Quân đội Nga đã đánh dấu sự trở lại ấn tượng trong năm qua bằng các nỗ lực hiện đại hóa và hành động can thiệp quân sự ở nước ngoài.
Ngày 30/9, đáp lại đề xuất của Tổng thống Syria Bashar Assad, Nga đã phát động chiến dịch không kích chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria. Đây là hoạt động quân sự đầu tiên chống khủng bố ở nước ngoài trong lịch sử gần đây của Nga.
Chiến dịch này do các đơn vị của các lực lượng Không gian Vũ trụ và hải quân Nga thực hiện bằng cách cho máy bay ném bom và tấn công bằng tên lửa hành trình từ tàu chiến và tàu ngầm mà không cần điều bộ binh trực tiếp chiến đấu với các phiến quân Hồi giáo.
Theo công bố của Nga, lực lượng không quân nước này gồm các máy bay ném bom chiến lược tầm xa như Tu-160 và Tu-95MS, kết hợp với tàu chiến của hạm đội biển Caspian và tàu ngầm Rostov-on-Don đã giáng những đòn tấn công mạnh mẽ vào các mục tiêu IS ở Syria, phá hủy một loạt các sở chỉ huy, kho hậu cần, các nhà máy sản xuất vũ khí tạm thời cũng như xóa sổ lượng lớn phiến quân.
Các lực lượng Nga cũng đánh vào nguồn thu nhập chính của IS là buôn lậu dầu phi pháp bằng việc tấn công các giếng dầu, các nhà máy lọc dầu, các trạm bơm và xe bồn dùng để vận chuyển loại "vàng đen" này đến tay những kẻ tiêu thụ.
Chiến dịch can thiệp quân sự của Nga ở Syria được đánh giá là đã thay đổi cục diện chiến trường, bảo vệ được vững chắc chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad, đẩy phiến quân IS vào tình thế phòng ngự bị động, và góp phần thúc đẩy quá trình đàm phán hòa bình tìm giải pháp chính trị cho Syria.
Tuy nhiên, chiến dịch này cũng gặp phải một sự cố bi thảm khi một tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay ném bom Su-24 Nga trên không phận Syria. Một phi công lái máy bay Su-24 trong khi nhảy dù đã bị phiến quân người Turk thân Thổ Nhĩ Kỳ bắn chết. Một lính hải quân đánh bộ Nga cũng thiệt mạng khi thực hiện chiến dịch giải cứu phi công bị bắn rơi.
Sau sự cố này, Nga đã nhanh chóng điều hệ thống tên lửa phòng không tối tân S-400 tại căn cứ Latakia, bao trùm gần như toàn bộ không phận Syria và khu vực miền nam Thổ Nhĩ Kỳ, thiết lập trên thực tế một "vùng cấm bay", nơi các chiến đấu cơ nước ngoài đều nằm dưới sự giám sát chặt chẽ của Nga.
Hiện đại hóa
Theo giới phân tích, chiến dịch can thiệp quân sự tại Syria đã chứng tỏ được khả năng sẵn sàng chiến đấu và sức mạnh thực sự của quân đội Nga. Quân đội Nga đang trải qua giai đoạn hiện đại hóa nhanh chóng với 47% tổng số các lực lượng giờ đây được trang bị vũ khí, khí tài hiện đại.
Các đơn vị không quân chiến lược Nga đã được bổ sung 10 máy bay ném bom hạt nhân mới gồm hai chiếc Tu-160, ba chiếc Tu-95MS và 5 chiếc Tu-22M3. Đây là những máy bay ném bom chiến lược được Nga điều động tham gia chiến dịch không kích IS tại Syria.
Máy bay ném bom chiến lược tầm xa Tu-22M3 và Tu-95MS của Nga tham gia không kích IS tại Syria. Ảnh: RIA Novosti |
Lực lượng hải quân Nga cũng được bổ sung hai tàu ngầm chiến lược mới là tàu Alexander Nevsky và Vladimir Monomakh trong khi các lực lượng hạt nhân chiến lược mặt đất cũng nhận thêm 5 trung đoàn tên lửa liên lục địa RS-24 Yar ICMB. Trong khi đó, tàu ngầm phi hạt nhân Nga cũng thể hiện được uy lực của mình khi phóng tên lửa hành trình Kalibr vào mục tiêu IS.
Lễ duyệt binh mừng ngày chiến thắng phát xít diễn ra hôm 9/5 ở Quảng trường Đỏ tại Moscow cũng là dịp phô trương những vũ khí, khí tài quân sự mới nhất trong kho vũ khí quân đội Nga, gồm siêu tăng T-14 Armata, xe chiến đấu bộ binh Kurganets-25, các loại xe bọc thép Tigr và Typhoon cùng nhiều khí tài khác.
Quân đội Nga cũng tiếp tục tăng cường hoạt động ở khu vực Bắc Cực, thành lập căn cứ quân sự mới và cải tạo sân bay hiện có. Việc phát triển cơ sở hạ tầng quân sự ở Bắc Cực hiện vẫn là một trong số các ưu tiên hàng đầu của Nga.
Trong năm nay, các lực lượng vũ trang Nga cũng đã tiến hành một loạt các cuộc tập trận cả bất thường và theo kế hoạch nhằm kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu đối với gần như toàn bộ các quân binh chủng. Những cuộc tập trận bất thường theo lệnh của Tổng thống Vladimir Putin được cho là có vai trò quan trọng trong việc nâng cao đáng kể khả năng sẵn sàng đối phó với mọi tình huống của quân đội Nga.
Nỗ lực hiện đại hóa lực lượng hải quân của Nga trong năm nay vấp phải một trở ngại đáng kể với việc Pháp hủy hợp đồng đóng tàu chiến Mistral cho Nga. Hợp đồng đóng hai tàu tấn công đổ bộ Mistral trị giá 1,35 tỷ USD được tập đoàn xuất khẩu vũ khí Rosoboronexport của Nga và công ty quốc phòng hải quân DCNS của Pháp ký kết vào tháng 6/2011.
Theo hợp đồng, Nga lẽ ra sẽ nhận bàn giao chiếc tàu Mistral đầu tiên năm 2014 và nhận tiếp chiếc thứ hai trong năm 2015. Tuy nhiên, do những căng thẳng giữa Nga và phương Tây liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine, thương vụ này bị phía Pháp trì hoãn bàn giao, và hợp đồng bị Pháp đơn phương hủy bỏ vào tháng 8.
Nga đã được Pháp đền bù hợp đồng khoảng một tỷ USD (tương đương 949,8 triệu euro). Sau đó, Pháp đã đạt thỏa thuận bán hai tàu này cho Ai Cập với giá 950 triệu euro.
Dù không mua được tàu Mistral, hải quân Nga vẫn cho thế giới thấy được sức mạnh của mình khi dùng các tàu khu trục tên lửa cỡ nhỏ phóng tên lửa hành trình từ biển Caspian, vượt khoảng cách 1.500 km để tấn công các mục tiêu IS, điều mà chỉ có các tàu chiến cỡ trung trở lên của Mỹ và phương Tây mới làm được.
Theo Duy Sơn (VnExpress.net)