Reuters cho biết thảm kịch xảy ra tại một trường học ở TP Maradi - trung tâm hành chính của vùng Maradi. Ông Chaibou Aboubacar, thị trưởng TP Maradi, cho biết: "Đến nay có 26 người chết và 13 người bị thương, trong đó có 4 người bị thương nặng".
Thị trưởng TP Maradi cho biết thêm: "Hiện tại, chúng tôi chưa biết vì sao hỏa hoạn xảy ra và sẽ nhanh chóng điều tra làm rõ". Sau vụ việc, chính quyền tuyên bố 3 ngày quốc tang, bắt đầu từ ngày 9-11.
Thảm họa này khơi lại nỗi đau hồi tháng 4. Khi đó, lớp học lợp bằng rơm rạ cháy lớn, cướp đi sinh mạng của ít nhất 20 trẻ mầm non ở quận Niamey, thủ đô Niamey của Niger. Đám cháy hồi tháng 4 bắt đầu xung quanh cổng trường. Không có lối thoát hiểm, nhiều người bị mắc kẹt và các em học sinh buộc phải trèo tường để thoát ra ngoài.
Theo Issoufou Arzika, tổng thư ký của Liên đoàn Giáo viên Niger, vụ hỏa hoạn hôm 8-11 đã thiêu rụi ngôi trường ở Maradi. Ông Arzika cho biết Liên đoàn Giáo viên Niger đã cảnh báo nhà chức trách về sự nguy hiểm của các lớp học bằng rơm và gỗ sau hỏa hoạn tương tự ở thủ đô Niamey hồi tháng 4.
Hôm 8-11, chính phủ ra tuyên bố: "Sự kiện bi thảm này một lần nữa khiến người dân Nigeria rơi vào cảnh tang tóc", đồng thời nhấn mạnh các lớp học bằng rơm và gỗ sẽ bị cấm trên toàn quốc. Theo Reuters, Tổng thống Nigeria Mohamed Bazoum gần đây cho biết sẽ thay thế lớp học từ rơm rạ bằng các lớp học vững chắc hơn.
Ông Arzika đề nghị: "Tổ chức lớp học dưới tán cây còn hơn là trong những túp lều rơm, phòng học tạm bợ, nơi đã trở thành nấm mồ cho học sinh".
Niger được xếp hạng là quốc gia nghèo nhất trong tổng số 189 quốc gia trên toàn cầu được xếp hạng theo Chỉ số phát triển con người của Liên Hiệp Quốc. Nước này cố gắng khắc phục tình trạng thiếu trường học bằng cách xây dựng hàng ngàn phòng bằng rơm và gỗ để làm lớp học. Nhiều lúc trẻ em phải ngồi dưới đất.
Theo Huệ Bình (Nld.com.vn)