Hãng Reuters dẫn tin từ nhà chức trách Ấn Độ cho biết, các công nhân trên bị mắc kẹt trong đường hầm cao tốc ở bang Uttarakhand, kể từ khi nó bị sập vào sáng ngày 12/11 và hiện vẫn an toàn. Các công nhân tiếp nhận ánh sáng, khí ôxy, nước, thuốc men và thực phẩm khô qua một đường ống nhỏ hơn.
Những người mắc kẹt cũng nhận được các loại hạt, đậu và các thực phẩm khô. Họ mắc kẹt trong một đường hầm dài 2km thay vì 50m như thông báo trước đó.
Bác sĩ Prem Pokhriyal, từng nói chuyện với các công nhân đang mắc kẹt dưới lòng đất cho hay: "Ngày 20/11, các công nhân muốn có các viên vitamin C dạng nhai và đã được cung cấp. Tới giờ tất cả dường như đều ổn và khỏe mạnh".
Theo giới chức Ấn Độ, hiện chưa rõ nguyên nhân gây sập đường hầm dài 4,5km song khu vực này thường xuyên xảy ra động đất, lũ lụt và lở đất.
Ông Anshu Manish Khalkho - Giám đốc Tổng công ty phát triển hạ tầng và đường cao tốc quốc gia (NHIDCL), đơn vị chịu trách nhiệm xây dựng đường hầm nói: "Chúng tôi có thể đạt được một bước đột phá trong việc đẩy qua một đường ống 15,4cm". Ông Khalko nói, việc khoan ngang đống đổ nát sẽ được tiếp tục ngay sau khi đường ống mới được đẩy qua song không đưa ra mốc thời gian.
Ngoài khoan ngang, lực lượng cứu hộ đang nghiên cứu 5 kế hoạch mới để đưa các công nhân lên mặt đất, gồm cả khoan thẳng đứng từ đỉnh núi. Ông Khalko cho biết thêm, các máy móc hạng nặng dùng để khoan thẳng đứng sẽ được chuyển tới bằng đường bộ trong 1-2 ngày tới.
Gia đình của 9 trong số 41 công nhân mắc kẹt đã có mặt tại khu vực đường hầm ở Silkyara, trên vùng đồi cao của Uttarakhand. Những công nhân mắc kẹt dưới lòng đất tới từ các bang nghèo ở bắc và đông Ấn Độ.
Theo Hoài Linh (VietNamNet)