25 năm Liên Xô tan rã: Từ thảm kịch đến hoài niệm

28/12/2016 10:14:00

15 năm và 25 năm sau ngày Liên Xô tan rã, đa số người Nga vẫn cho rằng không thể phục dựng Liên bang Xô-viết như cũ.

15 năm và 25 năm sau ngày Liên Xô tan rã, đa số người Nga vẫn cho rằng không thể phục dựng Liên bang Xô-viết như cũ.

25 năm Liên Xô tan rã: Từ thảm kịch đến hoài niệm

Dù vậy, nhưng ý tưởng về một sự liên kết chặt chẽ giữa các nước cộng hòa Xô-viết trước đây thì ngày càng đậm nét hơn trong suy nghĩ của họ. Ngay cả vị Tổng thống duy nhất và cuối cùng của Liên Xô, ông Mikhail Gorbachov, cũng cho rằng có thể xuất hiện một Nhà nước liên minh kiểu mới trên không gian hậu Xô-viết.

"Liên Xô thì không, còn Liên minh – một Nhà nước liên minh mới – thì có. Tôi cho rằng có thể có Liên minh mới trong những đường biên giới cũ và với thành phần như cũ, trên cơ sở tự nguyện" – chính khách 85 tuổi này tuyên bố với hãng tin TASS nhân kỷ niệm 25 năm sự kiện ký kết "các thỏa thuận ở rừng Belovezh" dẫn đến sự tan rã Liên Xô.

Ngày khai tử một cường quốc

Chính thức thì 25/12/1991 là ngày Liên bang Xô-viết tan rã vì tối hôm đó Mikhail Gorbachov, trong một tuyên bố được truyền hình trực tiếp gây chấn động toàn thế giới, đã trút bỏ trọng trách Tổng thống, đồng thời ký Sắc lệnh chuyển giao quyền hạn Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Liên Xô cho Tổng thống Nga Boris Yeltsin.

Đêm lịch sử đó, quốc kỳ Liên Xô trên nóc tòa nhà chính Điện Kremlin được hạ xuống. Và ngày hôm sau, 26/12/1991, Xô-viết Liên bang (tương đương Thượng nghị viện) của Xô-viết Tối cao Liên Xô thông qua Tuyên bố 142-H khẳng định Liên Xô chấm dứt sự tồn tại.

Nhưng lịch sử ghi nhận ngày "khai tử" Liên bang Xô-viết là ngày 8/12/1991 khi lãnh đạo ba nước cộng hòa Xô-viết là Nga, Ukraine và Belarus bí mật họp tại khu rừng Belovezh thuộc Belarus và ký Hiệp ước chấm dứt sự tồn tại của Liên Xô, thành lập Cộng đồng các quốc gia độc lập (viết tắt theo tiếng Nga là SNG).

Nga, Ukraine và Belarus là các trụ cột của Liên Xô, là nền móng của Nhà nước liên bang được thành lập từ năm 1922 theo bản Hiệp ước liên bang đầu tiên thống nhất Nga, Ukraine và vùng Ngoại Kavkaz.

Trước đó, Liên Xô đã chìm sâu trong cuộc khủng hoảng toàn diện, thể chế nhà nước liên bang chao đảo sau hơn 5 năm cải tổ (1985-1991) dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư ĐCS Liên Xô, Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachov.

25 năm Liên Xô tan rã: Từ thảm kịch đến hoài niệm - Ảnh 1.
Tổng thống Liên bang Nga Boris Yeltsin (phải) và Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachov

Để tiếp tục duy trì một Liên bang Xô-viết đã rệu rão, M. Gorbachov chỉ đạo xây dựng một số dự thảo Hiệp ước liên bang "cải biến" và đã ấn định lễ ký kết Hiệp ước mới vào ngày 20/8/1991.

Theo bản dự thảo "cuối cùng" này, Liên bang Cộng hòa XHCN Xô-viết sẽ chuyển hóa thành "Liên bang Cộng hòa Xô-viết có chủ quyền". Trong tiếng Nga, hai tên gọi này đều viết tắt là "CCCP" – đây cũng là cách mà M. Gorbachov muốn đánh lừa dư luận.

