Atlantic cho hay ít nhất 22 nghị sĩ Dân chủ ở Hạ viện Mỹ đã ký vào một lá thư gửi đến Nhà Trắng, Bộ An ninh Nội địa và Bộ Ngoại giao để bày tỏ "sự quan ngại sâu sắc" về việc chính quyền nỗ lực diễn giải lại một hiệp định đã ký kết vào năm 2008 với Việt Nam.
Theo hiệp định này, những người gốc Việt đến Mỹ trước khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào ngày 12/7/1995 sẽ không bị trục xuất. Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Trump được cho là đang tìm cách lật lại thỏa thuận trên nhằm trả hàng nghìn người nhập cư Việt Nam về nước, bất chấp họ đã sinh sống hàng chục năm ở Mỹ.
Trong thư, các nghị sĩ cho hay có nhiều người gốc Việt đến Mỹ từ khi còn trẻ "đã tái định cư ở những khu vực còn khó khăn và phải đối mặt với những di chứng từ cuộc chiến tranh Việt Nam mà không được hỗ trợ gì. Vì thế, một số người mắc phải sai lầm và vướng vào lao lý".
Tuy nhiên, những người này "đã hoàn thành án tù và hiện đóng góp tích cực cho cộng đồng". Các nghị sĩ nhấn mạnh rằng việc trục xuất sẽ khiến họ gặp khó khăn khi quay về Việt Nam sau hàng thập kỷ xa cách và kêu gọi chính quyền Trump "tôn vinh tinh thần nhân đạo thể hiện trong thỏa thuận hiện tại".
"Chúng tôi phản đối mạnh mẽ bất kỳ cuộc tái đàm phán nào về hiệp định này nhằm tước bỏ sự bảo hộ hiện nay đối với người nhập cư gốc Việt", lá thư viết.
Cựu ngoại trưởng John Kerry, một cựu binh Việt Nam, có chung quan điểm trên và gọi động thái của chính quyền Trump là "hèn hạ". Trong một bài viết trên Twitter, ông đặt câu hỏi về những lợi ích mà Mỹ đạt được khi trục xuất người gốc Việt và nhắc đến những nỗ lực suốt nhiều năm của các lãnh đạo và giới chức Mỹ, như George H.W. Bush, John McCain và Bill Clinton, nhằm "hàn gắn vết thương hở này" và "gác lại cuộc chiến phía sau chúng ta".
Từ năm ngoái, Mỹ bắt đầu bắt giữ và đe dọa trục xuất nhiều người nhập cư lâu năm từ Việt Nam, Campuchia và các nước khác với cáo buộc là "tội phạm bạo lực nước ngoài". Hàng chục người Việt phạm trọng tội đã bị giam tại các trung tâm nhập cư suốt 6 tháng hoặc lâu hơn. Nhiều người trong đó đã mãn hạn tù nhưng các quy định mới khiến họ có thể bị tái bắt giữ.
"Tôi đã nhận được nhiều tin nhắn bày tỏ sự lo sợ từ các thành viên trong cộng đồng người Việt những ngày qua", Phi Nguyen, giám đốc pháp lý tại Atlanta của tổ chức Thúc đẩy Công bằng Người Mỹ gốc Á, cho hay.
Nhà Trắng khẳng định việc diễn giải lại hiệp định 2008 sẽ chỉ áp dụng với những người gốc Việt không có giấy tờ hoặc những người đã bị truy tố vì phạm tội, nhưng sẽ không áp dụng với những người đã trở thành công dân Mỹ.
Theo phát ngôn viên Bộ An ninh Nội địa Mỹ Katie Waldman, hiện có 5.000 tội phạm gốc Việt có lệnh trục xuất. Những người này không phải là công dân Mỹ, bị bắt giữ và truy tố từ các chính quyền trước.