Trong dịp lễ Quốc khánh Trung Quốc (1/10) vừa qua, toàn bộ người lao động, học sinh - sinh viên ở đất nước này đã được trải qua một kỳ nghỉ lễ kéo dài đến tận 7 ngày từ 1/10 - 7/10. Vào cuối kỳ nghỉ, một nam sinh ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, ra ga tàu để quay trở lại trường học thì bắt gặp một khung cảnh khiến nam sinh vô cùng kinh ngạc, đó là toa tàu hỏa mà cậu đi có đến 2 tầng.
Không phải chỉ là khoang giường nằm với những chiếc giường 2-3 tầng như thường lệ, toa tàu này có cấu trúc phân ra 2 tầng riêng biệt, có cầu thang dẫn lên tầng 2 và 2 khung cửa sổ riêng. Nam sinh 20 tuổi này cho biết, từ khi sinh ra đến nay, đây là lần đầu tiên anh nhìn thấy một toa tàu có kết cấu 2 tầng như vậy. Vì thấy quá lạ lẫm và thú vị, nam sinh quyết định quay lại và chia sẻ lên mạng xã hội.
Sau khi đăng tải vào ngày 7/10, video của chàng trai trẻ ngay lập tức thu hút được sự quan tâm của cộng đồng mạng. Đông đảo mọi người cũng ngạc nhiên như nam sinh và nói rằng nhờ video của anh, họ mới biết được hóa ra còn có cả tàu hỏa 2 tầng. Bên cạnh đó, một số bình luận bày tỏ thế hệ 7X - 8X của họ ngày xưa đã từng di chuyển bằng những chuyến tàu hỏa 2 tầng thế này, nhưng đã lâu không còn thấy nữa.
Ở Trung Quốc, những chuyến tàu hỏa 2 tầng thịnh hành vào những năm 1980 đến những năm 2000. Đó là lý do hầu hết những người từng là sinh viên đi học xa nhà trên chuyến tàu này đều thuộc thế hệ 7X - 8X. Với số lượng dân cư đông đúc, tàu hỏa 2 tầng giúp đáp ứng việc vận chuyển nhiều hành khách hơn, đặc biệt là vào dịp cao điểm. Tuy nhiên, khi tàu cao tốc EMU bắt đầu được đưa vào hoạt động mạnh mẽ ở Trung Quốc, mỗi ngày có nhiều chuyến hơn, thời gian di chuyển nhanh hơn khiến tàu hỏa 2 tầng hiếm khi được sử dụng để vận chuyển khách.
Chuyến tàu mà nam sinh đã lên mang số hiệu S25K, chặng từ Tây An đến Trùng Khánh, do Cục đường sắt Thiểm Tây vận hành. Nhân viên trên tàu cho biết, thông thường chuyến tàu này chỉ được đưa vào vận hành khi gặp tình trạng quá tải hành khách trong dịp Tết Nguyên Đán, năm nay là lần đầu tiên đưa vào sử dụng trong dịp lễ Quốc khánh Trung Quốc.
Bên trong tàu đầy đủ tiện nghi, được bày trí sạch sẽ và có cả khu ăn uống rộng rãi. Cũng như các chuyến tàu khác, vé tàu 2 tầng chỉ phân biệt ghế ngồi hay ghế nằm, cứng hay mềm, chứ không phân biệt tầng trên hay tầng dưới.
Ngoài chặng Tây An (điểm đầu xuất phát ở Bảo Kê, tỉnh Thiểm Tây) đến Trùng Khánh, do Cục đường sắt Thiểm Tây vận hành như trên, ở Trung Quốc còn có 1 số chặng khác thỉnh thoảng hoạt động do: Cục Đường sắt Thượng Hải, Cục Đường sắt Côn Minh và Cục Đường sắt Urumqi (Tân Cương) khai thác.
Chuyến tàu 2 tầng đầu tiên bắt đầu đi vào hoạt động tại Trung Quốc từ năm 1969. Theo một chuyên gia từng tham gia phát triển tàu hỏa 2 tầng, toa tàu này có hạn chế là không gian tương đối nhỏ. Chiều cao bên trong của toa tàu thông thường là hơn 2 mét, nhưng chiều cao của mỗi khoang trên toa tàu 2 tầng chỉ dưới 2 mét, gây cảm giác chật chội và không thoải mái cho hành khách. Khi cuộc sống của người dân được cải thiện và yêu cầu về tiện nghi ngày càng cao, tàu hai tầng dần bị loại bỏ. Chỉ có những dịp du lịch cao điểm như các ngày lễ tết, đoàn tàu 2 tầng mới quay trở lại trong một thời gian ngắn để tiếp tục hoàn thành sứ mệnh của mình.
Theo Nguyên An (Nguoiduatin.vn)