Khi lần đầu được phát hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc, các bác sĩ mô tả nó giống với Hội chứng Viêm đường Hô hấp cấp tính (SARS), vốn làm 8.000 người nhiễm bệnh vào năm 2003. Rất dễ lây lan với một số người nhiễm bệnh ít hoặc không có triệu chứng, Covid-19 đã nhanh chóng làm lu mờ tất cả các dịch bệnh khác trong thời đại của chúng ta về quy mô và mức độ lây nhiễm. Hiện tại, chưa tới 20 quốc gia trên toàn thế giới chưa bị chủng virus lạ này tàn phá.
Tuy nhiên, virus khiến nhiều người nhiễm không có biểu hiện bệnh cũng như nhiều quốc gia không muốn tiến hành xét nghiệm Covid-19 trên quy mô đại trà. Nhiều người cho rằng số ca nhiễm bệnh thực tế có thể cao hơn con số 1 triệu người mà các quốc gia đã công bố.
Tổng hợp số liệu từ các nguồn, từ dữ liệu của các Chính phủ tới Tổ chức Y tế Thế giới cũng như truyền thông các địa phương, Đại học Johns Hopkins cho biết Mỹ hiện đang là nước có số ca nhiễm Covid-19 cao nhất thế giới với 234.000 người mắc bệnh. Tiếp theo là Italy với 115.000 ca. Tuy nhiên, quốc gia châu Âu này có số người chết vì Covid-19 cao nhất thế giới với 14.000 trường hợp. Đứng sau Italy trong bảng xếp hạng kỷ lục buồn này là Tây Ban Nha.
Đại dịch Covid-19 bùng lên khiến việc đi lại bị gián đoạn trên khắp thế giới. Hàng tỷ người đang bị ảnh hưởng bởi các biện pháp cách ly mà chính phủ các nước đưa ra để hạn chế lây lan. Cuộc khủng hoảng y tế cũng nhanh chóng trở thành vấn đề lớn với kinh tế: Kinh tế toàn cầu dự kiếm giảm 2% trong nửa đầu năm 2020. Các hoạt động kinh doanh ở nhiều nơi đã dừng lại trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ có thể đạt 30% trong quý 2.
Cùng nhìn lại cách Covid-19 reo rắc nỗi ám ảnh khắp toàn cầu:
Dịch bệnh xuất hiện
Theo một bài báo xuất bản trên Tạp chí Y khoa The Lancet, virus xuất hiện lần đầu vào ngày 1/12 tại Vũ Hán. Ngày 16/12, các bác sĩ ở Bệnh viện Trung ương Vũ Hán tiến hành xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của một bệnh nhân khác. Kết quả cho thấy đây là chủng virus giống SARS. Cuối tháng 12, trên mạng xã hội Trung Quốc xuất hiện thông tin về loại virus này từ những thông tin nội bộ của các bác sĩ. Tuy nhiên, những "người thổi còi" này đã bị cảnh sát địa phương xử phạt vì lan truyền tin giả.
Cuối tháng 12, virus này lần đầu tiên xuất hiện trên truyền thông nhà nước Trung Quốc, nơi tin tức thường được kiểm duyệt nghiêm ngặt. Cùng với đó, người ta thông báo hàng chục trường hợp nhiễm căn bệnh phổi lạ có nguồn gốc ở Vũ Hán. Họ cũng chẳng cung cấp thông tin gì thêm bởi lúc đó, người ta biết quá ít về chủng virus này.
Đây được xem là dấu mốc đầu tiên, đánh dấu sự hiện diện của virus lạ với công chúng Trung Quốc và thế giới. Đến ngày 3/1, Singapore cũng như đặc khu hành chính Hồng Kông và Đài Loan, Trung Quốc - những thành phố châu Á từng bị tàn phá nặng nề bởi SARS, tiến hành sàng lọc những người sốt trên các chuyến bay đến từ Vũ Hán, một trung tâm vận tải và sản xuất chính ở miền trung Trung Quốc.
