3 tỷ phú vừa dự lễ nhậm chức của ông Trump 'bốc hơi' hơn 75 tỷ USD

07/04/2025 08:47:46

Sau những ngày thị trường chao đảo vì đòn thuế quan mới của ông Trump, 3 tỷ phú giàu nhất thế giới gồm Elon Musk, Jeff Bezos và Mark Zuckerberg mất hơn 75 tỷ USD. Cuộc chiến thuế quan đang khiến tương lai kinh tế toàn cầu bất định hơn bao giờ hết.

Các ông lớn công nghệ “chảy máu dòng tiền”

Cú sốc thị trường khởi nguồn từ thông báo hôm thứ Tư của ông Trump: Mỹ áp mức thuế cơ bản 10% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ mọi quốc gia, có hiệu lực ngày 5/4. Đồng thời, loạt mức thuế “cá nhân hóa” khắt khe hơn lên tới 50% được áp dụng đối với những quốc gia cụ thể, bao gồm Trung Quốc (trong đó có Đài Loan) và Ấn Độ...

Thông báo gây chấn động của cựu Tổng thống Donald Trump về chính sách thuế quan “có đi có lại” lập tức tạo ra hiệu ứng domino trên thị trường tài chính toàn cầu, dẫn đến sự sụp đổ nghiêm trọng trên Phố Wall.

Hệ quả là ngay trong hai ngày giao dịch kế tiếp, chỉ số chứng khoán chính của Mỹ như Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq Composite lao dốc hơn 5%.

Ba trong số những người giàu nhất hành tinh là Elon Musk, Jeff Bezos và Mark Zuckerberg chứng kiến tổng cộng hơn 75 tỷ USD giá trị tài sản ròng bốc hơi.

3 tỷ phú vừa dự lễ nhậm chức của ông Trump 'bốc hơi' hơn 75 tỷ USD
Tỷ phú Mark Zuckerberg, Lauren Sanchez, tỷ phú Jeff Bezos, Sundar Pichai và tỷ phú Elon Musk (từ trái sang) tại lễ nhậm chức của ông Trump hồi tháng 1 năm nay.

Theo chỉ số tỷ phú Bloomberg, sự suy giảm thị trường khiến Elon Musk mất 30,9 tỷ USD, Jeff Bezos mất 23,49 tỷ USD và Mark Zuckerberg mất 27,34 tỷ USD - mức thiệt hại tài sản lớn chưa từng có trong lịch sử giao dịch 2 ngày của chỉ số này.

Điểm chung giữa 3 tỷ phú này là phần lớn giá trị tài sản ròng gắn với cổ phiếu các tập đoàn công nghệ do họ sáng lập hoặc điều hành là Tesla (Elon Musk), Amazon (Jeff Bezos) và Meta (Mark Zuckerberg). Đây cũng là những công ty chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là sản xuất linh kiện điện tử, chip máy tính và dịch vụ công nghệ từ các quốc gia châu Á.

Trong chính sách thuế quan mới, ông Trump tuyên bố sẽ áp mức thuế 32% với Đài Loan (Trung Quốc), 26% với Ấn Độ và nâng mức thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc lên đến 54%. Đây là đòn giáng mạnh vào công ty công nghệ vốn phụ thuộc sâu sắc vào nguồn cung linh kiện từ những quốc gia này.

Chuyên gia cảnh báo sự suy giảm trong tăng trưởng kinh tế Mỹ làm tổn hại doanh thu quảng cáo của Amazon và Meta - vốn là trụ cột trong mô hình kinh doanh của hai "ông lớn" công nghệ.

Elon Musk vẫn giữ kỷ lục người giàu nhất thế giới với tài sản ròng ước tính 302 tỷ USD, dù ông đã mất 130 tỷ USD kể từ đầu năm. Jeff Bezos đứng thứ hai với 193 tỷ USD, Mark Zuckerberg sở hữu tài sản ròng 179 tỷ USD.

Dù thị trường "đỏ lửa" nhưng vẫn có những ngoại lệ hiếm hoi. Dan Gilbert - nhà đồng sáng lập Rocket Mortgage, chủ sở hữu CLB bóng rổ Cleveland Cavaliers - lại kiếm được 1,91 tỷ USD trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, nâng tổng tài sản ròng lên 32,4 tỷ USD.

Tỷ phú Mexico Carlos Slim cũng ghi nhận mức tăng 2,9 tỷ USD vào thứ Năm, trước khi mất lại 5,48 tỷ USD vào ngày kế tiếp. Tỷ phú 85 tuổi nói với Bloomberg: "Chính sách thuế quan của ông Trump “chỉ là tạm thời và chủ yếu được sử dụng như một chiến thuật đàm phán. Mỹ không có lựa chọn nào khác ngoài việc thay đổi cách thức thực hiện mọi việc”.

Động thái gây chú ý của Elon Musk

Trong vai trò là cố vấn cấp cao và trên thực tế là người đứng đầu Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE) của chính quyền ông Trump, Elon Musk đang ở tâm điểm của mọi tranh cãi.

