Trong lịch sử cổ đại Trung Quốc, có một nhóm người đặc biệt. Vốn dĩ họ là nam giới nhưng lại bị buộc phải tước bỏ những đặc tính thể chất quan trọng nhất của nam giới, để trở thành những hoạn quan, phục vụ hoàng tộc với vai trò thái giám.
Các hoạn quan đóng một vai trò đặc biệt trong cung điện. Mặc dù có một số người chịu sự quản lý chặt chẽ của triều đại phong kiến, nhưng một số không "an phận", nhập cung giả làm thái giám rồi lộng hành và làm những việc ô danh muôn đời.
Những thái giám giả mạo lộng quyền này là ai?
Cao Bồ Tát: Tư thông với hoàng hậu
Vào thời Bắc Ngụy (386-535) ở Trung Quốc, mối tình bất chính giữa thái giám Cao Bồ Tát và Hoàng hậu Phùng Nhuận khiến sử sách nhắc đến mãi.
Mối quan hệ phức tạp này không chỉ liên quan đến tham vọng quyền lực đế quốc của thái giám mà còn bộc lộ bóng tối của triều đình phong kiến.
Cao Bồ Tát tuy là thái giám nhưng hắn có vẻ ngoài khôi ngô, trẻ trung. Điều quan trọng hơn, nhờ sự ma mãnh của mình, tuy nhập cung làm thái giám nhưng hắn thực chất vẫn là "đàn ông".
Còn Phùng Nhuận là hoàng hậu Bắc Ngụy. Người này may mắn sở hữu vẻ đẹp "nghiêng nước nghiêng thành". Tuy nhiên, nàng ta rất độc đoán và lẳng lơ.
Hiếu Văn Đế là hoàng đế thứ 7 của triều đại Bắc Ngụy trong lịch sử Trung Quốc. Ông là người có nhiều tham vọng quyền lực. Dù rất quyến luyến bên hoàng hậu xinh đẹp, Hiếu Văn Đế vẫn đích thân dẫn quân lên đường chinh phạt, mở rộng bờ cõi.
Đó cũng là lúc, mối tư tình bất chính kia nảy nở.
Cả triều đình ai nấy cũng biết chuyện nhưng không dám hé nửa lời với nhà vua vốn đang bận chinh chiến. Một phần cũng vì thế lực của Phùng Nhuận Hoàng hậu quá lớn.
Cái kim lâu ngày trong bọc cũng lòi ra. Mối tình bất chính của tên thái giám và Hoàng hậu cũng đến tai nhà vua.
Sau khi tra khảo Cao Bồ Tát và biết được sự thật, Hiếu Văn Đế rất đau đớn trước sự phản bội của hoàng hậu. Nỗi đau vì bị phản bội đã khiến vị hoàng đế kiêu hãnh trên chiến trường nhanh chóng suy sụp.
Ông đổ bệnh và băng hà không lâu sau đó.
Về phần Phùng Nhuận. Nàng ta khóc lóc van xin hoàng đế tha thứ nên chỉ bị tống vào lãnh cung. Về sau, nhận lệnh uống thuốc độc của hoàng đế, chịu một cái chết đau đớn.
Còn tên "giả thái giám" Cao Bồ Tát cũng sớm nhận kết cục cuối cùng. Cái chết ở tuổi 30 của là kết cục hắn phải nhận cho những việc làm của mình.
Trần Đức Nhuận: Cả gan đụng đến hoàng hậu đoan trang
Nhà Minh được xem là "thiên đường của các hoạn quan" khi thái giám có thể công khai có các mối quan hệ với cung nữ. Thậm chí, thái giám có công lớn sẽ được hoàng đế khen thưởng và ban vợ. Đó cũng là lúc những ham muốn dần tăng lên.
Họ không hài lòng với việc chung sống với các cung nữ địa vị thấp, mà bắt đầu nhăm nhe đến người của hoàng đế. Người táo bạo nhất trong số đó là Trần Đức Nhuận.
Y là đệ tử của đại hoạn quan Ngụy Trung Hiền - hoạn quan khét tiếng độc ác nhất trong lịch sử Trung Quốc, nắm giữ quyền lực sánh ngang hoàng đế thời cuối nhà Minh là Thiên Khải Đế Minh Hy Tông.
