Sự việc được đưa ra tòa án hồi đầu tháng 1/2018 để tiến hành trao đổi sau khi có kết quả xét nghiệm ADN chứng minh hai đứa trẻ đã bị trao nhầm cho hai gia đình, song hai em bé đang trong độ tuổi chập chững biết đi không muốn rời xa những người mà chúng lớn lên cùng.
Theo đài BBC, hai gia đình đã khẳng định trước một phiên xét xử ở bang Assam miền Đông Bắc Ấn Độ rằng họ sẽ nuôi dạy con của gia đình kia.
Việc trao nhầm trẻ sơ sinh được phát hiện khi Shahabuddin Ahmed nhận được kết quả xét nghiệm cho thấy không có mối quan hệ huyết thống giữa vợ anh, Salma Parbin, và con trai hợp pháp, Jonait.
Parbin cho biết cô nghi ngờ việc Jonait là con trai mình ngay khi lần đầu tiên nhìn vào em bé đỏ hỏn mới sinh ra 3 năm trước tại Bệnh viện Mangaldai.
"Khi tôi nhìn thấy khuôn mặt của con, tôi đã nghi ngờ. Tôi nhớ khuôn mặt của người phụ nữ kia trong phòng hộ sinh và thằng bé giống cô ấy. Tôi có thể nhìn được điều đó từ đôi mắt của thằng bé. Thằng bé có đôi mắt nhỏ, không ai trong gia đình tôi có đôi mắt như vậy”, Parbin chia sẻ.
Khi Ahmed thông báo với bệnh viện về những nghi ngờ của vợ mình, nhân viên y tế đã bác bỏ và đề nghị vợ ông tìm kiếm sự giúp đỡ về tâm lý.
Ahmed đã gửi một đơn kiến nghị thông tin yêu cầu bệnh viện cung cấp chi tiết về tất cả các em bé sinh khoảng 7 giờ sáng cùng ngày Jonait được sinh ra.
Sau khi nhận được chi tiết thông tin của 7 bà mẹ, nghi vấn tập trung về một bà mẹ người dân tộc, khi cô ấy và vợ ông sinh con trai chỉ cách nhau năm phút, cả hai đứa trẻ đều nặng 2,99 kg.
Sau khi viết một bức thư gửi tới gia đình người Hindu đó trong một ngôi làng cách 30 km, cặp vợ chồng Ahmed-Parbin và con trai Jonait đã đến gặp vợ chồng Anil và Shewali Boro ở cùng con trai Riyan Chandra.
Boro cho biết lần đầu tiên nhìn thấy Jonait, cô “cảm thấy rất buồn và bật khóc” sau khi nhận thấy sự giống nhau của đứa trẻ gia đình đến từ phương xa kia với chồng mình.
“Chúng tôi là người bộ tộc Bodo, chúng tôi không giống người Assam hay người Hồi giáo khác. Đôi mắt của chúng tôi hếch lên, má và bàn tay của chúng tôi dày hơn. Chúng ta khác biệt. Chúng tôi có đặc điểm của người Mông Cổ”, bà mẹ Boro đau lòng nói.
Trong khi đó, bà mẹ Parbin cũng nhận ra con mình ngay lập tức và muốn đổi lại đứa trẻ.
Tuy nhiên, sau khi có kết quả xét nghiệm, bệnh viện cũng đã nhận trách nhiệm về sai lầm, thì khi hai gia đình lên tòa để đổi con, họ lại quyết định tiếp tục nuôi dưỡng con của gia đình kia như từ trước đến nay vẫn làm.
"Thẩm phán nói với chúng tôi rằng nếu chúng tôi muốn trao đổi những đứa trẻ, chúng tôi có thể làm điều đó, nhưng chúng tôi đã nói chúng tôi sẽ không làm.
Bởi vì chúng tôi đã nuôi các con trong ba năm qua, chúng tôi không thể để các con đi. Hơn nữa, Jonait đang khóc. Thằng bé ngồi ở trong lòng anh rể của tôi, ôm chặt, vòng tay quanh cổ và không muốn rời đi”.
Bé Riyan bên gia đình Boro cũng bắt đầu khóc và không muốn rời mẹ.
Cả hai cặp vợ chồng đều cho rằng họ không tin rằng các cậu bé sẽ chịu được việc trao đổi ngay bây giờ. Họ nói khi các em lớn lên, họ sẽ để các em quyết định nơi mình muốn sống.
Cả hai gia đình có kế hoạch giữ liên lạc và trở thành bạn bè để đảm bảo họ có thể là một phần trong cuộc sống của người con cùng huyết thống.
Theo Hồng Hạnh (Báo Tin Tức)