Khi thị trường sụp đổ và Musk bị thiệt hại tài sản, ông chủ Tesla nhanh chóng có phản ứng chính trị. Ông công khai chỉ trích Peter Navarro - cố vấn thương mại hàng đầu của ông Trump - người đã lên tiếng bảo vệ các chính sách thuế quan gây tranh cãi. “Bằng tiến sĩ kinh tế của Harvard là điều tệ hại. Navarro gây ra chuyện vớ vẩn”, Elon Musk mỉa mai Navarro.

Trước đó, Navarro tuyên bố trên CNN: "Thị trường sẽ chạm đáy. Sẽ sớm thôi, chúng ta có một đợt bùng nổ tăng giá, Dow Jones sẽ đạt 50.000 trong nhiệm kỳ của ông Trump".

DOGE - tổ chức do Musk lãnh đạo - đang thúc đẩy kế hoạch cắt giảm chi tiêu liên bang và thực hiện sa thải hàng loạt nhân sự hành chính. Giữa làn sóng tranh luận, NBC News đưa tin Elon Musk có thể sẽ rút khỏi chính quyền trong những tháng tới.

Dù đang đối đầu trực diện với chính sách thương mại của ông Trump, Elon Musk vẫn tiếp tục đẩy mạnh thông điệp về tự do thương mại toàn cầu. Trong sự kiện trực tuyến hôm thứ Bảy có sự tham gia của Phó Thủ tướng Italy Matteo Salvini, Musk bày tỏ mong muốn thiết lập “khu vực thương mại tự do” giữa Mỹ và châu Âu.

“Theo quan điểm của tôi, châu Âu và Mỹ đều nên chuyển sang trạng thái không thuế quan. Đó là điều tôi hy vọng sẽ xảy ra”, Musk nói.

Phó Thủ tướng Italy sau đó cảm ơn Musk vì "sự hiện diện và cam kết" của tỷ phú Tesla.

Điều hỗn loạn gì sẽ xảy ra?

Trong khi chính quyền Tổng thống Trump khẳng định công thức thuế quan mới là công cụ “hợp lý và công bằng” thì nhiều nhà kinh tế học phản đối và lên tiếng chỉ trích.

Theo Văn phòng đại diện thương mại Mỹ, công thức áp thuế “có đi có lại” được xây dựng dựa trên các giá trị như "thâm hụt thương mại của quốc gia", "tổng kim ngạch xuất khẩu"... chưa hợp lý, thậm chí vô lý.

Chuyên gia kinh tế Kevin Corinth và Stan Veuger tại Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI) cho rằng công thức này đánh giá sai "độ co giãn" của giá nhập khẩu. Nếu điều chỉnh theo hướng "giả định co giãn" của chính phủ Mỹ, mức thuế tối đa với bất kỳ quốc gia nào sẽ không vượt quá 14%, phần lớn sẽ dừng ở mức cơ bản 10%.

3 tỷ phú vừa dự lễ nhậm chức của ông Trump 'bốc hơi' hơn 75 tỷ USD - 1
Nhiều chuyên gia kinh tế phản đối chính sách thuế của ông Trump.

Ví dụ điển hình là Lesotho - quốc gia đang chịu mức thuế cao nhất với 50%. Nếu áp dụng đúng công thức có điều chỉnh, mức thuế thực tế nên là 13,2%, theo CNBC.

Dù ông Trump kỳ vọng rằng chính sách thuế sẽ hồi sinh ngành sản xuất trong nước, nhưng các chuyên gia nhận định điều đó khó có thể xảy ra trong ngắn hạn.

Ông Chris Snyder - nhà phân tích của Morgan Stanley - đánh giá thuế quan “có thể là chất xúc tác tích cực cho việc hồi hương”, nhưng ông không kỳ vọng khả năng làn sóng đầu tư quy mô lớn quay trở lại Mỹ ngay lập tức.

“Hiện tại, tôi chỉ thấy các khoản đầu tư nhỏ, quay vòng nhanh, có thể thúc đẩy sản lượng tăng khoảng 2%”, ông Chris Snyder nói.

Ông Manish Kabra - Giám đốc chiến lược vốn chủ sở hữu Mỹ tại Societe Generale - nhấn mạnh sự suy giảm niềm tin tiêu dùng khiến doanh nghiệp phải cân nhắc kỹ trước khi đưa ra quyết định hồi hương sản xuất. “Bên cạnh chính sách thuế, một hệ thống đào tạo lực lượng lao động toàn diện và hiện đại mới là điều kiện then chốt để tái thiết công nghiệp Mỹ”, ông lưu ý.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vốn mong manh sau những cú sốc liên tiếp, chính sách thuế quan mới của ông Donald Trump được cho là gây chia rẽ. Một mặt, chính sách thuế được xem là nỗ lực bảo vệ sản xuất nội địa và tái định hình thương mại quốc tế. Mặt khác, phản ứng dữ dội từ thị trường, thiệt hại khổng lồ của các ông lớn công nghệ kèm theo cảnh báo từ giới chuyên gia cho thấy nhiều bất ổn đang diễn ra.

Theo Trạch Dương (Tiền Phong)