Lithuania sẵn sàng điều quân tới Ukraine
Trong cuộc phỏng vấn đăng trên tờ Financial Times ngày 8/5, Thủ tướng Lithuania Ingrida Simonyte tuyên bố, Lithuania sẵn sàng đưa binh sĩ tới Ukraine tham gia sứ mệnh huấn luyện, bất chấp mối đe dọa hạt nhân từ Nga.
Tuyên bố của bà Simonyte được đưa ra sau khi Bộ Quốc phòng Nga thông báo rằng, các lực lượng quân đội Nga đang chuẩn bị tiến hành cuộc tập trận hạt nhân chiến thuật nhằm đáp trả "các mối đe dọa và khiêu khích" từ phương Tây.
"Nếu chúng ta chỉ nghĩ tới phản ứng của Nga, thì chúng ta không thể gửi bất cứ thứ gì tới (Ukraine). Cứ hai tuần một lần, các vị sẽ lại nghe tin phía nào đó sắp bị tấn công bằng vũ khí hạt nhân" – Bà Simonyte cho hay.
Theo trang tin Topwar (Nga), với tuyên bố này, Lithuania (thành viên của cả EU và NATO) có thể trở thành quốc gia đầu tiên mà chính quyền công khai tuyên bố và cho phép điều quân tới Ukraine.
Trước đó, chính quyền Vilnius đã đưa ra đề xuất và cho biết, họ chỉ chờ đề nghị từ Kiev.
Tuyên bố của Thủ tướng Simonyte là động thái mới nhất làm leo thang căng thẳng giữa Nga và phương Tây trong bối cảnh Tổng thống Pháp Emmanuel Macron liên tục đưa ra ý tưởng và kêu gọi các nước đồng minh đưa quân tới Ukraine nếu Nga đột phá chiến tuyến của Kiev.
Hãng tin RTVI ngày 7/5 cho biết, Lithuania có thể sẽ cùng 2 nước Baltic (Estonia, Latvia) và Ba Lan thành lập một "liên minh đặc biệt" đưa quân tới Ukraine theo ý tưởng của Pháp.
Một ngày trước đó (6/5), Moscow đã triệu tập Đại sứ Pháp để phản đối các chính sách "khiêu khích" của Paris. Người phát ngôn Điện Kremlin lưu ý rằng, ý định đưa lực lượng vũ trang tới Ukraine trên thực tế là "đưa binh sĩ NATO ra đối đầu quân đội Nga".
"Đây là một vòng leo thang căng thẳng hoàn toàn mới, là điều chưa từng có và cần có các biện pháp đặc biệt" – ông Peskov nhấn mạnh.
20.000 quân Lithuania có thể tới Ukraine,Nga cảnh cáo nóng
Theo kênh truyền hình Tsargrad TV (Nga), 20.000 binh sĩ Lithuania có thể được đưa tới Ukraine. Số binh sĩ này đến với danh nghĩa huấn luyện để tránh những tranh cãi về việc trực tiếp tham gia xung đột Nga-Ukraine.
Hãng thông tấn RIA Novosti ngày 8/5 dẫn lời ông Andrei Kartapolov – người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia Nga khẳng định, việc Lithuania điều quân tới Ukraine không thể ảnh hưởng tới các bước tiến của Nga "dưới bất kỳ hình thức nào" và không thể làm phức tạp thêm nhiệm vụ của lực lượng Nga ở khu vực tác chiến đặc biệt.
Ông Kartapolov nhấn mạnh, quyết định điều quân tới Ukraine chỉ mang lại vấn đề cho chính Lithuania. Số phận của các huấn luyện viên nước ngoài "sẽ phụ thuộc vào lương tâm của các chính trị gia và các nhà lãnh đạo liên quan".
Trả lời tờ Izvesita (Nga), chuyên gia quân sự - Đại tá về hưu Viktor Litovkin cảnh báo, các binh sĩ Lithuania tới Ukraine sẽ trở thành mục tiêu của quân đội Nga, và Moscow không cần dùng tới vũ khí hạt nhân để đối phó.
"Lithuania là một nước cộng hòa nhỏ bé, vì vậy bất cứ vụ nổ hạt nhân nào trên lãnh thổ của họ cũng có thể mang theo bụi phóng xạ đến Kaliningrad, Belarus và cả Nga. Do vậy, chúng tôi sẽ không làm điều đó.
Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tấn công các vị trí hậu cứ ở Ukraine, vào tất cả các mục tiêu phục vụ cho lực lượng vũ trang của Kiev. Vì vậy, họ (quân Lithuania) không thể ẩn nấp ở đâu đó tại bãi tập, hay tại khu huấn luyện" – Ông Litovkin nêu quan điểm.
NATO hành động khẩn ngăn đồng minh liều lĩnh
Trước việc một số quốc gia thành viên đang có ý định đưa quân tới Ukraine làm theo thang tình hình, nhật báo Corriere (Italia) dẫn một dự thảo tài liệu của NATO cho biết, liên minh này đang lên kế hoạch thông qua nghị quyết "không triển khai quân trên thực địa" ở Ukraine.
"Không triển khai quân trên thực địa" sẽ là cụm từ chính có trong bản dự thảo tài liệu dự kiến được đưa ra thảo luận và phê duyệt tại Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra tại Washington từ ngày 9 đến 11/7.
Theo Corriere, điều này ngầm ám chỉ tới Kiev rằng: NATO sẽ không gửi quân đến mặt trận Ukraine. Chiến lược này do Mỹ đặt ra và sẽ không thay đổi.
Thay vào đó, để hỗ trợ Ukraine, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đang kêu gọi lãnh đạo của các quốc gia sở hữu hệ thống phòng không Patriot cung cấp tên lửa cho Kiev.
Theo tính toán của Ukraine, nước này cần có 25 tổ hợp Patriot để bảo vệ toàn bộ lãnh thổ, 7 tổ hợp để phòng thủ trung tâm đô thị. Tuy nhiên, trong cuốn sổ ghi chép của ông Austin, mới chỉ có 2 tổ hợp Patriot được đánh dấu, do Đức và Tây Ban Nha cung cấp.
Theo chuyên gia phân tích Michael O'Hanlon tại Viện Brookings ở Washington, ước tính "bước tiến của Nga có thể tăng từ 10 đến 20% so với tốc độ hiện tại". Điều này đặt ra bài toán mới cho Mỹ và các đồng minh nhằm đẩy nhanh tốc độ viện trợ Ukraine.
Đáng lưu ý, cũng tại Hội nghị thượng đỉnh tháng 7, "nhóm Ramstein" - gồm 50 quốc gia do Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin chủ trì nhằm hỗ trợ quân đội của Tổng thống Volodymyr Zelensky - sẽ quyết định chuyển nhiệm vụ này về trụ sở chính của NATO tại Brussels.
Ngoài lý do chính trị, động thái này xuất phát từ thực tế: 99% phương tiện vũ khí chuyển giao cho Kiev đến từ 32 đối tác của Liên minh Bắc Đại Tây Dương.
Theo Nhật Minh (Nguoiduatin.vn)