Công viên Inokashira nằm ở thành phố Musashino, Tokyo, Nhật Bản là công viên ngoại ô đầu tiên được xây dựng vào năm 1917. Đây là công viên được người dân yêu thích, nơi mà mọi người có thể cảm nhận được bốn mùa, và nhiều người sẵn sàng bỏ thời gian để đi đường xa, đến đây ngắm cảnh đẹp.
Ngày trước, công viên Inokashira từng có thùng rác, nhưng vì một vụ thảm án mà chính quyền địa phương đã cho di tản thùng rác trong công viên này, đến nay vấn đề này vẫn được người dân Nhật Bản bàn tán.
Vào một buổi sáng ngày 23/4/1994, nhân viên quét dọn ở công viên Inokashira đã vô tình tìm thấy một thứ kinh khủng trong túi ni lông được đặt ở thùng rác công viên. Đó là một phần thi thể người khiến nhân viên suýt ngất xỉu. Ngay sau khi phát hiện vụ việc, nhân viên quét dọn đã báo cảnh sát, hé lộ những điều không ngờ đến.
Khi nhận được tin, cảnh sát đã nhanh chóng đến hiện trường, lục tung tất cả các thùng rác trong công viên, và phát hiện ra có 27 mảnh thi thể được tìm thấy trong 7 thùng rác, những mảnh thi thể này được bọc trong chiếc túi ni lông màu đen, phương pháp buộc ni lông rất giống với cách làm của ngư dân.
Trong vụ án này, cảnh sát Nhật Bản đã gặp nhiều rắc rối trong quá trình điều tra, và phải nỗ lực rất nhiều mới xúc tiến được vụ án. Vấn đề đầu tiên mà họ gặp phải chính là không thể xác nhận được danh tính của nạn nhân. Các dấu vân tay trên bàn tay, bàn chân của thi thể đã bị tiêu hủy.
Ngay khi vụ án đang đi đến hồi kết thì một cảnh sát đề nghị: “Hay bắt đầu cuộc điều tra từ cuộc điện thoại báo tin người mất tích gần đây”. Cuối cùng, các bác sĩ pháp y đã lấy được vết máu còn sót lại trên xương sườn và các thớ cơ của tử thi, sau đó dựa vào việc xét nghiệm ADN do gia đình người mất tích cung cấp, cuối cùng cảnh sát cũng đã xác định được ADN của người mất tích trùng khớp với ADN họ tìm được trên thi thể trong thùng rác.
Người đàn ông này tên Seiichi Kawamura, là một kiến trúc sư 35 tuổi, sống gần công viên Inokashira. Mấy ngày trước khi vụ án xảy ra, người vợ đã báo tin chồng mất tích vì anh không về nhà. Lo lắng có chuyện không may, nhưng cô không ngờ chồng mình lại chết thảm như thế này.
Khi được hỏi về cuộc sống hằng ngày của chồng, người vợ nói rằng anh vốn hiền lành, không gây thù chuốc oán, hai vợ chồng cũng sống hòa thuận với hàng xóm, chưa từng nghe chồng có gây hấn hay xích mích với ai bao giờ. Sau đó, cảnh sát cũng điều tra thêm về hàng xóm và cũng nhận được câu trả lời tương tự.
Ngoài ra, trước đó, người đàn ông này được thăng chức nên tâm trạng vô cùng vui vẻ, thậm chí còn đi uống rượu với người quen, nhưng sau khi uống xong thì không bao giờ gặp lại. Câu hỏi được đặt ra, tại sao người đàn ông hiền lành như thế lại bị giết?
Khi không có manh mối, một nhân chứng cho biết, tối ngày 21/4/1994 đã nhìn thấy Seiichi Kawamura tham gia vào cuộc hỗn chiến với hai người đàn ông khác ở gần ga JR Kichijoji. Sau đó, nhân chứng cho rằng những người đàn ông khả nghi đã đi dạo quanh công viên Inokashira với túi ni lông. Có vẻ như không ai chắc chắn điều gì đã xảy ra với Seiichi Kawamura vào buổi tối hôm đó, hoặc tại sao có ai đó lại muốn giết người đàn ông này theo cách kinh hoàng như thế.
Trong quá trình điều tra, cảnh sát đã nỗ lực tìm kiếm phương thức sát hại nạn nhân. Điều đáng nói, cơ thể nạn nhân đã bị cắt thành những mảnh hoàn hảo 20 cm, vừa đủ mỏng để nhét vào các lỗ hở 20cm x 30cm của thùng rác và thi thể anh ta đã được cắt lát với độ chính xác đến không ngờ.
Dù phương thức sát hại quá dã man, cảnh sát đã nỗ lực điều tra hết mức nhưng không thể tìm được manh mối của hung thủ. 10 tháng sau khi vụ án xảy ra, cảnh sát điều tra vụ án này cũng đã chuyển ngành, trụ sở chịu trách nhiệm cho vụ án này cũng giải tán, vụ án dần biến mất. Vì không thể tìm được kẻ sát nhân, thời hạn truy tố trôi qua, và vụ án này trở thành một trong những vụ bế tắc ở Nhật Bản.
6 năm sau, khi hết thời hạn truy tố, vụ án bất ngờ xuất hiện manh mối mới, một người đàn ông nói rằng anh biết được sự thật đằng sau. Trở lại năm xảy ra vụ việc, người đàn ông này làm việc ở chợ, nơi người nước ngoài thường xuyên qua lại và dựng quầy hàng. Vì vấn đề địa điểm, nên người Nhật bản địa và người nước ngoài thường xuyên xảy ra tranh chấp.
Cuối cùng, anh tình cờ biết được những người nước ngoài này không phải là thương nhân bình thường, mà là nhân viên của cơ quan mật vụ được cử đến Nhật Bản. Sau khi những bí mật của nhóm người nước ngoài bị người đàn ông kia phát hiện, anh đã trở thành mục tiêu theo dõi của họ.
Vì quá sợ hãi, nên người đàn ông này đã rời khỏi địa phương và sống cuộc sống trốn chạy. Sau khi vụ án xảy ra, truyền thông liên tục đưa tin về vụ án, hình ảnh của nạn nhân cũng được đăng trên TV. Vì nơi xảy ra vụ án cũng ở gần chợ, nên người đàn ông nghĩ rằng nạn nhân bị giết kia có thể là “thế thân” của mình.
Trong suốt 20 năm qua, người đàn ông này luôn sống trong sợ hãi, không dám nói gì với dư luận. Vấn đề này luôn khiến ông trăn trở, và cuối cùng, sau 6 năm hết hiệu lực của vụ án, người đàn ông này mới quyết định nói ra những gì anh ta biết. Tuy nhiên, dù có cung cấp thông tin vào năm đó thì vụ án cũng đã chìm vào quên lãng. Đến nay, đã 27 năm trôi qua nhưng vụ án kĩ sư bị chặt thành từng phần đều nhau vẫn là bí ẩn rất lớn với ngành hình sự Nhật Bản.
Theo Tiểu Lương (Pháp Luật & Bạn Đọc)