Hôm 08/04, thông báo từ Hải quân Mỹ cho biết đã có 286 thủy thủ trên tàu USS Theodore Roosevelt nhiễm Covid-19. Như vậy chỉ sau 24 giờ, Hải quân Mỹ đã ghi nhận thêm 130 trường hợp nhiễm bệnh trên tàu.
Hầu hết các thủy thủ tàu USS Theodore Roosevelt nhiễm bệnh đều có triệu chứng nhẹ và không cần nhập viện điều trị, tuy vậy có một trường hợp đã được đưa vào điều trị tích cực tại Guam, sau khi được phát hiện trong tình trạng bất tỉnh, theo một quan chức Hải quân Mỹ.
Dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên tàu USS Theodore Roosevelt đã kéo theo nhiều sự việc tranh cãi, dẫn tới việc Quyền Bộ trưởng Hải quân Mỹ Thomas Moldy từ chức hôm 07/04.
Bộ trưởng Moldy cách chức hạm trưởng tàu USS Theodore Roosevelt Brett Crozier, sau khi bức thư phản ánh tình trạng dịch bệnh trên tàu của ông này được truyền thông Mỹ đăng tải. Trong thư, hạm trưởng Crozier kêu gọi giới chức quân đội Mỹ nhanh chóng sơ tán thủy thủ khỏi tàu.
Ông Moldy sau đó đã bay tới đảo Guam, nơi tàu USS Theodore Roosevelt neo đậu, phát biểu trước các thủy thủ rằng hạm trưởng Crozier "ngây thơ và ngu ngốc" khi không hiểu được rằng bức thư sẽ bị rò rỉ ra cho truyền thông, đồng thời cho rằng chính ông này gửi bức thư tới các hãng tin.
Trước sức ép từ dư luận và nhiều chính trị gia, ông Moldy đã phải nộp đơn từ chức Quyền Bộ trưởng Hải quân Mỹ. Ông Brett Crozier sau đó cũng được chẩn đoán nhiễm virus.
Theo thông tin từ Hải quân Mỹ, 97% thủy thủ đoàn của tàu USS Theodore Roosevelt đã được xét nghiệm, trong đó có 416 người nhiễm Covid-19. Tuy vậy, mới chỉ có 2.329 thủ thủ được sơ tán khỏi chiến hạm này.
Hải quân Mỹ ban đầu có kế hoạch cho tới ngày 03/04 sơ tán 2.700 thủy thủ lên đất liền, tuy vậy các quan chức cho biết quá trình này chậm lại đáng kể do phải xét nghiệm cho các thủy thủ. Chính quyền đảo Guam yêu cầu các thủy thủ phải được xét nghiệm cho kết quả âm tính thì mới được di chuyển tới các khách sạn trên địa bàn.
Đan Anh (Nguoiduatin.vn)