5 chiến mã nổi tiếng nhất lịch sử quân sự thế giới

10/02/2017 14:20:00

Bucephalus của Alexander Đại đế và Marengo của Napoleon Bonaparte nằm trong số những con ngựa chiến nổi tiếng nhất trong lịch sử quân sự.

Bucephalus của Alexander Đại đế và Marengo của Napoleon Bonaparte nằm trong số những con ngựa chiến nổi tiếng nhất trong lịch sử quân sự.
 
Tượng của Alexander Đại đế và chiến mã Bucephalus ở Scotland. Ảnh: War History.

Bucephalus

Là chiến mã cưng của Alexander Đại đế, Bucephalus từng thuộc về vua Macedonia khi Alexander mới 12-13 tuổi. Ông giành được con ngựa này trong một lần đánh cược với cha mình.

Bucephalus là một con ngựa khổng lồ với một mắt màu xanh. Tên của nó có nghĩa là "đầu bò", do nó có một xoáy lông trên đầu.

Alexander đã trải qua nhiều trận chiến cùng Bucephalus. Các sử gia cho rằng nó đã chết do bị thương trong trận Hydaspes chống lại vua Porus xứ Paurava, một số người khác cho rằng nó chết già. Dù nguyên nhân là gì thì nó cũng thiệt mạng trong chiến dịch của Alexander ở Punjab. Năm 326 trước Công nguyên, Alexander lập một thành phố bên bờ sông Hydaspes, đặt tên là Bucephala để tưởng nhớ con ngựa cưng của mình.

Bucephalus trở thành một trong những con ngựa nổi tiếng nhất trong văn hóa cổ điển, bên cạnh các chiến mã huyền thoại như Pegasus và ngựa gỗ thành Troy. Do danh tiếng của nó và sự nổi tiếng của Alexander Đại đế, Bucephalus đã trở thành tiêu chuẩn của các vị tướng khi khoe ngựa cưng của họ.

Marengo

Ra đời năm 1793, Marengo là một con ngựa Arab nhỏ màu xám chỉ cao 145 cm. Được đưa đến Pháp năm 1799, nó thuộc sở hữu của Lãnh sự thứ nhất và sau đó là hoàng đế Napoleon Bonaparte của Pháp.

Con chiến mã được đặt tên theo trận đánh Marengo giữa quân Pháp và Áo, nơi nó đã giúp chủ nhân đến được nơi an toàn. Nó có sự chắc chắn và lòng dũng cảm của một chiến mã, giúp chủ tung hoành ngang dọc khắp châu Âu, qua các trận đánh như Austerlitz, Jena-Auerstedt và Wagram. Nó bị thương 8 lần trong lúc giao tranh. Trong chiến dịch ở Nga năm 1812, Marengo là một trong 52 chiến mã bọc giáp của Napoleon chạy trốn khỏi cuộc tập kích của Nga và thoát khỏi Moscow.

Khi Napoleon trở lại trong chiến dịch 100 ngày, ông lại cưỡi Marengo. Con ngựa này bị bắt ở trận Warterloo và bán cho một đại úy trong lực lượng vệ binh của Anh. Sau khi Marengo qua đời ở tuổi 38, bộ xương của nó được trưng bày ở Bảo tàng Quân đội Quốc gia ở Chelsea, Anh. Hai móng của nó được gia công thành hộp đựng thuốc lá và lọ mực.

Copenhagen

Đối thủ lớn nhất của Napoleon cũng có chiến mã nổi tiếng không kém là Copenhagen. Sinh năm 1808, chiến mã này lai giữa giống Arab và ngựa nòi. Tên của nó được đặt để vinh danh chiến thắng của Anh ở trận chiến Copenhagen lần thứ hai, một năm trước khi nó ra đời. Copenhagen là con ngựa nhỏ, lực lưỡng, có lông màu nâu hạt dẻ với hai gót móng màu trắng.

Ban đầu, nó là con ngựa đua từ năm 1811-1812. Sau đó Copenhagen được bán cho Ngài Charles Vane và đưa đến bán đảo Tây Ban Nha, trước khi tới tay một đại tá đại diện cho công tước xứ Wellington. Vị công tước này đã cưỡi nó trong vài trận đánh, đặc biệt là trận Waterloo, nơi ông ở trên yên ngựa liên tục trong 17 giờ. Được tháo cương sau khi giành chiến thắng, con ngựa tung vó suýt trúng đầu chủ sau khi công tước Wellington vỗ vào hông nó.

Sau chiến tranh với Napoleon, công tước Wellington tiếp tục cưỡi Copenhagen trong các nghi lễ và diễu hành, trước khi cho nghỉ hưu ở khu đất của ông ở Stratfield. Nó sống nhàn nhã và qua đời ở tuổi 28. Copenhagen được chôn cất theo nghi thức quân đội, trong tang lễ có sự chứng kiến của vị công tước. Nhiều năm sau, người ta đề nghị công tước khai quật bộ xương của Copenhagen để trưng bày cùng Marengo nhưng bị từ chối.

Theo Duy Sơn (VnExpress.net)

Nổi bật