Tôi và em cưới được 5 năm, không có con cái. Một năm sau cưới, tôi ra nước ngoài làm việc để kiếm thêm thu nhập và vợ đồng ý. Thời gian đầu chật vật tìm việc làm, tôi chỉ gửi được cho vợ 6 triệu mỗi tháng. Em có nhà riêng nhưng 6 triệu chẳng là bao vì em quen tiêu xài nhiều. Tôi may mắn được vợ chồng người bạn cưu mang, cho ở chung nhà không lấy tiền. Nhưng tôi cũng phải xoay sở với 300 đôla mỗi tháng cho chi phí ăn uống, đi lại, sinh hoạt ở đất nước mà mọi thứ đắt gấp 10 lần Việt Nam. Khoảng nửa năm, tôi nhận việc làm, cũng là lúc vợ báo đang nợ mẹ và chị vợ 30 triệu. Em vay trong thời gian tôi thất nghiệp. Giờ họ đòi mỗi ngày khiến em mệt mỏi nên em muốn vay tiền chợ đen với mức lãi 5 triệu một tháng để trả cho xong. Vì ngày nào em cũng than vãn nên tôi đành đồng ý.
Tôi định ở nhờ nhà bạn thêm vài tháng để ổn định thu nhập rồi dọn đi. Tôi vừa nhận được lương tháng đầu tiên, tính gửi cho vợ 20 triệu tiền ăn và đóng lãi, 20 triệu trả nợ vé máy bay, còn 1.000 đôla tôi để tiêu xài và dành dụm tiền cọc nhà. Ở đây thuê nhà phải có tiền cọc 3 tháng. Nhưng vợ bỗng ghen tuông và bắt tôi dọn ra ngoài nếu không sẽ chia tay. Tôi thuyết phục không được, buộc lòng phải dọn ra dorm (như ký túc xá) ở. Thay vì trả nợ cho người bạn, tôi tiêu tốn hơn 1.000 đôla mỗi tháng vào một căn phòng tập thể dơ bẩn, không có chỗ nấu ăn và không gian riêng.
Nhờ chăm chỉ, thu nhập của tôi dần tăng lên. Vợ rất vui và hứa sẽ làm tôi bất ngờ bằng cách trả hết nợ. Nghe vậy tôi cũng mừng, cố làm để gửi về khoảng 25 triệu mỗi tháng giúp em thực hiện lời hứa, chỉ giữ lại một ít đủ xài. Nhưng gần năm tôi mới biết vợ không dành dụm được đồng nào, chưa hề trả nợ mà chỉ đóng lãi. Em chờ lương tháng thứ 13 của tôi để trả nợ, còn tôi cũng trông chờ vào khoản dư này để đóng tiền cọc nhà. Tôi bay về Việt Nam, khuyên em đủ điều. Em hứa sẽ thay đổi. Tôi trở lại làm việc nhưng xiết chặt chi tiêu hơn. Mỗi tháng chỉ gửi em 20 triệu, còn lại tôi dành dụm. Cuối cùng cũng kiếm được phòng trọ giá rẻ phân nửa ở dorm và trả hết nợ nần.
Nhiều lần vợ than vãn xe hư, điện thoại hỏng. Tôi khuyên em nên chờ một thời gian để tôi dành tiền. Nhưng một hôm em gọi điện báo chị gái dẫn em đi mua xe và điện thoại mới, đã trả tiền trước, số nợ là 90 triệu. Tôi yêu cầu em tự trích ra 5 triệu mỗi tháng để trả chị, nhưng hơn năm nay em luôn có lý do xài tiền và chưa trả được đồng nào. Mới đây em cùng mẹ ruột đi Hàn Quốc chơi, lại than vãn không có tiền. Hóa ra lâu nay em không hề tiết kiệm dù không tụ tập bạn bè hay mua sắm. Rồi em nói đã mượn người bạn 10 triệu để đi chơi. Khi em về, tôi gửi 20 triệu và nhắc em trả tiền cho bạn. Cuối cùng 20 triệu biến mất và nợ vẫn còn.
