10 đầu đạn hạt nhân với tổng sức mạnh tương đương 133 quả bom nguyên tử ném xuống thành phố Hiroshima.
Tổng cộng có 6 tàu ngầm Đề án 941 được chế tạo và biên chế cho hải quân Liên Xô trong giai đoạn 1981-1989. Ngày nay, chỉ còn tàu Dmitriy Donskoy vẫn còn hoạt động, sau khi được nâng cấp lên chuẩn 941UM để làm bệ thử tên lửa RSM-56 Bulava. Ba chiếc đã bị tháo dỡ, trong khi tàu Arkhangelsk và Severstal nằm trong lực lượng dự bị của Hạm đội Biển Bắc.
Xe tăng chiến đấu chủ lực T-55
Từ mẫu xe tăng hạng trung T-54 đã chứng minh được hiệu quả trong Thế chiến II, Liên Xô tiến hành một loạt cải tiến lớn, bao gồm cả tăng cường khả năng bảo vệ tổ lái trước tác nhân sinh hóa và hạt nhân (NBC), để cho ra đời mẫu tăng chiến đấu chủ lực T-55.
Xe tăng T-55 của quân đội chính phủ Syria |
Dòng xe tăng T-54/55 là trụ cột của lục quân Liên Xô từ cuối Thế chiến II tới khi mẫu T-62, hậu duệ của nó, được đưa vào sử dụng năm 1961. Một số chuyên gia cho rằng các xe tăng tối tân của Nga như T-80 và T-90 đều là hậu duệ trực tiếp của T-55.
Liên Xô cùng các quốc gia Đông Âu và Trung Quốc đã chế tạo khoảng 42.000-100.000 chiếc T-55. Mẫu xe tăng này còn được xuất khẩu rộng rãi tới hàng chục quốc gia trên thế giới. Tuy đã lỗi thời, ưu thế giá rẻ, dễ bảo trì và nhiều gói nâng cấp hiện đại giúp T-55 vẫn được quân đội nhiều nước hiện nay sử dụng.
"Thiên nga trắng" Tu-160 của Nga |
Máy bay ném bom chiến lược Tu-160
"Thiên nga trắng" Tu-160 là mẫu oanh tạc cơ chiến lược cuối cùng được Liên Xô thiết kế và chế tạo, cũng là biểu tượng cho sức mạnh răn đe hạt nhân của nước này. Biệt danh "Thiên nga trắng" bắt nguồn từ lớp sơn chống bức xạ bên ngoài và kiểu dáng thanh mảnh của nó.
Liên Xô bắt đầu thiết kế Tu-160 vào đầu những năm 1970, ngay trước khi Mỹ bắt đầu phát triển máy bay tàng hình B-2. Nguyên mẫu đầu tiên bay thử vào ngày 18/10/1981. Tới năm 1984, tổng cộng 19 chiếc Tu-160 được biên chế cho Trung đoàn ném bom hạng nặng 184 đóng quân tại Pryluky, Ukraine. Hiện Nga là nước duy nhất sở hữu Tu-160, sau khi đã nâng cấp hệ thống vũ khí và điện tử mới.
Tu-160 dựa vào sự kết hợp giữa tốc độ vượt trội và tên lửa hành trình tầm xa để hủy diệt đối phương. Được trang bị 4 động cơ tuabin Kuznetsov NK-32, "Thiên nga trắng" có thể đạt tốc độ hơn 2.500 km/h.
Loại máy bay này không dành cho các nhiệm vụ ném bom thông thường. Nó được coi là bệ phóng tên lửa hành trình với 12 quả Kh-101 có tầm bắn tối đa 2.500-5.500 km. Khả năng này cho phép Tu-160 tung đòn đánh từ ngoài tầm phòng thủ của mọi quốc gia, thậm chí không cần rời khỏi không phận Liên Xô.
Lựu pháo M1938
Pháo binh là một trong những lực lượng chủ lực của Liên Xô trong Thế chiến II. Các loại pháo kéo có ưu điểm rẻ tiền, dễ sản xuất và có ảnh hưởng lớn trên chiến trường. Chỉ riêng tại trận Stalingrad, Liên Xô đã triển khai 13.000 khẩu pháo các loại. Trong trận vành đai Kursk, hơn 25.000 khẩu pháo được Liên Xô huy động để ngăn chặn cuộc tấn công của Đức.
Pháo M1938 là một trong các loại hỏa lực chính của Liên Xô. Ảnh: Wikipedia. |
Lựu pháo M1938 (M30) cỡ nòng 122 mm là loại pháo hạng nặng phổ biến nhất trong lục quân Liên Xô, đại diện cho pháo binh Liên Xô nói chung. M1938 có tầm bắn 11,8 km, tốc độ bắn 5-6 phát/phút. Trong Thế chiến II, mỗi sư đoàn bộ binh Liên Xô được biên chế tới 32 lựu pháo M1938, có thể chi viện hỏa lực tới 4 tấn đạn xuống mục tiêu trong vòng một phút.
Trong trường hợp khẩn cấp, pháo M1938 cũng có thể hạ nòng để bắn thẳng vào các xe tăng đã vượt qua phòng tuyến đầu tiên. Liên Xô đã chế tạo tổng cộng 19.266 lựu pháo M1938, chủ yếu là trong Thế chiến II.
Theo Hòa Việt (VnExpress.net)