Virus bùng lên ngoài Vũ Hán
Ngày 11/1, một nhóm các nhà khoa học ở THượng Hải đã giải mã thành công trình tự gen của virus và công bố nó trên virological.org, một diễn đàn thảo luận trực tuyến cho các nhà dịch tễ học. Điều này giúp các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới có thể xác định virus ở các bệnh nhân cũng như những người nhiễm bệnh ngoài Vũ Hán nhanh chóng được tìm ra.
Thái Lan là nước đầu tiên xác nhận ca nhiễm Covid-19, khi đó còn được gọi với cái tên là Cúm Vũ Hán, bên ngoài Trung Quốc. 3 ngày sau, một trường hợp nhiễm bệnh được phát hiện ở Nhật Bản. Những ca nhiễm cũng nhanh chóng được phát hiện ở Bắc Kinh cũng như tỉnh miền nam Quảng Đông vào ngày 20/1, cùng ngày chuyên gia bệnh truyền nhiễm nổi tiếng Zhong Nanshan của Trung Quốc xác nhận rằng virus lây giữa người với người trên truyền hình quốc gia.
Kể từ thời điểm này, dịch bệnh lây lan nhanh chóng. Cùng với đó là những câu hỏi được đặt ra về cách thức dập dịch của Chính quyền. Sau đó, lệnh phong tỏa cứng rắn được Trung Quốc ban hành vào thời điểm dịch bệnh bùng lên trùng với dịp người Trung Quốc thực hiện hàng tỷ chuyến đi trong dịp Tết Nguyên đán.
Ngày 23/1 (29 Tết), Trung Quốc ra lệnh phong tỏa Vũ Hán, thành phố 11 triệu dân. Giao thông bị tạm dừng, người ra vào thành phố bị hạn chế. Những thành phố xung quanh cũng nhanh chóng bị phong tỏa. Cuối cùng, cả tỉnh Hồ Bắc, với dân số 60 triệu dân, cũng chính thức bị đóng cửa để ngăn dịch bệnh lây lan.
Châu Á chao đảo
Tổ chức Y tế Thế giới, sau nhiều lần trì hoãn, cuối cùng cũng gọi dịch bệnh là tình trạng khẩn cấp toàn cầu vào ngày 30/1. Điều này cho phép WHO phối hợp với các quốc gia khác trong việc ngăn chặn virus lây lan cũng như khuyến nghị các hành động cứng rắn, bao gồm việc hạn chế đi lại.
Philippines trở thành nước đầu tiên ghi nhận trường hợp tử vong vì virus corona chủng mới bên ngoài Trung Quốc. Đó là một người đàn ông 44 tuổi tới từ vùng dịch. Sau đó, một làn sóng lây nhiễm bắt đầu càn quét châu Á. Hồng Kông tiến hành các biện pháp đóng cửa trường học và văn phòng để ngăn dịch bệnh lây lan.
Tại Nhật Bản, 3.600 hành khách bị mắc kẹt trên siêu tàu du lịch Diamond Princess sau khi người ta phát hiện một số trường hợp nhiễm bệnh. Con tàu, không được phép cập cảng vì lo sợ virus lây lan, quyết định khiến tới 600 người trên tàu bị lây nhiễm chéo. Ít nhất 6 người chết trong ổ dịch Covid-19 lớn nhất thế giới bên ngoài Trung Quốc ở thời điểm đó.
Diamond Princess là một điềm báo. Nhiều siêu tàu du lịch khác cùng phát hiện những ca nhiễm Covid-19, gây thiệt hại nặng nề với ngành công nghiệp này. Trong khi đó, hàng chục nghìn người mắc kẹt giữa biển khi các nước từ chối cho các du thuyền này cập cảng vì lo ngại nguy cơ dịch bệnh lây lan.
