Tổng cộng đã có 18 người phải nhập viện sau khi tiêm vaccine của hãng Sinovac vào tuần trước, theo số liệu chính thức, chiếm 0,019% trong tổng số 91.800 người đã được tiêm vaccine tính đến thời điểm này.
Hôm 06/03, giới chức cũng cho biết ba người đã phải nhập viện sau khi tiêm vaccine trước đó một ngày. Tất cả đều đã ra viện sau khi được chữa trị.
Một phụ nữ 53 tuổi được tiêm vaccine ở Thư viện Trung tâm Hong Kong tại Vịnh Causeway đã cảm thấy chóng mặt do cao huyết áp. Bà được đưa tới Bệnh viện Ruttonjee tối 06/03 trong tình trạng ổn định.
Một người 46 tuổi khác cũng bị chóng mặt và nổi mẩn sau khi tiêm vaccine ở Trung tâm Thể thao Tseung Kwan O. Người này được nhập viện Tseung Kwan O vào tối cùng ngày, tình trạng ổn định.
Một cụ bà 87 tuổi bị chóng mặt, tim đập nhanh sau khi tiêm vaccine tại Trung tâm Thể thao Osman Ramju Sadick Memorial ở Kwai Chung. Bà được điều trị tại Bệnh viện Công chúa Margaret.
Trước đó hôm 07/03, giới chức Hong Kong tiếp nhận lô vaccine của Pfizer-BioNTech, nâng tổng số vaccine có trong dự trữ lên 1,3 triệu liều. Khoảng 300 người đã được tiêm vaccine BioNTech hôm 06/03.
Hai người đang được điều trị tích cực đều có bệnh nền và đổ bệnh nặng sau khi được tiêm vaccine, cơ quan y tế Hong Kong thông báo. Cơ quan này cho biết sẽ chuyển thông tin về các trường hợp kể trên cho ủy ban chuyên gia để tìm hiểu nguyên nhân.
Hai bệnh nhân gặp bệnh nặng sau khi tiêm vaccine Sinovac là một người đàn ông 80 tuổi được tiêm chủng tại một trung tâm ở Tin Shui Wai. Sau khi thấy không khỏe, ông tới Trung tâm Y tế Caritas để kiểm tra sức khỏe, sau đó được đưa vào đơn vị điều trị tích cực.
Người còn lại là một phụ nữ 72 tuổi có tiền sử nhiều bệnh, trong đó có tiểu đường, cảm thấy khó chịu sau khi tiêm vaccine ở một trung tâm tại Tseung Kwan O.
Bà đã không dùng hai liều insulin sau khi cảm thấy yếu đi, và sức khỏe của bà diễn biến xấu kể từ sáng 07/03. Sau đó bà được nhập viện vào đơn vị điều trị tích cực ở Bệnh viện Hoàng tử xứ Wales ở Sha Tin, và được xác định gặp vấn đề nghiêm trọng liên quan tới tiểu đường.
Một phụ nữ 45 tuổi cũng bị nổi mẩn trong thời gian 30 phút sau khi tiêm vaccine ở Trung tâm Thể thao Kwun Chung. Một phụ nữ 66 tuổi khác gặp chứng tim đập nhanh sau khi tiêm vaccine tại đây. Hai bệnh nhân được nhập viện và tình trạng sức khỏe của họ nhìn chung ổn định.
Hai người khác đã tử vong hồi tuần trước sau khi tiêm vaccine Sinovac ở trung tâm này, SCMP đưa tin. Nhóm chuyên gia chưa xác định nguyên nhân cái chết của một trong hai bệnh nhân, tuy vậy người còn lại được xác định tử vong không phải do tiêm vaccine.
Tổng thư ký hành chính Hong Kong Matthew Cheung Kin-chung khẳng định chính quyền sẽ liên tục cập nhật thông tin về vaccine một cách cởi mở, minh bạch và có trách nhiệm, đồng thời giám sát chặt chẽ chương trình tiêm chủng để giải quyết lo ngại của người dân.
"Tôi hiểu một số người lo lắng về những trường hợp kể trên, tuy vậy chúng ta cần đánh giá mức độ an toàn của vaccine dựa trên bằng chứng khoa học. Chúng tôi tin tưởng ý kiến của các chuyên gia, đồng thời hoan nghênh cộng đồng bày tỏ lo ngại," ông Cheung nói, nhắc tới hai trường hợp tử vong sau khi tiêm vaccine.
"Do nguồn cung vaccine toàn cầu đang eo hẹp, chính quyền cam kết mang tới cho người dân các loại vaccine đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, hiệu quả và chất lượng," ông Cheung cho biết thêm, khẳng định chính quyền sẽ nghiêm túc chấp hành các quy trình trong việc phê duyệt vaccine sử dụng khẩn cấp.
Hong Kong khởi động chương trình tiêm chủng ngừa Covid-19 từ cuối tháng 02, với vaccine do hãng Sinovac sản xuất. Khoảng 83.400 người đã được tiêm liều đầu trong giời gian 22/02 - 06/03. Hôm 27/02, Hong Kong tiếp nhận lô vaccine đầu tiên của Pfizer-BioNTech.
Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)