5 năm nay tôi chỉ thấy toàn nợ và rất mệt mỏi. Dù làm lương cao nhưng chưa mua được gì cho bản thân. Quần áo sờn cũ, tóc tự cắt và tôi vừa thất nghiệp. Tôi rất thương vợ nhưng quá bế tắc với lối tiêu xài vô độ của em. Xin chuyên gia và độc giả cho tôi lời khuyên phải làm như thế nào. Tôi cảm ơn.
Sơn
Chuyên gia tham vấn tâm lý Phong Nguyên gợi ý:
Sơn thân,
Tôi tính nhanh, 5 năm là khoảng gần 2.000 ngày - một con số đáng kể trong đời người. Thật mừng khi bạn đã chia sẻ vấn đề của mình, đây là dấu mốc cho thấy bạn thực sự nhìn nhận những gì đang diễn ra là một vấn đề chứ không lảng tránh hay "tặc lưỡi" cho qua như trước đó.
Đầu tiên, tôi phải khẳng định và nhấn mạnh rằng: có một vấn đề rất nghiêm trọng trong mối quan hệ giữa hai người, hoàn toàn không liên quan đến tiền mà là cách các bạn bộc lộ tình cảm. Hãy để tôi giải thích: Vợ bạn có xu hướng nợ những người xung quanh rất nhiều tiền, thường số tiền này vượt quá khả năng chi trả của cô ấy, chuyện này xảy ra nhiều lần và hầu như không có một chút cải thiện nào. Việc này có thể bắt nguồn từ 2 điểm: (1) Vợ bạn không có khả năng giải tỏa căng thẳng một cách hợp lý dẫn đến suy giảm khả năng kiểm soát của bản thân. (2) Vợ bạn có thể dùng những khoản nợ như một cách để duy trì mối quan hệ thân thiết, hay nói cách khác là để người khác chú ý mình nhiều hơn.
Nếu nguyên nhân trên là chính xác, vợ bạn làm vậy khiến bạn luôn phải quan tâm đến cô ấy ở mức độ cao nhất: bạn sẽ luôn chú ý xem cô ấy làm gì, ở đâu, tiêu tiền vào việc gì, với ai, có xứng đáng không? Đồng thời bạn cũng không có tiền để chơi bời, nghiện ngập hay có mối quan hệ ngoài luồng. Chỉ qua một hành vi mà thỏa mãn được nhiều mục đích, vậy thì vợ bạn không có động cơ để thay đổi theo hướng tích cực. Thậm chí, mọi thứ sẽ có xu hướng tệ đi vì bạn đang xác lập một thỏa ước ngầm: sự quan tâm và chăm sóc giữa hai người được quy định bởi số tiền ràng buộc hai bên.
Trên quan điểm chuyên môn, tôi cho rằng dù nguyên nhân bắt đầu từ đâu cũng nên nhìn nhận những việc vợ bạn đã làm dưới góc độ của chứng rối loạn hành vi, cần được một chuyên gia tâm lý hỗ trợ cùng sự hợp tác từ vợ bạn. Như vậy, có 2 điều tối thiểu và tốt nhất mà bạn có thể thực hiện vào lúc này:
- Tìm mọi cách giữ tiền cho mình thay vì trả nợ cho vợ: Bạn trả nợ cho vợ là một hình thức khuyến khích cô ấy tiếp tục vay nợ trong tương lai. Bạn cần vượt qua mặc cảm tội lỗi rằng vợ đang khốn khổ và vất vả vì nợ; hay mình phải có nghĩa vụ và trách nhiệm của người chồng. Hãy nói chuyện với vợ một lần và thực hiện việc này một cách dứt khoát.
- Tìm một chuyên gia thật tốt, tham vấn chuyên sâu về cả 2 hướng: tương lai gia đình bạn và tương lai cải thiện của vợ. Gánh nặng hiện tại của bạn không thể giải quyết đơn giản dựa vào vài lời khuyên ngắn. Bạn cần làm nhiều hơn thế nếu muốn tiếp tục với vợ.
Hy vọng những gợi ý này có thể giúp bạn phần nào hình dung ra phương hướng giải quyết. Chúc bạn sớm tìm lại thăng bằng và bình yên.
Theo VnExpress.net