Theo thống kê của BBC và Đại học Johns Hopkins, tính đến ngày 8/4, chỉ còn lại 16 quốc gia chưa bị đại dịch Covid-19 tấn công. Đó là Comoros, Lesotho (Châu Phi); Triều Tiên, Tajikistan, Turkmenistan, Yemen (Châu Á); Kiribati, Quần đảo Marshall, Micronesia, Nauru, Palau, Samoa, Quần đảo Solomon, Tonga, Tuvalu và Vanuatu (Châu Đại Dương).
Hầu hết những nước này đều là quốc đảo ở Châu Đại Dương với quy mô dân số nhỏ. Đáng chú ý, trong số 10 quốc gia có ít du khách nhất thế giới, có tới 7 nước chưa ghi nhận bất kỳ ca nhiễm Covid-19 nào. Nghĩa là giữa thời điểm mà toàn cầu đề cao cách ly xã hội, thì những nước ở Châu Đại Dương vốn dĩ đã ở trong tình trạng xa xôi cách biệt rồi.
Tuy nhiên, nhiều quốc đảo vẫn có biện pháp đề phòng nghiêm ngặt. Ví dụ như Nauru đã ban bố tình trạng khẩn cấp. Bốn bề của Nauru đều giáp với Thái Bình Dương, nơi gần nhất cũng cách biệt tới 320 km. Đô thị nằm gần nhất là thành phố Brisbane (Úc) cũng có khoảng cách hơn 4.000 km.
Ngoài ra, Nauru là nước có diện tích đất liền nhỏ thứ hai thế giới (sau Monaco) và dân số cũng nhỏ thứ hai thế giới (sau Tuvalu). Theo một hãng du lịch ước tính, mỗi năm chỉ có khoảng 160 du khách nước ngoài đến thăm quốc đảo nhỏ bé này.
Nhiều người nghĩ rằng, một nơi chốn xa xôi như Nauru sẽ không cần phải tự cô lập thêm nữa. Tuy nhiên, ở một đất nước chỉ có 1 bệnh viện, 0 máy thở và thiếu hụt y tá nghiêm trọng, chính phủ cần phải cố gắng hết sức để bảo vệ người dân tránh hoàn toàn dịch Covid-19.
Tính đến nay, Nauru đã cấm nhập cảnh hành khách từ hàng loạt quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Italy, Fiji, Kiribati, Quần đảo Marshall... Ngoài ra còn giới hạn số lượng chuyến bay từ thành phố Brisbane (Úc).
Bắt đầu từ giữa tháng 3, mọi hành khách nhập cảnh vào Nauru (hầu hết là công dân hồi hương từ Úc) đều phải cách ly ở khách sạn trong vòng 14 ngày. Tất cả họ sẽ được theo dõi hàng ngày để phát hiện triệu chứng bệnh kịp thời. Nếu có biểu hiện nhiễm virus, họ sẽ được lấy mẫu bệnh phẩm và chuyển về Úc xét nghiệm. Mặc dù tình hình chống dịch đang trở nên cực kỳ căng thẳng, nhưng hơn 10.000 người dân Nauru vẫn "rất bình tĩnh và đoàn kết" - theo Tổng thống Lionel Aingimea chia sẻ trên BBC.
Bên cạnh Nauru, nhiều quốc gia có diện tích nhỏ ở Châu Đại Dương cũng đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp, bao gồm Kiribati, Tonga, Vanuatu...
Bác sĩ Colin Tukuitonga - một cựu chuyên gia từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và đang công tác tại khoa y thuộc Đại học Auckland (New Zealand) - nhận định rằng, điều đúng đắn nhất mà các quốc gia Châu Đại Dương có thể thực hiện là cách biệt với phần còn lại của thế giới. Bởi vì nếu virus corona chạm đến thì nền y tế ở đây sẽ gặp khủng hoảng ngay lập tức.
"Những quốc gia này không có hệ thống y tế vững chắc, nhiều nơi còn không có máy thở. Nếu dịch bệnh bùng phát, nó sẽ có thể cướp đi hầu hết những sinh mạng" - vị bác sĩ cho biết.
Ông Colin cũng lưu ý rằng đa số người dân các đảo Châu Đại Dương có tình trạng sức khỏe không tốt. "Tỷ lệ người dân béo phì, mắc bệnh tim và các vấn đề về lồng ngực chiếm tỷ lệ cao; khiến họ rất dễ tổn thương nếu nhiễm phải virus".
Trong trường hợp Covid-19 lan tới các nước Châu Đại Dương, bệnh nhân sẽ được chuyển đến những quốc gia có hệ thống y tế phát triển hơn. Nhưng đó chỉ là lý thuyết, còn trên thực tế, hầu hết các nước đều đã đóng cửa biên giới. Do đó việc cứu trợ sẽ không thể nào diễn ra nhanh chóng và dễ dàng.
Bác sĩ Colin cho rằng cách tốt nhất là những quốc đảo này hãy cố gắng "miễn nhiễm" với Covid-19 càng lâu càng tốt, làm mọi cách để duy trì tình trạng đó. "Quy mô dân số nhỏ và bị cô lập giữa đại dương mênh mông - đó luôn là những trở ngại của các nước Châu Đại Dương, nhưng nay đã vô tình biến thành một biện pháp bảo vệ" - bác sĩ Colin bày tỏ.
Theo Jayden (Tổ Quốc)