Thực chất, đó sẽ là một Nhà nước liên bang rất lỏng lẻo, không còn bóng dáng của Nhà nước Liên bang Xô-viết như trong Hiến pháp Liên Xô lúc đó.

Trước tình hình này, một số nhà lãnh đạo Liên Xô do Phó Tổng thống Gennady Yanaev đứng đầu đã quyết định hành động "để bảo vệ Liên bang Xô-viết".

Ngày 19/8/1991, họ lập ra Ủy ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp, cô lập Gorbachov - khi đó đang nghỉ mát ở Biển Đen - nhằm chặn đứng khả năng ký kết bản Hiệp ước khai tử Liên Xô. Nhưng họ không ngờ kế hoạch của họ vấp phải sự chống trả quyết liệt của các nhà lãnh đạo nước Nga do Tổng thống Boris Yeltsin đứng đầu.

Cuộc chính biến nhanh chóng thất bại.

Ngày 22/8/1991, Gorbachov từ khu nghỉ mát trở về thủ đô nhưng từ đó vị Tổng thống này nhanh chóng mất hết quyền lực, các đòn bẩy điều hành Nhà nước liên bang Xô-viết chuyển từ Điện Kremlin sang Nhà Trắng – trung tâm quyền lực của nước Nga, mà cụ thể là vào tay Boris Yeltsin.

Một phần tư Thế kỷ trôi qua, Gorbachov kể lại: "Lúc đó đã bốc mùi nội chiến. Cực kỳ nguy hiểm. Tôi đã có một quyết định khác – tôi từ bỏ quyền lực, tôi tự nguyện ra đi để tránh đổ máu".

Một mặt thừa nhận mình "có phần trách nhiệm" về sự tan rã Nhà nước liên bang Xô-viết, cựu Tổng thống Liên Xô cũng ám chỉ Yeltsin và lực lượng của ông này khi nói rằng "có những người ở Nga chỉ đơn giản trù tính lập ra SNG để có thể duy trì Liên Xô không có M. Gorbachov; họ đã không hình dung được những hệ lụy do hành động của mình".

Vì sao tan rã?

Nguyên nhân nào khiến Tổng thống Gorbachov "trắng tay" và siêu cường Liên bang Xô-viết sụp đổ? Cho đến nay, 25 năm sau, người ta vẫn tiếp tục tranh luận, không thể lý giải được một cách chính xác, cụ thể.

Suốt những năm qua, các nhà lãnh đạo, chính khách, nhà nghiên cứu… đã nêu ra hàng loạt nguyên nhân và thường "gói gọn" ở 10 nguyên nhân chính. Những "bộ nguyên nhân" này có khá nhiều điểm trùng khớp, từ các nguyên nhân chính trị đến kinh tế - xã hội, từ những yếu tố nội tại của Liên Xô thời đó đến các nguyên nhân bên ngoài.

Trong số những nguyên nhân bên ngoài được đề cập nhiều là sự hợp tác tổng lực giữa Mỹ và phương Tây nhằm chống phá Liên Xô, việc Mỹ kích động chạy đua vũ trang buộc Liên Xô phải gồng mình chi tiêu cho quốc phòng; Mỹ cùng phối hợp với một số nước thực hiện kịch bản kéo giá dầu mỏ giảm mạnh trong các năm 1985-1986 khiến ngân sách Liên Xô vốn trông cậy vào doanh thu dầu khí bị thâm hụt nghiêm trọng.

Cũng có những tài liệu đề cập việc Cơ quan tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và các thế lực khác ở phương Tây tác động đến một số nhân vật cao cấp của Liên Xô.

Riêng ông Gorbachov cũng nêu ra hàng loạt nguyên nhân, từ những sai lầm trong lãnh đạo, quản lý đất nước, trong đường lối cải tổ đến những tham vọng của lãnh đạo các nước cộng hòa Xô-viết muốn có nhiều quyền lợi cho nước mình, nhiều quyền lực cho bản thân, trong đó có những toan tính của lãnh đạo nước Nga thời Boris Yeltsin tìm mọi cách "chiếm lấy" Điện Kremlin.

