Là ngày lễ quan trọng nhất trong năm của người Trung Quốc, Tết Âm lịch có vô vàn tập tục, mỗi địa phương tại mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau đều có những tập tục đặc trưng của riêng mình. Chúc Tết là một trong số những tập tục đó, và trải qua lịch sử hàng nghìn năm, việc chúc Tết đã thay đổi như thế nào qua thời gian?
Phương thức chúc Tết xưa và nay
Thời cổ đại ở Trung Quốc, chúc Tết trong nhà bao gồm: chúc Tết các vị thần linh và chúc Tết các vị tổ tiên. Sáng mùng 1 sau khi ngủ dậy, trước hết người ta phải bày mâm cỗ cúng, rồi quỳ lạy 3 lần trước bàn thờ thần linh và tổ tiên, sau đó mới đi lễ bái những trưởng bối trong nhà.
Sau khi đã lạy trưởng bối và tổ tiên, mọi người sẽ đi thăm hỏi hàng xóm láng giềng, cùng nhau ôn lại chuyện cũ. Hàng xóm đến chúc Tết, thông thường gia chủ sẽ không đãi tiệc, nhưng nếu bạn thân đến chơi, gia chủ phải thiết đãi tiệc, hơn nữa tiệc rượu thịt luôn vô cùng thịnh soạn.
Ngoài ra thời Tống, Minh tại Trung Quốc, việc sử dụng danh thiếp rất thịnh hành, nhất là khi cần thiết lập một mối quan hệ xã giao mới.
Thế kỷ 19, phương thức chúc Tết được ưa chuộng nhất ở Trung Quốc là tặng thiệp chúc mừng, những người theo trào lưu này đa số là học sinh. Theo sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, hiện nay, thiệp mừng năm mới đã dần biến mất, thay vào đó là những cuộc điện thoại, những tin nhắn chúc mừng năm mới, tiền mừng tuổi cũng được gửi qua các loại ví điện tử, không cần tới ngân hàng rút tiền, rất đơn giản và mau lẹ.
Sự đa dạng trong văn hóa chúc Tết tại Trung Quốc
Khu vực đông bắc Trung Quốc
Ngày mùng 1, sau khi ăn sáng xong xuôi, trừ những người cao tuổi ở nhà chờ con cháu đến bái lạy, mọi người đều mặc quần áo mới, đi chúc Tết hàng xóm và họ hàng thân thích. Đặc biệt ở chỗ, nam nữ trẻ tuổi sẽ tách nhau ra đi thành 2 đoàn theo 2 hướng khác nhau, qua mỗi nhà để lại vài lời cát tường rồi đi ngay, không nán lại đó. Người lớn tuổi thì phải ở nhà chờ con cháu đến chúc Tết, phát mừng tuổi xong rồi mới có thể đi thăm viếng hàng xóm được.
Khu vực Hoa bắc Trung Quốc
Người Bắc Kinh trước đây phải chờ người trong nhà chúc Tết lẫn nhau xong mới đến chúc Tết họ hàng thân thích, bạn bè, đồng nghiệp, đồng hương... nhưng chỉ có đàn ông mới được đi, còn phụ nữ phải đợi đến hết ngày mùng 5 tháng Giêng mới được ra ngoài chúc Tết.
Khu vực Hoa đông Trung Quốc
Khu tây bắc tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc), tập tục chúc Tết bao gồm 5 quỳ: quỳ lạy tổ tiên, quỳ lạy ông bà cha mẹ, quỳ lạy hương thân, quỳ lạy chủ gia đình, quỳ lạy bạn bè.
Ở Tiêu Sơn, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc), người ta còn đến phần mộ tổ tiên để chúc Tết, gọi là Bái phần niên.
Ở huyện Tượng Sơn, thành phố Ninh Ba (tỉnh Chiết Giang), con dâu mới về nhà chồng đi chúc Tết có rất nhiều phép tắc cần phải chú ý, ví dụ như không thể thiếu quà tặng là 2 thức quả vải và nhãn, lệ này gọi là Khăn trùm đầu.
Tại Thượng Hải, khách đến nhà chúc Tết, sau khi chúc tụng nhau những lời tốt đẹp, chủ nhà phải lấy trà bánh ra chiêu đãi, và cùng nhau thưởng thức trứng luộc đường đỏ.
