Xin vào làm rồi đánh cắp
Hôm 19-5, Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc sáu công dân Trung Quốc tội danh “gián điệp kinh tế”. Sáu người này đã đánh cắp bí mật từ nhà sản xuất chip Avago ở San Jose, bang California và từ Công ty Skyworks Solutions ở bang Massachusetts. Đây là hai doanh nghiệp chuyên phát triển kỹ thuật dùng trong các hệ thống quân sự của Mỹ. Hãng tin Reuters cho biết trong sáu người có ba người là giáo sư của ĐH Thiên Tân (Trung Quốc) và ba người còn lại là bạn học, đồng nghiệp và học trò của ba giáo sư này. Nếu bị cáo buộc, những người Trung Quốc này có thể đối mặt với bản án 50 năm tù giam.
|
Hoàng Hỉ Văn (phải), một người Trung Quốc, bị áp giải hôm 1-5 với cáo buộc đánh cắp bí mật thương mại của công ty năng lượng của Mỹ ở Charlotte, North Carolina - Ảnh: Reuters |
Năm người còn lại được cho là vẫn còn ở Trung Quốc. Trương Hạo, 36 tuổi, cùng hai giáo sư Bàng Vĩ và Trần Cẩm Bình bị buộc tội ăn cắp mã nguồn và nhiều thông tin độc quyền của Avago và Skyworks.
Bàng và Trương gặp nhau khi học ngành điện tử ở ĐH Southern California năm 2006. Sau đó Trương Hạo đến làm việc ở Tập đoàn Skyworks và Bàng đầu quân cho Công ty kỹ thuật Avago.
Tại đây, hai nghi can này đã bắt đầu quá trình đánh cắp FBAR là kỹ thuật giúp lọc những tín hiệu không cần thiết cho các thiết bị điện thoại, máy tính bảng và thiết bị định vị GPS. Kỹ thuật này còn có nhiều ứng dụng trong quân sự.
Trang web Bộ Tư pháp Mỹ cho biết Trương và các đồng phạm đã lập Công ty ROFS Microsystems ở Thiên Tân nhằm làm bình phong để chuyển những thông tin đánh cắp được từ Avago và Skyworks.
Trong khoảng năm 2006 và 2007, Bàng và Trương đã ngấm ngầm kế hoạch bắt đầu sản xuất kỹ thuật này ở Trung Quốc. Do đó hai nghi can này đã có những “buổi làm việc” với giới lãnh đạo của ĐH Thiên Tân.
Đến năm 2009, cả hai rời Mỹ về Trung Quốc tham gia giảng dạy và điều hành công ty. Báo Standard Hong Kong cho biết ba giáo sư trên có những đồng phạm là Châu Sùng - cử nhân ngành kỹ sư thiết kế của Trường ĐH Thiên Tân, Trương Huy Toại là bạn học của Bàng và Trương ở Mỹ, Triệu Cương - tổng giám đốc ROFS Microsystems.
CNN dẫn lời đặc vụ FBI David Johnson cho biết cáo trạng tiết lộ các nhóm nước ngoài đang đánh cắp, lợi dụng một cách có hệ thống và liên tục những thông tin kỹ thuật nhạy cảm và giá trị của Mỹ bằng việc sử dụng các cá nhân hoạt động ngay trong lòng nước Mỹ.
Theo Reuters, đây là lần thứ ba Washington trong thời gian ngắn gần đây có những cáo buộc chính thức và quyết liệt đối với “người Trung Quốc”. Giới chuyên gia cho rằng đây là một tín hiệu khá mạnh mẽ mà Washington muốn truyền đến Bắc Kinh cho thấy Mỹ đang quyết liệt trong cuộc chiến chống “gián điệp kinh tế” từ Trung Quốc.
Tổ chức ăn cắp có hệ thống
Phía Trung Quốc đã có phản ứng gần như ngay lập tức. Trong cuộc họp báo trưa 20-5, Tân Hoa xã dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi khẳng định: “Trung Quốc rất quan tâm về vụ sáu công dân nước này bị Mỹ buộc tội gián điệp thương mại. Trung Quốc sẽ làm mọi cách để bảo vệ quyền và lợi ích của công dân nước mình”.
Trước đó, người phát ngôn ĐH Thiên Tân cho biết đã “có nghe” thông tin về những cáo buộc từ phía Mỹ đối với các giáo sư của mình và đang cho điều tra.
Giới công tố viên Mỹ cáo buộc hoạt động của nhóm “gián điệp kinh tế” Trương Hạo chỉ là một phần trong chương trình dài hơi nhằm tạo lợi thế cho các trường ĐH và các doanh nghiệp do Trung Quốc kiểm soát.
Một số chuyên gia thuộc Hội đồng các mối quan hệ nước ngoài của Mỹ nhận định ngày càng nhiều sinh viên Trung Quốc đến học và làm việc ở Mỹ. Một số trong đó đang nhận tài trợ của Chính phủ Trung Quốc để làm “gián điệp kinh tế” phục vụ lợi ích nước này.
Không chỉ sử dụng công dân của mình, Bắc Kinh còn mua chuộc công dân Mỹ làm “gián điệp kinh tế”.
Nhắm vào lĩnh vực quốc phòng Tháng 7-2014, Mỹ buộc tội doanh nhân Tô Bân đã tấn công hệ thống máy tính của Tập đoàn Boeing và một loạt nhà thầu quốc phòng khác của Mỹ. Tô Bân đã đánh cắp bí mật quân sự về các dự án chế tạo máy bay chiến đấu. Trong đó, có dữ liệu về kỹ thuật sản xuất máy bay vận tải quân sự C-17, máy bay chiến đấu F-22 và F-35. Tô đã tìm cách bán những bí mật này cho doanh nghiệp Trung Quốc. Bốn năm trước đó, kỹ sư người Mỹ gốc Trung Quốc Chung Đông Phiên đã bị tuyên án tù do đánh cắp những kỹ thuật và bí mật thương mại của Boeing chuyển cho Chính phủ Trung Quốc, trong đó có chương trình Space Shuttle và tên lửa Delta IV. Tháng 8-2012, công dân Mỹ gốc Trung Quốc Kim Hán Quyên phải ra tòa ở Mỹ vì đánh cắp công nghệ viễn thông iDEN của Motorola để cung cấp cho Công ty khoa học kỹ thuật Dương Quang Khải Tấn, một công ty chuyên sản xuất các sản phẩm viễn thông cho quân đội Trung Quốc. Một tháng sau, Lưu Tư Tinh - cựu kỹ sư của Tập đoàn Không gian và hàng hải Mỹ - bị phát hiện đánh cắp thông tin về hệ thống dẫn đường để bán cho Trung Quốc. |