Vừa qua, công ty trục vớt tàu Shinil Group (trụ sở tại Seoul) đã tuyên bố tìm thấy xác tàu tuần dương Nga Dmitrii Donskoi bị đắm ở độ sâu hơn 434m trong vùng biển giữa Nhật Bản và Hàn Quốc.
Tuyên bố của Shinil Group đã thu hút rất nhiều sự chú ý của giới săn lùng kho báu bởi có những đồn đoán rằng tàu Dmitrii Donskoi đã chở theo 200 tấn vàng khi bị đánh đắm vào tháng 5/1905, trong một cuộc chiến giữa Nga và Nhật Bản ở phía Đông bán đảo Triều Tiên.
Chính tập đoàn Hàn Quốc này cũng cho rằng số vàng trị giá đến 133 tỉ USD vẫn nằm trên con tàu suốt 113 năm qua.
Cảnh báo lừa đảo?
Tuy nhiên, gần đây nhiều chuyên gia tài chính đã lên tiếng cảnh báo các nhà đầu tư nên cẩn trọng với công ty trục vớt mới nổi này.
Theo AP, Shinil Group không phải là công ty đầu tiên tuyên bố phát hiện ra tàu Dmitrii Donskoi, mà trước đó cũng đã có một số công ty và tập đoàn đưa ra các tuyên bố tương tự, nhưng sau đó họ lại không tiến hành trục vớt xác tàu này.
Một trong số các công ty và tập đoàn kể trên, Dong-Ah Construction, đã bị cáo buộc lan truyền tin đồn thất thiệt nhằm làm tăng giá cổ phiếu, và không lâu sau, công ty này đã phải tuyên bố phá sản.
Shinil Group mới được thành lập vào ngày 1/6 vừa qua, với số vốn khoảng 87.800 USD. Công ty này không có tên trên sàn giao dịch, nhưng gần đây chủ tịch của Shinil Group đã mua cổ phiếu của Jeil Steel, một công ty địa phương.
Sau khi Shinil tuyên bố tìm thấy xác tàu tuần dương Nga, giá cố phiếu của Jeil trên sàn giao dịch KOSDAQ của Hàn Quốc đã tăng hơn 30% vào Thứ 3 vừa qua. Giá cổ phiếu của họ tiếp tục tăng vọt vào ngày thứ 4, trước khi Jeil công bố rằng chủ tịch Shinil Group sẽ trở thành cổ đông lớn thứ 2 của họ.
Ngoài ra, Jeil cũng khẳng định việc này không liên quan đến việc trục vớt tàu đắm. Giá cổ phiếu của Jeil đã giảm hơn 20% sau phiên giao dịch ngày thứ 5 vừa qua.
Cơ quan Giám sát Tài chính Hàn Quốc (SKFS) cho biết, họ đang theo dõi rất sát sao những hoạt động giao dịch liên quan đến Jeil Steel, trong đó có thể là những hành động lừa gạt nhà đầu tư hay cung cấp thông tin sai lệch để đánh lạc hướng các nhà điều tra.
"Các nhà đầu tư cần hết sức thận trọng bởi ta chưa thể biết liệu [Shinil Group] có thể trục vớt được con tàu đó hay không, và liệu Shinil có thể giành quyền sở hữu những tài sản trên tàu, ngay cả khi họ được cấp phép trục vớt nó lên hay không", quan chức của SKSS cho hay.
"Công ty xây dựng Dong-Ah từng có những tuyên bố tương tự về con tàu này, nhưng do họ không thể thực hiện những cam kết của mình nên cuối cùng họ đã bị phá sản, và điều đó đã khiến nhiều nhà đầu tư mất khoản tiền rất lớn", quan chức trên nói.
Số vàng quá lớn so với tàu Dmitrii Donskoi?
Trước đây, khi một số thông tin về con tàu Dmitrii Donskoi được công bố, các học giả Nga từng lập luận rằng quân đội Nga sẽ không cho tàu thủy chở theo số vàng lớn đến thế, bởi việc vận chuyển bằng tàu hỏa nhìn chung an toàn hơn nhiều. Họ cho rằng trên tàu chỉ có một số lượng nhỏ đồng vàng để trả công cho thủy thủ đoàn.
Một số chuyên gia cũng nói rằng với thiết kế của một con tàu chiến với hơn 12 khẩu pháo, 500 thủy thủ và kho than có sức chứa lên tới 1.600 tấn, thì việc tàu Dmitrii Donskoi mang theo 200 tấn vàng gần như là điều không thể. Số vàng này nhiều gấp đôi trữ lượng vàng hiện có trong ngân hàng trung ương Hàn Quốc.
Shinil Group đã bác bỏ các cáo buộc lừa đảo, và khẳng định họ không có ý định trục lợi từ xác tàu Dmitrii Donskoi. Công ty này ước tính việc trục vớt tàu sẽ tốn hơn 1 triệu USD, và dự định sẽ đặt cọc khoảng gần 106.000 USD để xin cấp phép trục vớt tàu.
Theo SCMP, công ty Shinil Group cho biết đang có dự định vớt tàu lên vào tháng 10 hoặc tháng 11 năm nay. Bên cạnh đó, công ty này đã đạt được thỏa thuận sẽ trao trả lại hơn một nửa số vàng tìm được cho chính phủ Nga.
Khoảng 10% số vàng còn lại sẽ được đầu tư vào các dự án du lịch trên đảo Ulleungdo, bao gồm việc xây dựng một bảo tàng tưởng nhớ con tàu và thủy thủ đoàn.
Một khoản nhất định sẽ được quyên góp cho các dự án chung nhằm thúc đẩy phát triển ở vùng đông bắc Á, cụ thể là xây dựng tuyến đường ray kết nối Nga và Hàn Quốc thông qua Triều Tiên.
Tuy nhiên, theo Telegraph và Daily Mail, công ty Hàn Quốc chỉ trao trả 10% số vàng cho Nga (để phục vụ dự án xây đường ray) và 10% khác để phát triển đảo Ulleungdo (bao gồm cả xây dựng bảo tàng).
Trong khi đó, nhiều nhóm vận động người Nga đã yêu cầu phía Hàn Quốc trao trả toàn bộ kho báu khổng lồ này cho nước Nga.
Tất Đạt
Theo Hồng Anh (Soha/Trí Thức Trẻ)