Đặc nhiệm là lực lượng quân sự được tổ chức đặc biệt, trang bị vũ khí và sử dụng chiến thuật phi truyền thống để thực hiện các nhiệm vụ gần như bất khả thi với những người lính bình thường.
Binh sĩ thuộc lực lượng này là những người đã trải qua nhiều năm rèn luyện thể chất và tâm lý căng thẳng, được huấn luyện các kỹ năng sinh tồn trong điều kiện khắc nghiệt nhất để hoàn thành nhiệm vụ, theo War History.
Đặc nhiệm Không quân Anh (SAS)
SAS là đơn vị đặc nhiệm hiện đại đầu tiên trong lịch sử quân sự. Được David Stirling thành lập vào tháng 7/1941, SAS trở thành một trong những lực lượng tinh nhuệ và nổi tiếng nhất của quân đội Anh.
Để trở thành đặc nhiệm SAS, các ứng viên phải trải qua khâu tuyển chọn và kiểm tra cường độ cao trước khi tiếp tục tham gia khóa đào tạo chuyên sâu. Quá trình sàng lọc ứng viên được cho là một trong những khóa huấn luyện quân sự khắc nghiệt nhất thế giới, nơi tỷ lệ thất bại lên tới trên 90%.
Ứng viên là quân nhân đến từ các đơn vị trong quân đội Anh sẽ trải qua các bài kiểm tra thể lực căng thẳng, rèn sức mạnh ý chí, sức chịu đựng bền bỉ ở núi Brecon Beacons và Thung lũng Ellan ở Wales, cũng như trong rừng Belize trong khoảng 6 tháng. Chương trình huấn luyện này diễn ra hai lần trong một năm bất kể điều kiện môi trường và mỗi ứng viên chỉ được phép tham gia chương trình huấn luyện hai lần.
Ứng viên tham gia SAS phải trải qua một loại các bài tập với độ khó tăng dần, đi kèm các bài kiểm tra, nơi những người không đủ tiêu chuẩn sẽ bị loại dần qua từng giai đoạn.
Một số ít ứng viên vượt qua quá trình tuyển lựa và huấn luyện khắc nghiệt trên sẽ được trao chiếc mũ nồi màu be với biểu tượng dao găm có cánh nổi bật để trở thành thành viên mới của đặc nhiệm SAS. Sau khi được biên chế vào trung đoàn SAS thường trực, họ sẽ tiếp tục được huấn luyện chuyên sâu và nhiều tân binh SAS vẫn bị gửi trả về đơn vị cũ trong quá trình huấn luyện này.
Đặc nhiệm SAS của Anh đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ nổi tiếng như Chiến dịch giải cứu con tin ở Sierra Leone hay cuộc đột kích vào các tay súng chiếm giữ đại sứ quán Iran ở London năm 1980. SAS nổi tiếng với độ chuyên nghiệp, hiệu quả cao, cũng như trở thành hình mẫu cho một số nước khác xây dựng lực lượng đặc nhiệm.
Đặc nhiệm SEAL hải quân Mỹ
SEAL là một đơn vị trong Bộ tư lệnh Tác chiến Đặc biệt Hải quân Mỹ, được huấn luyện đặc biệt để hoạt động trong mọi môi trường, dù nhiệm vụ cơ bản của họ là tham gia tác chiến đặc biệt trên biển.
Vai trò của SEAL tập trung vào các nhiệm vụ đột kích chớp nhoáng. Họ bí mật xâm nhập vào lãnh thổ đối phương, thu thập tin tức tình báo, tiêu diệt hoặc bắt giữ mục tiêu, giải cứu con tin trong thời gian rất ngắn, sau đó rút khỏi khu vực thù địch.
Khi không được triển khai, đặc nhiệm SEAL liên tục tham gia huấn luyện, học các kỹ năng mới và nâng cao năng lực hiện có để tạo ra sự khác biệt khi được tung ra chiến trường.
Để gia nhập SEAL, các ứng viên phải trải qua chương trình huấn luyện kéo dài hơn một năm với các giai đoạn gồm huấn luyện tân binh, khóa chuẩn bị huấn luyện tác chiến đặc biệt hải quân, chương trình Hủy diệt Dưới nước Cơ bản (BUDS), khóa học nhảy dù và huấn luyện tiêu chuẩn SEAL (SQT).
Trong đó, BUDS là giai đoạn thử thách nhất đối với các ứng viên, khi họ phải trải qua "Tuần Địa ngục" chỉ được phép ngủ tối đa 4 tiếng mỗi ngày trong 6 ngày liên tục, 20 giờ còn lại là để huấn luyện, và phải hoàn thành quãng đường chạy hơn 321 km trong tuần này. Đây là tuần mà nhiều ứng viên bị rơi rụng nhất, khi họ không chịu nổi sức ép quá lớn và xin rút lui.
Chương trình huấn luyện đặc nhiệm SEAL còn có nhiều bài kiểm tra khắc nghiệt, với chỉ có khoảng 25% ứng viên vượt qua để gia nhập lực lượng.
Trong quá trình hoạt động, đặc nhiệm SEAL hải quân Mỹ từng tham chiến ở Somali, Afghanistan và thực hiện chiến dịch đột kích nổi tiếng tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden.
