Đóng tàu đổ bộ tấn công cỡ lớn mang theo máy bay chiến đấu đang là xu thế mới của các cường quốc hải quân.
Tàu đổ bộ tấn công mang trực thăng lớp America
|
USS America (LHA-6)
|
LHA-6 (Landing Helicopter Assault) là chiếc tàu đổ bộ tấn công đầu tiên thuộc lớp America của Hải quân Mỹ, mới gia nhập biên chế ngày 1/4/2014 với mục đích thay thế cho tàu đổ bộ tấn công LHA-5 Peleliu lớp Tarawa chuẩn bị ngừng hoạt động.
USS America có thể thực hiện đa dạng các nhiệm vụ trên biển, kể cả tìm kiếm cứu hộ cứu nạn. Với tư duy chiến thuật mới thiên hoàn toàn về đổ bộ đường không, LHA-6 không có khoang đổ bộ ngập nước truyền thống như các tàu thế hệ trước.
LHA-6 America có chiều dài 257 m; rộng 32 m; mớn nước 7,9 m; lượng giãn nước đầy tải 45.693 tấn. Biên chế của tàu gồm 65 sĩ quan, 994 thủy thủ và có thể mang theo 1.687 lính thủy đánh bộ.
Vũ khí trang bị của America gồm 2 bệ phóng tên lửa phòng không tầm ngắn RIM-116 Rolling Airframe, 2 bệ phóng tên lửa Sea Sparrow, 2 hệ thống CIWS Phalanx và 7 súng máy 12,7 mm nòng kép.
Tàu có thể mang tới 38 máy bay các loại, bao gồm 10 máy bay chiến đấu tàng hình F-35B, 12 máy bay vận tải MV-22 Osprey, 8 trực thăng tấn công AH-1Z Cobra, 4 trực thăng vận tải CH-53E Super Stallion, 4 trực thăng tìm kiếm cứu hộ MH-60S Seahawk.
LHA-6 còn có khả năng hoạt động như một tàu sân bay mini. Khi thực hiện chức năng này, nó có thể mang theo tới 20 tiêm kích thế hệ 5 F-35B cùng 2 trực thăng MH-60S. Với lực lượng trên, LHA-6 còn có sức mạnh vượt trội nhiều tàu sân bay hạng trung khác.
Tàu đốc đổ bộ chở trực thăng lớp Wasp
|
USS Bataan (LHD-5) |
Tàu đốc đổ bộ chở trực thăng LHD (Landing Helicopter Dock) lớp Wasp được Hải quân Mỹ thiết kế dựa trên cơ sở tàu đổ bộ tấn công Tarawa thế hệ trước với nhiều cải tiến để tăng khả năng hoạt động của máy bay cũng như năng lực chuyên chở.
Các tàu đổ bộ lớp Wasp có khả năng vận chuyển toàn bộ sức mạnh của một đơn vị lính thủy đánh bộ viễn chinh Mỹ tới vùng chiến sự, thông qua trung gian là các xuồng đổ bộ thông thường hoặc máy bay trực thăng.
Thông số cơ bản của tàu đổ bộ lớp Wasp: lượng giãn nước đầy tải 41.150 tấn; dài 253,2 m; rộng 31,8 m; mớn nước 8,1 m; biên chế chiến đấu có thể lên tới 2.200 người gồm lính thủy đánh bộ và thủy thủ đoàn.
Vũ khí trang bị của Wasp gồm: 2 bệ phóng tên lửa phòng không tầm ngắn RIM-116 Rolling Airframe, 2 bệ phóng tên lửa Sea Sparrow, 2 - 3 hệ thống CIWS Phalanx, 3 - 4 pháo tự động 25 mm Mk 38 và 4 súng máy 12,7 mm M2HB.
Trong các nhiệm vụ thông thường, Wasp mang theo 6 phản lực cất hạ cánh thẳng đứng AV-8B Harrier, 4 trực thăng tấn công AH-1W Super Cobra, 12 trực thăng vận tải CH-46 Sea Knight.
Ngoài ra, tàu còn có thể mang thêm 4 máy bay cánh quạt lật MV-22 Osprey, 4 trực thăng vận tải hạng nặng CH-53 Sea Stallion và 3 - 4 trực thăng đa dụng UH-1N Huey.
Khi thực hiện nhiệm vụ tấn công, cơ cấu trên thay đổi gồm 42 CH-46 Sea Knight hoặc 22 MV-22 Osprey. Ở nhiệm vụ kiểm soát biển thì đội bay gồm 20 AV-8B Harrier II và 6 SH-60F/HH-60H.
Tàu đổ bộ tấn công đa dụng lớp Joan Carlos I
|
Joan Carlos I (L61) |
Tàu đổ bộ tấn công đa dụng số hiệu L61, mang tên nhà vua Tây Ban Nha Joan Carlos I, có nhiều nét tương đồng với tàu sân bay hơn cả.
