Cứ 20 sinh viên thì có một sinh viên vừa đi học, vừa làm các công việc liên quan đến ngành công nghiệp tình dục.
Cụ thể, 6.750 sinh viên đã tham gia vào nghiên cứu nói trên. Trong số đó, có 5% sinh viên nam và 3,5% sinh viên nữ cho biết họ đang làm việc trong ngành công nghiệp tình dục, và gần 22% trên tổng số nói rằng họ đang cân nhắc dấn thân vào những công việc kiểu này.
Khoảng 2/3 số sinh viên cho biết động lực đi làm của họ là để kiếm tiền phục vụ cho những nhu cầu cá nhân, và 56% cho biết cần tiền để trả các khoản sinh hoạt phí cơ bản. 40% thì muốn giảm bớt nợ vào cuối khóa học.
Có đến 5% số sinh viên Anh từng tham gia ngành công nghiệp tình dục trong quá trình học tập của mình |
Tuy nhiên cũng có gần 1/5 số sinh viên thừa nhận một khi đã dấn thân là rất khó quay về cuộc sống cũ, cũng như không cảm thấy an toàn khi hành nghề. Có 21% sinh viên tìm kiếm sự tư vấn trước khi quyết định trở thành một công nhân tình dục, nhưng các trường đại học thường không có chính sách cụ thể về vấn đề này.
Tiến sỹ Tracey Sagar thuộc khoa Tội phạm học trường đại học Swansea, người đứng đầu nghiên cứu cho biết: “Chúng tôi đã có trong tay bằng chứng chắc chắn rằng nhiều sinh viên trên khắp nước Anh hiện nay đang làm việc trong ngành công nghiệp tình dục.
Đa số các sinh viên này giữ bí mật về công việc của mình để tránh ánh nhìn kỳ thị từ xã hội cũng như những phán xét từ gia đình và bạn bè”.
Theo ông Tracey Sagar, chúng ta cũng cần hiểu rằng, không phải mọi sinh viên làm việc trong ngành này đều được an toàn hay cảm thấy an toàn. Các trường đại học cần được trang bị những hiểu biết cần thiết để hiểu hơn về các vấn đề của những sinh viên làm công việc tình dục, cũng như có những hỗ trợ cần thiết cho các sinh viên này.
Mục đích cuộc ghiên cứu này không nhằm mục đích khuyến khích sinh viên đi làm công việc tình dục, mà là nói về việc hỗ trợ các sinh viên đã đi làm kiểu công việc này. Thực tế, nhiều sinh viên đã dấn thân vào nghề này và nhiều em cần lời khuyên, sự ủng hộ và hỗ trợ để không đi vào con đường này.
“Nhiều sinh viên sợ bị kỳ thị và đánh giá, nên các em không nói thật về việc mình làm với các nhân viên tư vấn tại trường đại học, những người có thể giúp các em. Những khuôn mẫu của xã hội cũng là một rào cản với các em. Những công việc liên quan đến tình dục thường xuyên được cho là lãnh địa của giới nữ, điều này cũng có nghĩa là những sinh viên nam sẽ khó nhận được sự trợ giúp hơn", ông Tracey Sagar nói.
Trong khi, trước đó, cuối năm 2014, tờ Daily Mail cũng đưa tin, hiện tượng sinh viên “hành nghề” mại dâm kiếm tiền trả học phí có xu hướng gia tăng mạnh.
Nhiều chuyên gia nhận định, các trường đại học đang “biến thành” những tập đoàn kinh doanh đúng nghĩa và nhiều vấn đề của sinh viên không được quan tâm giải quyết.
Áp lực học phí là điều rất rõ ràng mà sinh viên phải đối mặt. Ron Roberts - một giảng viên cao cấp tại Đại học Kingston nhận định: "Rất nhiều vấn đề đang đặt ra với các trường đại học trong điều kiện hiện nay, từ chất lượng đào tạo đến việc quản lý sinh viên, học phí… Dường như trường đại học có quá nhiều mối quan tâm so với trước đây".
Theo kết quả nghiên cứu của Roberts, tiến hành khảo sát trên 200 sinh viên ở 29 trường đại học trên khắp nước Anh, được xuất bản bởi Đại học Kingston và Leeds, ước tính, “ngành công nghiệp tình dục” sinh viên tạo ra 355 triệu bảng Anh mỗi năm.
Một phát ngôn viên của tổ chức tư vấn tình dục, thông tin và giúp đỡ sinh viên (SWISH) nói rằng, đang có sự gia tăng đáng lo ngại hiện tượng sinh viên hành nghề bán dâm.
Tuy nhiên, phát ngôn viên của Hiệp hội sinh viên Quốc gia (NUS) cho biết, số liệu thống kê về tình trạng sinh viên bán dâm không thực sự đáng tin cậy.