Có được sự hậu thuẫn của Ngụy Trung Hiền, Trần Đức Nhuận nhập cung dưới cái mác "thái giám" và ngày càng "tự tung tự tác". Y ép nhiều cung nữ có quan hệ bất chính với mình, thậm chí còn mơ tưởng đến Ý An Hoàng hậu của vua Minh Hy Tông.
Năm 1627, vua Minh Hy Tông lâm bệnh nặng. Sớm biết không thể qua khỏi, nhà vua truyền mệnh cho em trai là Minh Tư Tông kế vị.
Chứng kiến cảnh Hoàng hậu Ý An xinh đẹp hơn người sớm lâm vào cảnh góa bụa, y sớm nảy sinh dã tâm. Hắn dùng tiền bạc để mua chuộc những cung nữ xung quanh hoàng hậu và yêu cầu họ nói những lời tốt đẹp về y trước mặt hoàng hậu.
Hoàng hậu có địa vị cao quý, vốn được ví như bậc "Mẫu nghi thiên hạ" như vậy, nghe xong những lời ong bướm về tên thái giám, trong lòng tức giận, lập tức đuổi cung nữ ra khỏi cung.
Bị dồn nén, tên thái giám lẻn vào cung tẩm của hoàng hậu thực hiện ý đồ bất chính. Với bản lĩnh của một hoàng hậu thủy chung, căm ghét Ngụy Trung Hiền và bè phái, Hoàng hậu Ý An dũng cảm đối mặt với gian thần. Bà nhanh chóng gọi người khống chế, cấp báo lên hoàng đế.
Kết cục, y bị trừng phạt thích đáng.
Lưu Khắc Minh: Sưu tầm cung nữ, ám sát hoàng đế
Vào thời trị vì của Hoàng đế Đường Cảnh Tông, có một đại thái giám tên là Lưu Quang được hoàng đế vô cùng sủng ái. Để mở rộng quyền lực của mình trong cung điện, ông ta đã dùng cách hối lộ và các thủ đoạn khác để sắp xếp cho con nuôi của mình là Lưu Khắc Minh vào cung điện làm thái giám.
Do Lưu Khắc Minh từ nhỏ đã lớn lên cùng với đại thái giám, tuy không bị "tịnh thân" nhưng tính cách và hành xử giống như một hoạn quan thực sự. Khi vào cung, Lưu Khắc Minh được bố trí hầu hạ bên cạnh Thái tử Lý Đam.
Nhờ sự thông minh, ranh mãnh của mình, tên thái giám giả nhanh chóng lấy được lòng của tiểu thái tử, sớm được tin tưởng và sủng ái.
Sau khi Đường Kính Tông Lý Đam lên ngôi hoàng đế năm 16 tuổi, Lưu Khắc Minh như cá gặp nước, địa vị thăng tiến không ngừng, trở thành tôi tớ thân cận của hoàng đế.
Chứng kiến cảnh hoàng đế ham chơi bên ngoài, bỏ bê hậu cung, tên thái giám lộng quyền, cho phép bản thân thay hoàng đế "chăm sóc" các mỹ nữ chốn hậu cung. Trong "bộ sưu tập" cung nữ, phi tần hàng chục người của y còn có Đổng Thục phi.
Lo sợ một ngày việc tư thông với hậu cung của hoàng đế bị phát hiện, tên thái giám Lưu Khắc Minh cả gan làm một việc "trời đất không thể dung thứ", đó là âm mưu ám sát hoàng đế.
Nhân lúc tối trời, khi hoàng đế đi thay y phục, Lưu Khắc Minh cùng hơn chục hoạn quan bất mãn với Đường Cảnh Tông đã giết hoàng đế trong lúc ông ta say rượu. Lúc này Đường Cảnh Tông mới 18 tuổi, lên ngôi được hai năm.
Cái chết của Đường Cảnh Tông Lý Đam khiến ông trở thành hoàng đế trị vị ngắn nhất triều đại nhà Đường.
Lúc này, mâu thuẫn nội bộ giữa các thái giám trong triều ngày càng gay gắt. Khi nhận thấy bản thân không còn chỗ dựa, Lưu Khắc Minh tìm cách tự sát bằng cách nhảy xuống giếng. Ô nhục thay, thi thể của hắn sau khi được vớt lên vẫn phải chịu đòn roi của quân triều đình vì tội ám sát hoàng đế bị bại lộ.
Theo Trang Ly (Nguoiduatin.vn)