4 khí tài chủ lực giúp Mỹ đối phó hiểm họa từ thủy lôi

06/06/2018 15:11:05

Hải quân Mỹ sở hữu nhiều khí tài để phát hiện và vô hiệu hóa thủy lôi, một trong những vũ khí nguy hiểm nhất với các tàu chiến.

Thủy lôi là một trong những hiểm họa nghiêm trọng với hoạt động của hải quân Mỹ, khi từng làm hư hại 7 tàu chiến hiện đại kể từ năm 1988. Lầu Năm Góc phải biên chế nhiều loại khí tài khác nhau để đối phó với mối đe dọa này, theo WATM.

Tàu quét mìn lớp Avenger

Từ năm 1987 đến nay, hải quân Mỹ đóng 14 tàu quét mìn lớp Avenger, nhưng ba chiếc trong số đó đã bị loại biên hoặc mắc cạn.

Vỏ tàu Averger được làm bằng gỗ phủ sợi thủy tinh bên ngoài, giúp giảm khối lượng, tăng độ bền và bảo đảm không có từ tính để dẫn tới kích hoạt thủy lôi. Mỗi chiếc được trang bị hệ thống rà phá điều khiển từ xa AN/SLQ-48, cho phép vô hiệu hóa thủy lôi từ khoảng cách an toàn.

4 khí tài chủ lực giúp Mỹ đối phó hiểm họa từ thủy lôi
USS Ardent, một trong những tàu lớp Avenger, diễn tập gần Trung Đông năm 2005. Ảnh: US Navy.

AN/SLQ-48 có nhiệm vụ xác định và phân loại thủy lôi bằng cách sử dụng tổ hợp định vị thủy âm (sonar) cao tần với độ phân giải cao. Hệ thống này được nối với tàu lớp Avenger bằng sợi cáp dài hơn một km. Sau khi xác định được mối nguy hiểm, tàu quét mìn sẽ triển khai phương tiện lặn EX116 được lắp thiết bị cắt cáp và thuốc nổ để vô hiệu hóa quả thủy lôi.

Trực thăng MH-53E Sea Dragon

Hải quân Mỹ biên chế khoảng 30 trực thăng hạng nặng MH-53E từ thập niên 1980. Đây được coi là phiên bản tăng tầm và tải trọng của mẫu CH-53E Super Stallion.

4 khí tài chủ lực giúp Mỹ đối phó hiểm họa từ thủy lôi - 1
Trực thăng MH-53E thử nghiệm rà phá thủy lôi năm 2013. Ảnh: US Navy.

MH-53E là trực thăng lớn nhất của phương Tây với tầm hoạt động tối đa hơn 1.400 km và tốc độ gần 280 km/h. Nhiệm vụ chính của nó là rà phá thủy lôi cũng như vận tải phục vụ tàu chiến và tiếp dầu trên không.

Để thực hiện nhiệm vụ rà phá thủy lôi, MH-53E được trang bị hệ thống quét mìn Mk 105, sonar bên sườn ASQ-14 và thiết bị quét mìn cơ khí Mk 103. Nó có thể cất cánh từ tàu sân bay hoặc tàu đổ bộ của hải quân Mỹ.

Trực thăng MH-60

Với số lượng 256 chiếc trong biên chế, trực thăng đa nhiệm MH-60 Sea Hawk có thể phải đảm nhận vai trò quét mìn sau khi trực thăng MH-53E bị hải quân Mỹ loại biên năm 2025. Những chiếc MH-60 có thể vận hành tốt trên tàu sân bay, tàu đổ bộ hoặc tàu chiến thông thường.

4 khí tài chủ lực giúp Mỹ đối phó hiểm họa từ thủy lôi - 2
Một chiếc MH-60 với trang bị quét thủy lôi bay thử nghiệm năm 2017. Ảnh: US Navy.

Mẫu trực thăng này có tốc độ tối đa 333 km/h và tầm hoạt động gần 400 km. Khi làm nhiệm vụ rà phá thủy lôi, MH-60 được trang bị 5 hệ thống gồm sonar bên sườn, thiết bị quét mìn bằng âm thanh và từ tính, ngư lôi điều khiển từ xa, cảm biến laser dò thủy lôi và pháo Bushmaster II cỡ nòng 30 mm để kích nổ thủy lôi.

Tàu chiến đấu ven biển

Hải quân Mỹ đã đưa vào biên chế 12 tàu chiến đấu ven biển (LCS) nhằm thay thế khinh hạm lớp Oliver Hazard Perry cũng như tàu quét mìn lớp Avenger.

Năng lực rà phá thủy lôi của các tàu LCS chủ yếu dựa vào trực thăng MH-60 đi kèm, cũng như cấu hình vũ khí chống ngầm tùy thuộc nhiệm vụ. Tuy nhiên, chương trình LCS vẫn gây ra nhiều tranh cãi khi liên tục hỏng hóc và có chi phí quá cao. Hải quân Mỹ phải cắt giảm việc đóng mới tàu LCS để ưu tiên chế tạo các khinh hạm mang tên lửa dẫn đường mới, hạn chế khả năng chống ngầm và diệt thủy lôi của lực lượng này.

Theo Duy Sơn (VnExpress.net)

Nổi bật