Theo một báo cáo gần đây của tờ The New York Times, gần 1/4 số cầu của nước Mỹ được xây dựng trước năm 1960. Khi biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, những công trình cũ này đang bị đe doạ.
Giáo sư kỹ thuật dân dụng Paul Chinowsky tại Đại học Colorado Boulder giải thích: “Cuộc khủng hoảng cầu hiện nay gắn liền với các sự kiện thời tiết khắc nghiệt. Đây không phải là những điều sẽ xảy ra trong hoàn cảnh khí hậu bình thường.
Một yếu tố quan trọng gây ra vấn đề này là những cây cầu cũ không chịu được sự thay đổi nhiệt độ nhanh chóng. Sự giãn nở và co lại tự nhiên của kim loại trước những thay đổi về nhiệt độ gây ảnh hưởng đến các công trình đang xuống cấp. Hậu quả của những thay đổi ngày càng rõ ràng hơn, như khung chống đỡ gãy gập, nhựa đường nứt nẻ và móng cầu bị xói mòn.
Đây không phải là mối lo mới xuất hiện. Một báo cáo năm 2019 được công bố trên tạp chí PLOS ONE đã cảnh báo rằng 25% tổng số cầu thép ở Mỹ có nguy cơ sụp đổ vào năm 2050. Dù đã có nhiều năm thảo luận, những giải pháp vẫn chưa được đưa vào thực tế.
Tuy nhiên, tiến trình bắt đầu được thúc đẩy vào năm 2021. Đạo luật Đầu tư Cơ sở hạ tầng và Việc làm (IIJA) được thông qua, phân bổ 110 tỷ USD cho đường bộ, cầu và các dự án giao thông khác.
Vào tháng 7/2024, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Mỹ Pete Buttigieg đã công bố khoản vốn 5 tỷ USD nhằm mục đích sửa chữa hoặc thay thế 13 cây cầu quan trọng trên 16 tiểu bang.
Ông thừa nhận: "Trong thời gian dài, nước Mỹ đã để những cây cầu rơi vào tình trạng hư hỏng. Điều đó khiến mọi người đi lại kém an toàn hơn, làm gián đoạn chuỗi cung ứng và khiến mọi người mất thêm thời gian và tiền bạc".
Tuy nhiên, khí hậu ấm lên tiếp tục làm trầm trọng thêm các vấn đề về cấu trúc. Ngoài áp lực vật lý gây ra cho cầu do biến động nhiệt độ, lượng mưa tăng cao còn gây ra một mối đe dọa nghiêm trọng khác. Mưa lớn và lũ lụt có khả năng cuốn trôi toàn bộ cây cầu. Hơn nữa, lượng mưa lớn làm tăng tốc độ xói mòn xung quanh móng cầu, làm giảm độ ổn định của cầu.
Các mối nối cầu bị phồng lên do nhiệt độ cũng là một vấn đề đáng lo ngại. Cầu thép được thiết kế uốn cong nhẹ để phân bổ đều trọng lượng. Nhưng khi kim loại giãn nở do nhiệt, các mối nối này trở nên cứng, dẫn đến nguy cơ vượt quá khả năng chịu lực được thiết kế.
Một phần của vấn đề bắt nguồn từ sự suy giảm trong đầu tư công vào cơ sở hạ tầng. Dữ liệu của Cục Dự trữ Liên bang cho thấy chi tiêu công cho cơ sở hạ tầng ở Mỹ đã giảm 40% kể từ những năm 1960. Việc cắt giảm này chỉ làm tình trạng cầu của đất nước trở nên tệ hơn. Hiện tại, với áp lực gia tăng của biến đổi khí hậu, việc hành động ngay lập tức và quyết liệt là vô cùng cần thiết.
Trong khi các nhà khoa học và kỹ sư đang nỗ lực triển khai các thiết kế mới có khả năng chống chịu với khí hậu, hy vọng những công trình cũ có thể được bảo vệ trước khi xảy ra thêm nhiều vụ sụp đổ thảm khốc.
Theo Thiên Di (Nhịp Sống Thị Trường)