Từ ngày 23/3 đến nay, tuyến hàng hải đông đúc bậc nhất thế giới này rơi vào cảnh tắc nghẽn nghiêm trọng sau khi tàu container siêu trọng siêu trường Ever Given bị mắc cạn và xoay ngang trên Kênh đào Suez, khiến hàng trăm tàu chở hàng không thể đi qua.
Số liệu trên được tính toán dựa trên phân tích của tờ báo Lloyd's List, trong đó ước tính lưu lượng hàng hóa qua Kênh đào Suez từ phía Tây mỗi ngày trị giá khoảng 5,1 tỷ USD, còn lượng hàng hóa từ phía Đông trị giá khoảng 4,5 tỷ USD. Ước tính hiện tại có khoảng 165-185 tàu đang chờ để đi qua Kênh đào Suez.
CNBC dẫn lời ông Jon Gold, Phó Giám đốc phụ trách chuỗi cung ứng và chính sách hải quan tại Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Mỹ (NRF) cho biết việc kênh đào Suez bị chặn ngang khiến cho chuỗi cung ứng vốn dĩ đã căng thẳng lại càng thêm khó khăn.
"Mỗi ngày tàu Ever Given đứng chắn kênh Suez đều khiến cho dòng chảy hàng hóa bị trì trệ", ông Jon Gold nói, đồng thời cho biết thêm rằng các thành viên của NRF đang tích cực làm việc với các hãng vận tải để nắm bắt tình hình và tìm chiến lược khắc phục tích cực nhất.
Con số thiệt hại được dự báo sẽ còn tăng cao khi hoạt động khắc phục sự cố vẫn chưa có nhiều tiến triển. Giới chức Ai Cập cho biết, do kích cỡ của tàu quá lớn và gió mạnh, quá trình giải cứu sẽ phải mất ít nhất vài ngày.
Theo các chuyên gia, ngay cả khi con tàu được giải cứu thành công, sẽ phải mất thêm nhiều thời gian nữa để khôi phục hoạt động vận chuyển trở lại mức như trước khi xảy ra sự cố.
Khoảng 100 tàu chở dầu thô và các sản phẩm hóa dầu đang bị kẹt tại kênh đào này tính đến ngày 28/3. Giá dầu thô tăng vọt hôm 24/3 sau khi có tin tàu chắn ngang kênh đào, trước khi giảm vào hôm sau.
Ngoài hàng hóa, khoảng 130.000 con gia súc trên 11 tàu vận chuyển từ Romania cũng đang mắc kẹt ở kênh đào Suez.
Những công ty vận tải biển lớn như Maersk của Đan Mạch đã chuyển hướng cho tàu đi vòng qua Mũi Hảo Vọng của Nam Phi dù chi phí cao hơn và tuyến đường dài hơn, khiến chúng mất thêm ít nhất 7 ngày hành trình.
Đức Minh (nguoiduatin.vn)