CNN mới đây đã có cuộc phỏng vấn với đơn vị quân đội Niger đến hiện trường đầu tiên, để tìm hiểu xem chuyện gì xảy ra với nhóm binh sĩ Mỹ bị IS phục kích.
Nguồn tin cho biết, nhóm binh sĩ Mỹ và Niger khoảng 30 người chỉ được trang bị vũ khí hạng nhẹ, không có áo giáp hay máy bay yểm trợ từ trên không.
Nhóm binh sĩ này phải đối đầu với 50 tay súng khủng bố IS, trang bị rocket, súng phóng lựu, súng cối, súng máy hạng nặng, xả đạn từ mọi hướng.
Giao tranh kéo dài nhiều giờ kết thúc bằng việc nhóm binh sĩ Mỹ-Niger tiêu diệt 20 tay súng khủng bố. Tổn thất được ghi nhận là 4 binh sĩ Mỹ tử trận, 2 người khác bị thương và 5 binh sĩ Niger thiệt mạng.
Quân tiếp viện Niger có mặt tại hiện trường kể lại rằng, những người sống sót tập trung tại địa điểm phòng thủ, cố gắng bảo vệ lẫn nhau. Bụi cây gần đó bị các tay súng khủng bố thiêu rụi, tạo ra cột khói lớn ngăn máy bay đến tiếp cứu.
“Tôi cảm phục sự dũng cảm của họ, họ đã chiến đấu đến giây phút cuối cùng”, một người lính Niger giấu tên nói.
Một Binh sĩ Niger sống sót kể lại, đoàn xe đang trên đường di chuyển thì bị phục kích. Các binh sĩ Mỹ và Niger bị chia cắt, không thể hỗ trợ nhau.
Đó có thể là lý do xác một lính Mỹ, trung sĩ La David Johnson được tìm thấy cách xa hiện trường tới gần 2km.
Một binh sĩ Niger khác cho rằng, lính Mỹ không hề sẵn sàng cho giao tranh trong khu vực.
“12 binh sĩ Mỹ chỉ được trang bị một khẩu súng máy hạng nặng, không có áo chống đạn và họ di chuyển bằng xe bán tải 4x4 chứ không phải xe bọc thép chuyên dụng”, người lính này nói.
“Tôi cảm thấy bất ngờ là người Mỹ bước vào khu vực chiến sự với lực lượng mỏng và không có yểm trợ đường không như vậy, không có máy bay quan sát hành trình”.
Lầu Năm Góc không xác nhận liệu nhóm binh sĩ Mỹ bị phục kích có mang theo áo chống đạn hay không.
Quốc gia Niger ở châu Phi không phải là nơi quân đội Mỹ thông báo trình trạng cảnh giác cao độ, vậy nên việc sử dụng xe bán tải hay chỉ mặc áo phông là chuyện “bình thường”, một quan chức Mỹ giấu tên nói với CNN.
Trung tướng Kenneth Mckenzie, trưởng ban Tham mưu Liên quân Mỹ nói, các binh sĩ Mỹ đã tuần tra quanh khu vực trong 6 tháng mà không gặp phải bất cứ sự kháng cự nào. “Không thể đổ lỗi cho các chỉ huy vì phản ứng chậm trong sự cố vừa qua”.
Theo Đăng Nguyễn (Dân Việt)