Phần boong của tàu được thiết kế với đường cất hạ cánh kiểu nhảy cầu, có khả năng triển khai hoạt động các máy bay phản lực cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng như AV-8 Harrier hoặc F-35B (thậm chí cả F-35C).
Boong tàu đủ chỗ cho 6 trực thăng hoạt động cùng lúc, khoang chứa máy bay cho phép mang theo 12 chiếc AV-8 Harrier và 10 trực thăng các loại.
Joan Carlos I có chiều dài 230,82 m; rộng 32 m; mớn nước 6,9 m; lượng giãn nước đầy tải 26.000 tấn. Tàu có thể chở theo 913 lính thủy đánh bộ và 46 xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2. Thủy thủ đoàn gồm 261 người, phi hành đoàn là 172 người.
Vũ khí trang bị của lớp tàu đổ bộ này khá khiêm tốn với chỉ 4 pháo tự động 20 mm và 4 súng máy hạng nặng 12,7 mm phục vụ phòng thủ.
Khu trục hạm mang trực thăng lớp Izumo
|
JDS Izumo (DDH-183) |
Với chiều dài 248 m; rộng 38 m; mớn nước 7,5 m; lượng giãn nước đầy tải 27.000 tấn; khu trục hạm mang trực thăng Izumo (22DDH) chính là lớp tàu chiến mặt nước lớn nhất của Hải quân Nhật Bản được đóng sau Chiến tranh thế giới II.
Bộ quốc phòng Nhật lên kế hoạch đóng tất cả 2 chiếc 22DDH, họ đã cho hạ thủy và chạy thử nghiệm chiếc DDH-183, dự kiến Izumo sẽ chính thức gia nhập hạm đội vào tháng 3/2015.
Khu trục hạm Izumo có khả năng mang theo tới 14 trực thăng chống ngầm SH-60J/K (5 chiếc hoạt động được cùng lúc trên đường băng) và khi cần thiết thì số máy bay trang bị trên tàu có thể lên tới 28 chiếc.
Vũ khí của DDH-183 gồm 2 hệ thống CIWS Phalanx và 2 hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn SeaRAM đảm nhiệm việc phòng thủ.
Các nước phương Tây coi DDH-183 là tàu đổ bộ, với sức chứa tối đa 970 lính thủy, Izumo có thể chuyên chở một tiểu đoàn của Lữ đoàn 1 hoặc Trung đoàn Lục quân miền Tây (chuyên đổ bộ đường biển, bảo vệ đảo xa) đến vùng chiến sự bằng trực thăng.
Hiện tại Trung Quốc đang rất lo ngại việc Nhật Bản có thể đặt hàng một lô tiêm kích cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng F-35B để triển khai trên tàu khu trục mang trực thăng lớp Izumo nhằm biến nó thành một tàu sân bay hạng nhẹ.
Tàu đổ bộ tấn công lớp Mistral
|
BPC Mistral (L9013) |
Mistral là lớp tàu đổ bộ tấn công thế hệ mới của Hải quân Pháp, chúng có thể được dùng làm tàu chỉ huy, đổ bộ tấn công, hỗ trợ hậu cần, di tản nhân đạo, bệnh viện dã chiến và thực hiện các sứ mệnh tác chiến hải quân khác.
Với chiều dài 199 m; rộng 32 m; mớn nước 6,3 m; lượng giãn nước đầy tải 21.600 tấn, Mistral là chiến hạm lớn thứ hai của Hải quân Pháp (sau tàu sân bay Charles de Gaule) và cũng là tàu đổ bộ tấn công lớn thứ hai tại châu Âu hiện nay (sau lớp Joan Carlos I).
Khoang đổ bộ của Mistral có diện tích 2.650 m2, chuyên chở được 40 xe tăng AMX-56 Leclerc cùng 900 lính thủy đánh bộ. Ngoài ra, tàu còn mang được 16 trực thăng hạng nặng hoặc 35 trực thăng hạng nhẹ với 6 chiếc có thể hoạt động cùng lúc trên mặt boong.
Nếu được trang bị thêm một module dốc nhảy trượt, dài 15 - 20 m, Mistral có thể đảm nhiệm vai trò của tàu sân bay hạng nhẹ, đáp ứng được việc bố trí triển khai các máy bay cất hạ cánh thẳng đứng hoặc đường băng ngắn kiểu Harrier và F-35B.
Hệ thống phòng vệ của Mistral gồm 2 tổ hợp tên lửa phòng không tầm ngắn MBDA Simbad, 2 pháo phòng không hải quân Breda-Mauser cỡ 30 mm và 4 súng máy hạng nặng 12,7 mm.
Mistral có thể dùng làm tàu chỉ huy và điều khiển với một trung tâm chỉ huy rộng 850 m2. Thông tin từ các thiết bị thu nhận của tàu được tập trung vào hệ thống SENIT-9, đây chính là cốt lõi của việc Nga muốn mua bằng được lớp tàu đổ bộ tấn công này.
Theo Bạch Dương (Dailo.vn)