4 vị tướng được Gia Cát Lượng ca ngợi hết lời: Hậu thế lại khẳng định ông nhận định sai người cuối

23/02/2025 08:50:34

Gia Cát Lượng là một nhà chiến lược tài ba, nhưng liệu ông đã luôn đặt niềm tin đúng chỗ?

Bài viết phân tích bốn vị tướng được Gia Cát Lượng đặc biệt coi trọng, đồng thời chỉ ra sai lầm đáng tiếc trong lựa chọn cuối cùng của ông.

Năm 207, sau khi Lưu Bị ba lần đến lều tranh mời Gia Cát Lượng xuống núi, sự nghiệp của ông đã có những bước chuyển biến lớn. Có thể nói, nhờ sự giúp đỡ của Gia Cát Lượng, Lưu Bị mới "như cá gặp nước", phất lên như diều gặp gió. Gia Cát Lượng giúp Lưu Bị liên kết với Đông Ngô, đánh bại hàng triệu quân của Tào Tháo ở Xích Bích. Sau đó, ông tiếp tục chiếm lấy bốn quận phía Nam Kinh Châu, chiêu binh mãi mã, không ngừng mở rộng thế lực.

4 vị tướng được Gia Cát Lượng ca ngợi hết lời: Hậu thế lại khẳng định ông nhận định sai người cuối
Gia Cát Lượng giúp Lưu Bị liên kết với Đông Ngô, đánh bại hàng triệu quân của Tào Tháo ở Xích Bích. (Ảnh: Sohu)

Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân… cũng từ đó bắt đầu con đường trở thành danh tướng, tích lũy kinh nghiệm và vang danh thiên hạ. Trong quá trình chinh chiến thiên hạ cho Lưu Bị, tuy rất coi trọng Quan Vũ và Trương Phi, nhưng là một danh thần đức cao vọng trọng, Gia Cát Lượng lại không hài lòng với tính tự cao tự đại của Quan Vũ và việc Trương Phi tuy coi trọng bậc sĩ phu nhưng lại tàn bạo với binh lính. Vì vậy, khi có việc, Gia Cát Lượng thường không mang theo hai người.

Vậy những vị tướng nào được Gia Cát Lượng trân trọng nhất? Chính là bốn vị tướng của nhà Thục Hán sau đây.

4 vị tướng được Gia Cát Lượng khen ngợi

Triệu Vân

Thứ nhất, Triệu Vân. Nếu phải nói ai là vị tướng hoàn hảo trong lòng Gia Cát Lượng, đó chắc chắn là Thường Sơn Triệu Tử Long. Triệu Vân là người thận trọng và điềm tĩnh. Sau khi đi theo Lưu Bị, ông đã tham gia trận Bác Vọng Pha, trận Trường Bản Pha, trận bình định Giang Nam, tự mình chỉ huy trận chiến vào Xuyên, trận Hán Thủy, trận Ký Cốc, và đều giành được chiến thắng vang dội.

Trong tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa, Triệu Vân nhiều lần bảo vệ Lưu Bị, Gia Cát Lượng cùng những người khác. Trong trận chiến ở Nhưỡng Sơn , ông đã đánh bại Trương Cáp, Cao Lãm và cứu viện Lưu Bị. Sau khi Chu Du qua đời, chính Triệu Vân đã cùng Gia Cát Lượng đến Ngô phúng viếng. Cuối thời Tam Quốc, khi Gia Cát Lượng Bắc phạt thất bại, cũng chính Triệu Vân đã một mình chặn hậu, đánh lui quân Ngụy, giúp đại quân rút lui an toàn về Hán Trung.

4 vị tướng được Gia Cát Lượng ca ngợi hết lời: Hậu thế lại khẳng định ông nhận định sai người cuối - 1
Nếu phải nói ai là vị tướng hoàn hảo trong lòng Gia Cát Lượng, đó chắc chắn là Triệu Vân. (Ảnh: Sohu)

Triệu Vân không chỉ dũng mãnh hơn người mà còn xử lý mọi việc sáng suốt. Sau khi Lưu Bị đánh Tây Xuyên, định thưởng của cải cho các tướng, Triệu Vân đã can ngăn: "Bách tính đất Ích Châu vừa trải qua binh đao, nay nên trả lại ruộng vườn nhà cửa cho họ, trước tiên hãy để họ an cư lạc nghiệp, sau đó có thể bắt họ đi lính, nộp thuế, như vậy cũng có thể lấy được lòng dân Ích Châu."

Một lần khác, khi Lưu Bị chuẩn bị đánh Ngô để báo thù cho Quan Vũ, Triệu Vân cũng là người đầu tiên phản đối: "Quốc tặc chính là Tào Tháo, thù của huynh đệ chỉ là chuyện riêng tư, hơn nữa, một khi chiến tranh với Đông Ngô bắt đầu sẽ khó mà dừng lại được, đánh Ngô không phải là thượng sách." Một vị tướng dũng mãnh và mưu lược như vậy, được Gia Cát Lượng coi trọng cũng là điều dễ hiểu. Việc Triệu Vân đứng đầu danh sách này là hoàn toàn xứng đáng.