Những gì xảy ra ở Nhật Bản chưa phải điều tồi tệ nhất. Dịch bệnh nhanh chóng bùng lên ở Hàn Quốc, biến nước này trở thành ổ dịch lớn thứ 2 châu Á. Từ một bệnh nhân tham gia một giáo phái bí mật, người từ chối xét nghiệm Covid-19, dịch bệnh nhanh chóng bùng lên và vượt tầm kiểm soát. Phải mất vài tuần, Hàn Quốc mới có thể ổn định lại tình hình.
Tại Trung Quốc, dịch bệnh trở nên tồi tệ với hàng chục người nhiễm. Ngày 13/2 được coi là ngày đỉnh điểm khi nhà chức trách phát hiện gần 15.000 ca nhiễm. Tuy nhiên, Trung Quốc giải thích rằng họ thay đổi cách tính để giúp việc chống dịch diễn ra hiệu quả hơn.
Trong khi đó, hệ thống y tế ở Hồ Bắc hoàn toàn sụp đổ. Các bệnh viện phải vật lộn với tình trạng thiếu vật tư và thiết bị y tế. Các nhân viên y tế bị lây nhiễm từ bệnh nhân. Những cảnh tượng khủng khiếp ở Trung Quốc được lặp lại ở Italy, Tây Ban Nha và Mỹ những tuần sau đó. Bác sĩ Lý Văn Lượng, một trong những người đầu tiên cảnh báo về virus và bị phạt, tử vong vì nhiễm bệnh.
Cái chết của bác sĩ Lý thổi bùng sự phản đối của người dân với Chính phủ. Làn sóng phẫn nộ công khai bùng lên trên mạng xã hội Trung Quốc. Sự việc nghiêm trọng tới mức Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trung Quốc phải cử người xuống điều tra cái chết của bác sĩ Lý.
Châu Âu thất thủ
Pháp ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên về Covid-19 vào ngày 14 tháng 2, một dấu hiệu cho thấy sự thay đổi lớn trong tình hình dịch bệnh toàn cầu. Châu Âu nhanh chóng ghi nhận thêm những ca nhiễm mới mỗi ngày. Thậm chí, số người mắc ở châu Âu còn vượt cả Trung Quốc ở thời kỳ cao điểm. Cùng với đó, đại dịch cũng bùng lên ở Iran, nơi virus được ghi nhận lần đầu vào ngày 19/2, mở ra cuộc chiến của những nước nghèo hơn với dịch bệnh.
Tuy nhiên, Italy lại trở thành tâm dịch của châu Âu khi virus bùng lên ở khu vực miền Bắc giàu có hồi giữa tháng 2. Ngày 22/2, Italy ban hành lệnh phong tỏa khu vực trước khi phong tỏa toàn bộ đất nước vào ngày 9/3. Số người chết ở Italy nhanh chóng vượt qua Trung Quốc bởi dân số già nhất châu Âu là tử huyệt của Italy trong đại dịch.
Ở nước láng giềng Tây Ban Nha, dịch bệnh cũng bùng lên nhanh chóng. Số người chết ở nước này cũng nhanh chóng vượt Trung Quốc để xếp thứ 2 chỉ sau Italy. Tình trạng khẩn cấp quốc gia được tuyên bố ngày 14/3.
Nhiều nước châu Âu bị cuốn vào vòng xoáy do virus tạo ra. Nhiều nhà lãnh đạo, bao gồm cả Thủ tướng Anh Boris Johnson, dương tính với virus. Thái tử Charles cũng dương tính. Thủ tướng Đức Angela Merkel chính thức tự cách ly vào ngày 22/3 khi tiếp xúc với một bác sĩ dương tính. Cựu Bộ trưởng Pháp Patrick Devedjian thì tử vong vì nhiễm bệnh.
Pháp và Đức đã bơm hàng tỷ USD để giữ ổn định nền kinh tế cũng như giúp các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động. Bộ trưởng Tài chính các nước châu Âu thì thảo luận về việc sử dụng khoản ngân sách trị giá 410 tỷ Euro (448 USD), vốn chỉ được dùng trong chiến tranh, cho công tác chống dịch.