Đặc nhiệm Spetsnaz, Nga
Thành viên đặc nhiệm Spetsnaz nổi tiếng về khả năng chịu sự tra tấn khủng khiếp để bảo vệ các thông tin có giá trị. Hình thức huấn luyện của lực lượng này khắc nghiệt đến mức chúng bị coi là bất hợp pháp ở Mỹ.
Spetsnaz bảo mật thông tin về các chiến dịch tốt đến mức công chúng chỉ biết đến sự tồn tại của họ khi chính sách công khai thông tin được áp dụng cuối thập niên 1980, với nhiều bí mật nhà nước được hé lộ.
Đây cũng là lực lượng đặc nhiệm nổi tiếng tinh nhuệ bậc nhất thế giới. Trong lực lượng vũ trang Nga, Spetnaz có thể thực hiện nhiệm vụ trinh sát sâu trong lãnh thổ đối phương và các sứ mệnh phá hoại trong lòng địch.
Thành viên Spetsnaz là những người thành thạo nhiều ngoại ngữ để phục vụ quá trình xâm nhập vào lãnh thổ nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi khi thực hiện nhiệm vụ.
Chương trình huấn luyện đặc nhiệm Spetsnaz gồm bài tập định hướng cơ bản, nơi ứng viên làm quen với môi trường quân đội, trọng tâm là các bài tập hành quân và diễn tập. Ở giai đoạn này, họ sẽ được nếm trải kỷ luật thép trong quân đội.
Học viên sẽ trải qua 4 năm huấn luyện vất vả với những bài kiểm tra đánh giá liên tục để xem họ có đủ tố chất trở thành sĩ quan đặc nhiệm Spetsnaz hay không. Sau khi tốt nghiệp, chỉ những học viên ưu tú mới được điều về đặc nhiệm Spetsnaz.
Tỷ lệ thất bại của các ứng viên khi tham gia chương trình huấn luyện Spetsnaz rất cao. Chương trình huấn luyện đặc nhiệm Spetsnaz hoạt động ở nước ngoài còn có thêm khóa huấn luyện bổ sung về thẩm vấn tù nhân và chiến thuật ám sát.
Đặc nhiệm Sayeret Maktal, Israel
Năm 1957, Đơn vị 101 thuộc Cục tình báo quân đội Israel được thành lập nhằm tiến hành các nhiệm vụ thu thập tin tức tình báo tối mật trong lãnh thổ đối phương, trong đó đặc nhiệm Sayeret Maktal là một đơn vị trực thuộc. Một năm sau, Sayeret Maktal tách ra thành một đơn vị độc lập trực thuộc Bộ Tổng tham mưu quân đội Israel, hoạt động theo mô hình đặc nhiệm SAS của Anh.
Ngoài nhiệm vụ cơ bản là tiến hành trinh sát sâu trong lãnh thổ đối phương, đặc nhiệm Sayeret Maktal còn được biết đến với tư cách là đơn vị chống khủng bố hiệu quả nhất thế giới với khả năng xâm nhập, rút lui và tấn công chớp nhoáng.
Các ứng viên đặc nhiệm Sayeret Maktal được lựa chọn dựa trên tiêu chí về thể lực và trí tuệ. Hai năm một lần, họ tổ chức trại tuyển quân rất khắc nghiệt, nơi các ứng viên trải qua các bài kiểm tra gian khổ trong vài ngày mà không được nghỉ ngơi.
Các ứng viên vượt qua bài kiểm tra đầu vào sẽ trải qua 18-19 tháng huấn luyện tăng cường về võ thuật, sử dụng vũ khí, định hướng, trinh sát và các kỹ năng cần thiết khác để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ thành công nơi hậu phương địch. Trong suốt quá trình huấn luyện, học viên luôn được các bác sĩ và chuyên gia tâm lý theo dõi chặt chẽ.
Đặc nhiệm Sayeret Maktal đã hoàn thành tốt một loạt các nhiệm vụ như Chiến dịch giải cứu 103 con tin Do thái ở Uganda, các chiến dịch ngăn chặn vũ khí tuồn sang Lebanon và một số nhiệm vụ khác.
Biệt kích thủy quân lục chiến Pháp
Biệt kích thủy quân lục chiến Pháp, hay Lực lượng Mũ nồi Xanh, thành lập năm 1942, là một đơn vị đặc nhiệm của hải quân Pháp, hoạt động theo mô hình Biệt kích Anh.
Thông thường, các ứng viên sẽ phải hoàn thành Khóa huấn luyện Cơ bản Fusiliers-Marins và có ít nhất 9 tháng phục vụ trong quân đội, trước khi chuyển sang giai đoạn huấn luyện biệt kích.
Huấn luyện biệt kích Pháp là một trong những khóa huấn luyện khắc nghiệt nhất trên thế giới với tỷ lệ ứng viên thất bại ở mức 82% trong năm 2016. Khóa huấn luyện kéo dài 20 tuần, trong đó các bài kiểm tra và hai tuần huấn luyện nhảy dù.
Các học viên luôn được cảnh báo về chương trình huấn luyện cực kỳ khắc nghiệt và họ sẽ bị loại ngay lập tức nếu mắc bất kỳ sai lầm nào. Ở cuối khóa huấn luyện, cac ứng viên đủ tiêu chuẩn sẽ có thể chất, trí tuệ và tâm lý đủ để hoạt động trong Biệt kích Thủy quân lục chiến Pháp.
Theo Duy Sơn (VnExpress.net)