Những người này thiệt mạng trên hành trình gian khổ và đầy hiểm nguy đến các nước châu Âu, với phần lớn là người tị nạn Trung Đông.
Báo cáo mới đây của Uỷ ban người tị nạn Liên Hợp Quốc (UNHCR) cho biết, số người tị nạn tới châu Âu trong năm 2015 đã lên tới 1 triệu 573 người.
Hơn 80% trong số này, tức khoảng 844.000 người đã chọn Hy Lạp làm điểm đặt chân với hành trình đi qua Thổ Nhĩ Kỳ. Khoảng 150.000 người khác từ Lybia vượt qua biển Địa Trung Hải để đến Ý.
Đây là đợt khủng hoảng di cư lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến II.
UNHCHR cho hay con số người chọn cách mạo hiểm qua đường biển trong năm 2015 đã tăng lên 216.000 người. Họ phải đối diện với giá rét, thiếu thốn lương thực, thuốc men, cướp biển...
Báo cáo cho hay 49% số này đến từ Syria và 21% từ Afghanistan. Hầu hết đều phải bỏ đất nước để trốn chạy chiến tranh. Trên hành trình lênh đênh ở Địa Trung Hải, 3.735 người đã chết hoặc mất tích.
Trong số các quốc gia ở châu Âu, Đức trong năm vừa qua tiếp nhận lượng lớn người tị nạn, với báo cáo của giới chức nước này là hơn 1 triệu người. Tuy nhiên, tại châu Âu và ngay ở Đức đã nổ ra những tranh cãi gay gắt liên quan đến cách thức giải quyết vấn đề người tị nạn.
Uỷ ban châu Âu lên kế hoạch phân bổ hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn với từng quốc gia, nhưng biện pháp này vấp phải sự phản đối của nhiều nước. Một số lo ngại các tổ chức khủng bố sẽ lợi dụng dòng người di cư để tấn công châu Âu.
Theo Nguyên Phong (Tiền Phong)