Nước Mỹ gục ngã
Mỹ thông báo ca tử vong đầu tiên vì Covid-19 vào ngày 20/2 nhưng số ca nhiễm bệnh thấp vì không tổ chức xét nghiệm trên quy mô lớn. Vào giữa tháng 3, ngôi sao Hollywood Tom Hanks nói mình dương tính với virus corona. Cùng ngày, Hiệp hội bóng rổ nhà nghề Mỹ tuyên bố hủy bỏ phần còn lại của mùa giải. Tổ chức Y tế Thế giới cuối cùng cũng tuyên bố Covid-19 là đại dịch.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia vào ngày 13/3 sau khi nhiều lần đánh giá thấp nguy cơ dịch bệnh. Khi xét nghiệm trên diện rộng được tiến hành, số ca nhiễm Covid-19 ở Mỹ tăng vọt. New York nổi lên như điểm nóng tiếp theo về dịch bệnh.
Mỹ nhanh chóng vượt qua Trung Quốc để trở thành ổ dịch Covid-19 lớn nhất thế giới. Giống như những gì từng xảy ra ở Hồ Bắc, các bệnh viện ở New York nhanh chóng lâm vào tình trạng quá tải và thiếu thốn nghiêm trọng các trang thiết bị y tế thiết yếu như máy thở. Các bác sĩ và y tá cũng lên tiếng khi những thiết bị bảo hộ cá nhân như khẩu trang, găng tay, áo bảo hộ, thiếu thốn nghiêm trọng.
Trước những tác động của dịch bệnh, Mỹ đã thông qua gói kích thích kinh tế trị giá 2.000 tỷ USD, trong đó cung cấp các khoản vay lên tới 500 tỷ USD cho các doanh nghiệp và hàng loạt những khoản hỗ trợ khác. Người Mỹ có thu nhập thấp và trung bình được Chính phủ phát tiền trong khi các bệnh viện sẽ nhận 117 tỷ USD để chống dịch.
Tuy nhiên, làn sóng thất nghiệp nhanh chóng bùng lên ở Mỹ khi các thành phố bắt đầu yêu cầu làm việc tại nhà và thúc giục cách ly xã hội. Hôm 2/4, Bộ Lao động Mỹ nói rằng có 6,65 triệu người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp vào tuần trước, nhiều gấp đôi so với kỷ lục 3,31 triệu người được báo cáo hồi tuần trước.
Ám ảnh dịch bệnh tái bùng phát
Khi châu Âu và Mỹ đang vật lộn nhằm ngăn chặn virus lây lan, các thành phố châu Á vốn đã khống chế được dịch bệnh sau lần bùng phát đầu tiên lại đau đầu khi những ca nhiễm mới xuất hiện từ những người trở về từ phương Tây.
Trung Quốc không ghi nhận ca lây nhiễm mới từ ngày 19/3 nhưng số ca nhiễm bệnh từ bên ngoài về Trung Quốc tăng mạnh. Hồng Kông, Singapore cũng ghi nhận số ca tăng mạnh nhất trong ngày 20/3 từ những nguồn lây nhiễm bên ngoài. Các biện pháp thắt chặt kiểm soát, kiểm dịch bắt buộc được tiến hành để ngăn virus lây lan.
Trong khi đó, Ấn Độ tuyên bố đóng cửa 21 ngày trên quy mô toàn quốc để chống dịch. Người ta lo sợ động thái của Ấn Độ có thể thổi bùng một cuộc thảm họa nhân đạo với quốc gia có dân số 1,3 tỷ người này.
Hiện tại, các chuyên gia dịch tễ nói rằng ngay cả những nước đã kiểm soát được đợt bùng phát dịch đầu tiên vẫn có khả năng tái nhiễm, giống như đại dịch cúm năm 1918. Người ta cũng lo sợ, thế giới sẽ không ngăn chặn hoàn toàn được đại dịch trong vài tháng tới. Cuộc chiến này có lẽ sẽ không sớm kết thúc như người ta vẫn nghĩ.