25 năm Liên Xô tan rã: Từ thảm kịch đến hoài niệm - Ảnh 2.
Hàng trăm ngàn người biểu tình ở Quảng trường Manezh ở Moscow, gần Điện Kremlin, ngày 19/3/1991, yêu cầu Tổng thống Gorbachov từ bỏ quyền lực. (Ảnh: Dominique Mollard/AP)

"Thảm họa địa chính trị lớn nhất Thế kỷ"

Năm 2005, trong Thông điệp liên bang hàng năm, Tổng thống Nga Vladimir Putin đánh giá Liên Xô tan rã là "thảm họa địa chính trị lớn nhất Thế kỷ".

Hơn 5 năm sau, trong một dịp nhắc lại sự kiện Liên Xô sụp đổ, trên cương vị Thủ tướng Nga, ông Putin tuyên bố: "Ai không thấy tiếc về sự tan rã của Liên Xô thì hẳn là người đó không có trái tim. Nhưng người nào muốn khôi phục Liên Xô như cũ là không có đầu óc".

Tổng thống Putin nhiều lần đề cập chủ đề Liên Xô tan rã, coi đó là một "thảm kịch" đối với nhân dân Nga. Tháng 10/2015, tại cuộc họp Câu lạc bộ Valdai, ông Putin một lần nữa nhấn mạnh: "Tôi tiếp tục khẳng định đó (Liên Xô tan rã) là thảm kịch, trước hết đối với 25 triệu người Nga bỗng chốc bị kẹt lại ở nước ngoài trái với ý nguyện của mình".

Putin nhận xét "dân tộc Nga là dân tộc phải sống phân tán ở ngoài Tổ quốc mình đông nhất trên thế giới và rõ ràng đó là một thảm kịch".

Mới nhất, hồi tháng 9/2016, trong cuộc gặp đại diện các chính đảng được bầu vào Duma quốc gia Nga khóa 7, Tổng thống Putin chia sẻ: "Nói đến sự sụp đổ Liên Xô, tôi nghĩ lẽ ra không nhất thiết phải để xẩy ra điều đó; lẽ ra đã có thể tiến hành những cuộc cải cách sâu sắc, dân chủ…"

Trong cuộc thăm dò mới đây của Trung tâm Nghiên cứu dư luận toàn liên bang Nga (VSIOM), 68% số người Nga được hỏi ý kiến cho rằng không thể khôi phục Liên bang các nước cộng hòa như Liên Xô trước đây (năm 2006 con số này là 69%).

Hơn một nửa số người được hỏi (52%) ủng hộ ý tưởng liên kết chặt chẽ trên không gian hậu Xô-viết theo hình thức mới. Có 65% số người trên 60 tuổi ủng hộ hình thức liên kết mới; tỷ lệ này là 44% ở nhóm tuổi 18-24 và 39% trong số những người dân thủ đô Moscow và thành phố Saint Peterburg.

Có 17% người Nga phản đối liên kết chặt chẽ giữa các nước thuộc Liên Xô trước đây. Theo các cuộc thăm dò hàng năm của VSIOM, trong 10 năm gần đây số người tiếc nuối về sự tan rã Liên Xô giảm không đáng kể, từ 68% xuống 63%; nhưng ở những nhóm người càng cao tuổi thì tỷ lệ này càng cao: 85% người về hưu luyến tiếc Liên Xô không còn nữa.

Trong khi đó, theo kết quả cuộc thăm dò hồi tháng 4/2016 của một đơn vị điều tra dư luận khác ở Nga – "Trung tâm Levada", thì 51% số người Nga cho rằng đã có thể ngăn chặn được sự sụp đổ Liên Xô và 56% tỏ ý tiếc về sự kiện đó; 33% khẳng định sự tan rã Liên Xô là tất yếu.

Số người Nga vẫn ôm ấp những hoài niệm về Liên Xô trước đây đã tăng lên rõ rệt kể từ tháng 11 năm 2010 nhưng vẫn chưa vượt quá con số "kỷ lục" của tháng 12 năm 2000, khi có trên 75% số người được hỏi ý kiến cho biết vẫn rất ước vọng, mong mỏi thời Xô-viết trở lại.

Theo Nguyễn Đăng Phát (Soha.vn/Trí Thức Trẻ)

Nổi bật