Các bức không ảnh và ảnh vệ tinh cho thấy tình trạng nước biển dâng đã làm 5 hòn đảo ở quần đảo Solomon, nam Thái Bình Dương hoàn toàn biến mất.
Quần đảo Solomon trên bản đồ - Ảnh: Lagodaxnian |
Theo Digitaljournal, đây là những chứng cứ khoa học đầu tiên cho thấy ảnh hưởng rất lớn của biến đổi khí hậu và tình trạng nước biển dâng đối với những quần đảo, khu vực nằm ở vị trí thấp.
Một nghiên cứu mới công bố của các học giả Úc sử dụng các loạt không ảnh theo thời gian và hình ảnh vệ tinh chụp 33 hòn đảo, đá từ năm 1947 - 2014 cho thấy 11 hòn đảo thuộc quần đảo Solomon đã biến mất hoàn toàn trong nhiều thập kỷ gần đây hoặc đang trải qua tình trạng bị bào mòn nghiêm trọng do nước biển dâng.
5 hòn đảo đã biến mất gồm: Kakatina, Kale, Rapita, Rehana và Zollies. Các đảo có kích thước đa dạng, từ 1 - 5ha và có thảm thực vật nhiệt đới rậm rạp ít nhất 300 năm tuổi.
Các tác giả của nghiên cứu viết: “Biến đổi khí hậu khiến nước biển dâng được dự đoán là một trong những thách thức lớn nhất với nhân loại trong thế kỷ tới”.
Nghiên cứu cũng cảnh báo khu vực Taro, thủ phủ tỉnh Choiseul của quần đảo Solomon sẽ trở thành khu vực thủ phủ đầu tiên của một tỉnh trên thế giới buộc phải di dời người dân trước tình trạng nước biển dâng.
Quần đảo Solomon được xem là khu vực điểm nóng về tình trạng nước biển dâng do biến đổi khí hậu đã chứng kiến mức tăng mực nước biển gấp 3 lần so với mức tăng trung bình toàn cầu. Kể từ năm 1993, mỗi năm, mực nước biển ở đây tăng 1cm. |