Khương Duy

Thứ hai, Khương Duy. Khương Duy vốn là tướng của nước Ngụy. Trong lần Bắc phạt đầu tiên của Gia Cát Lượng, Khương Duy đã nhìn thấu kế hoạch của ông, giết chết gián điệp và ngăn cản Thái thú Mã Tuân xuất binh. Sau đó, ông lập mưu đánh bại lão tướng Triệu Vân, lại còn tập kích doanh trại Thục vào ban đêm, quả là dũng khí của một đại tướng. Ngay lúc đó, Gia Cát Lượng đã rất khen ngợi Khương Duy và lập kế bắt sống ông.

4 vị tướng được Gia Cát Lượng ca ngợi hết lời: Hậu thế lại khẳng định ông nhận định sai người cuối - 2
Sau khi Khương Duy đầu quân cho Thục Hán, Gia Cát Lượng càng thêm coi trọng. (Ảnh: Sohu)

Sau khi Khương Duy đầu quân cho Thục Hán, Gia Cát Lượng càng thêm coi trọng, nhiều lần bàn luận chiến thuật với ông. Khương Duy cũng không phụ lòng mong đợi, nhiều lần đánh bại quân Ngụy, trở thành đại tướng của Thục Hán.

Sau khi Gia Cát Lượng qua đời, ông đã dẫn quân chặn hậu, đánh bại sự truy kích của Tư Mã Ý. Là học trò của Gia Cát Lượng, Khương Duy am hiểu mưu lược, nên rất được ông yêu mến.

Hướng Sủng

4 vị tướng được Gia Cát Lượng ca ngợi hết lời: Hậu thế lại khẳng định ông nhận định sai người cuối - 3
Gia Cát Lượng rất coi trọng Hướng Sủng, giao cho ông ta quản lý cấm quân, bảo vệ Hậu chủ. (Ảnh: Sohu)

Thứ ba, Hướng Sủng, một đại tướng của Thục Hán. Trong cuộc Bắc phạt của Gia Cát Lượng, ông đã dâng biểu lên Hậu Chủ Lưu Thiện: "Tướng quân Hướng Sủng, tính tình ôn hòa, thông thạo quân sự, đã từng được thử dùng trước đây, Tiên đế khen là người có năng lực, vì vậy mọi người đều đề cử Sủng làm Đốc quân. Thần cho rằng mọi việc trong quân doanh đều nên tham khảo ý kiến của ông ta, chắc chắn sẽ làm cho hàng ngũ hòa thuận, người tài đức được trọng dụng." Có thể thấy, Gia Cát Lượng rất coi trọng Hướng Sủng, giao cho ông ta quản lý cấm quân, bảo vệ Hậu chủ.

Mã Tắc

Thứ tư, Mã Tắc, em trai của danh sĩ Kinh Châu Mã Lương. Sau khi Lưu Bị qua đời, Mã Tắc nhiều lần theo Gia Cát Lượng xuất chinh, được Gia Cát Lượng xem là nhân tài đương thời. Khi Gia Cát Lượng đánh Nam Man, bình định Mạnh Hoạch, Mã Tắc đã hiến kế: "Đánh bằng quân sự là hạ sách, đánh vào lòng người là thượng sách." Điều này trùng hợp với ý của Gia Cát Lượng.

4 vị tướng được Gia Cát Lượng ca ngợi hết lời: Hậu thế lại khẳng định ông nhận định sai người cuối - 4
Mã Tắc nhiều lần theo Gia Cát Lượng xuất chinh, được ông xem là nhân tài đương thời. (Ảnh: Sohu)

Khi Gia Cát Lượng chuẩn bị Bắc phạt, Mã Tắc lại hiến kế dùng kế ly gián, chia rẽ Ngụy chủ Tào Duệ và Tư Mã Ý, khiến Tư Mã Ý bị giáng xuống làm thường dân, suýt mất mạng.

Trước khi qua đời, Lưu Bị đã từng nói với Gia Cát Lượng rằng Mã Tắc chỉ giỏi nói suông, không nên trọng dụng. Đáng tiếc là Gia Cát Lượng đã không để ý đến lời dặn này, giao cho Mã Tắc trấn giữ Nhai Đình thay vì dùng Ngụy Diên. Kết quả là Mã Tắc làm ngược lại với phương án chỉ huy của Gia Cát Lượng, khiến quân Thục lâm vào tình thế ngàn cân treo sợi tóc, cuộc Bắc phạt lần thứ nhất thất bại.

 

Theo Nguyệt Phạm (Phụ Nữ Số)

Nổi bật