Khu vực Hoa trung Trung Quốc
Ở Khai Phong, tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) có tập tục xông đất, người đến chúc Tết đầu tiên phải là người có gia đình thịnh vượng, cha mẹ khỏe mạnh, anh em hòa thuận; còn ở Hiếu Cảm, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc), sau khi đã bái lạy trời đất, tổ tiên và ông bà cha mẹ trong nhà, mọi người sẽ bắt đầu đi chúc Tết. Chúc Tết ở Hồ Bắc là kiểu "chúc Tết không phân biệt xa gần lớn nhỏ", tức là hễ gặp ai sẽ chúc năm mới người đó không phân biệt bối phận, tuổi tác, quan hệ thân sơ; khách đến nhà chơi phải có lời giữ khách lại 3 lần, mời khách ăn bánh dày.
Ở Hoàng Pha, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc), sau khi bái lạy trời đất và ông bà cha mẹ, người dân sẽ đốt pháo và đi lễ chùa, rồi mới theo thứ tự chúc Tết: mùng 1 Tết nhà mình, mùng 2 Tết nhà ngoại, mùng 3 Tết nhà vợ. Những người trong nhà đang có tang phải mặc áo tang trắng, thắt lưng đen, tiếp khách đến thăm viếng, và đến nhà họ hàng dập đầu cảm tạ, tục này gọi là Quản tân linh.
Khu vực Hoa nam Trung Quốc
Ở tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), chủ nhà sẽ đem ra một khay đồ ăn 8 ngăn, ngăn giữa đựng hạt dưa đỏ, xung quanh là hạt sen, mã thầy, mứt dừa, củ sen... và nói "bẻ gãy vàng" để mời khách ăn, nếu muốn mời lần nữa thì phải nói "bẻ gãy bạc". Nếu người đến chúc Tết là trẻ nhỏ hoặc người chưa kết hôn, chủ nhà phải đưa tiền mừng tuổi.
Trong trường hợp người đến chúc Tết là phụ nữ thì phải chuẩn bị quà cho chủ nhà gồm hạt dưa, quả quất và tiền mừng tuổi, chủ nhà cũng tặng lại họ lễ vật tương tự. Nếu là phụ nữ mới gả chồng đến chúc Tết thì chủ nhà phải tặng họ hai cây mía, hai cây rau diếp, một ít rau hẹ, hai củ từ, thể hiện kỳ vọng trong tương lai đối với vợ chồng trẻ.
Khu vực tây bắc Trung Quốc
Tại huyện Phú Bình, tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc), các dòng họ sáng mùng 1 đều tập trung con cháu lại làm lễ cúng đầu năm, sau đó góp tiền tổ chức tiệc, gọi là Lễ tọa. Mùng 2, họ hàng thân thích mới chúc Tết qua lại và tặng kèm quà năm mới là mì gạo và thịt lợn.
Còn tại huyện Thạch Tuyền, tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc), người ta lấy giấy được nhuộm màu vàng làm tiền, kết hoa làm cửa, dân gian gọi là Tiền giấu của. Cũng ở Thiểm Tây, huyện Lâm Đồng trong năm ngày đầu năm mới lại có Lễ tiễn nghèo, các gia đình cắt hình nhân giấy, mang ra ngoài cửa vứt đi, những ngày này họ đều phải ăn thật no để "bù cho những ngày đói".
Khu vực tây nam Trung Quốc
Ở Quý Dương, tỉnh Quý Châu (Trung Quốc), ngày mùng 1 là ngày chúc Tết những người trong gia đình, nếu có người đến gõ cửa, người Quý Dương sẽ cẩn thận xem xét xung quanh, nếu không phải người nhà hoặc người thân quen thì sẽ không mở cửa, mà từ trong nhà nói vọng ra: "Chúc Tết phải không? Không dám nhận, không dám nhận, hôm sau mời đến lần nữa uống chén trà nhé!"
Trẻ con ngoài việc nhận tiền mừng tuổi, khi về nhà còn mang theo một cây củi (trong tiếng Trung, chữ "củi" đồng âm với chữ "tài"), ý chỉ mang tài lộc về nhà.
Theo NGUYỆT AN TT (Trí Thức Trẻ)