Bao lâu nay, mỗi lần anh em, bạn bè gặp gỡ tôi vẫn thường thấy một vài ông bạn than phiền chuyện bị vợ quản lý kinh tế. Có ông, vừa nhập tiệc đã vò đầu bứt tai xin bỏ qua khoản đóng góp vì “sáng hôm nay vợ chỉ cho 30 nghìn”. Rồi có ông, vừa lĩnh lương chiều hôm trước, hôm sau mạnh miệng rủ bạn đi làm cốc bia, đến lúc đứng lên trả tiền mới hốt hoảng nhận ra rằng, cái ví đã bị vợ móc ruột từ lúc nào.
Thứ nhất: Việc “móc túi” chồng bằng mọi cách rồi khư khư giữ tiền của chồng chỉ làm mất đi giá trị của những người vợ.
Thứ hai: Việc phân phát cho chồng mỗi ngày dăm ba chục hay một vài trăm ngàn là một trong những cách hạ uy tín, cản trở sự nghiệp của chồng. Đàn ông, dù có tiết kiệm đến mấy, họ cũng cần có bạn bè. Hơn nữa, muốn thăng hoa trong sự nghiệp thì cần phải có mối quan hệ. Và tất cả các mối quan hệ đều cần phải dùng đến tiền.
Sẽ không có người đàn ông nào có thể ngẩng cao đầu và mạnh miệng nếu trong ví mình chỉ có vài đồng bạc lẻ. Cũng sẽ không có người đàn ông nào có được những người bạn tốt nếu cuộc gặp nào cũng phải vò đầu bứt tai vì trong túi không có tiền.
Còn quan niệm, nắm kinh tế để các ông không “mèo mả gà đồng”, nắm kinh tế để các ông tự thấy trách nhiệm với gia đình, vợ con thì các bà đã nhầm. Một khi bản tính lăng nhăng đã ăn sâu vào trong máu thì dù trong túi 0 đồng, các ông vẫn vơ quàng vơ xiên được ít nhất vài cô. Nhiều cô bây giờ, chẳng cần tiền, họ vẫn sẵn sàng ngả vào lòng các anh, thậm chí còn cho các anh thêm tiền để chi tiêu cho rủng rỉnh, đỡ phải về nhà ngửa tay xin tiền từ tay các cô vợ già.
Ảnh minh họa |
Tôi có anh bạn, lương mỗi tháng được hơn 20 triệu. Công ty trả về tài khoản ATM. Thế nhưng, thẻ ATM chị vợ cầm. Anh ta không bao giờ được biết cái cảm giác cầm 20 triệu tiền lương để chi tiêu nó ra sao. Vì thế, mỗi lần ngồi với bạn bè, nghe bạn bè thông báo, nay lĩnh lương, nay lĩnh thưởng, được từng này, được từng kia anh ta đều cúi gằm mặt hoặc cười một cách chua chát. Sau đó, anh ta dần tránh mặt những buổi gặp gỡ bạn bè.
Một năm sau, anh ta gọi cả nhóm bạn thân ngày nào đi nhậu và tuyên bố đã ly hôn. Cả nhóm sửng sốt, nhưng anh ấy chỉ cười: “Cái cảm được tiêu tiền do mình làm ra, được tự do và không phải lo mỗi ngày trở về nhà, vợ rình rình móc ví rồi tra hỏi tiền tiền khiến mình như được hồi sinh”.
Rồi một anh bạn khác, đi làm công ty tư nhân, lương mỗi tháng 8 triệu. Lĩnh lương lúc sáng thì tối về vợ “tịch thu” toàn bộ. Sau đó, mỗi lần cần đến tiền, anh ta phải xin vợ rồi phải ngồi “giải trình” đứt lưỡi mới được vợ phát cho dăm chục nghìn.
Tiền đi ăn sáng, tiền café với bạn bè, tiền mua vài cốc bia đãi bạn thì không bao giờ vợ duyệt. Lý do vợ anh đưa ra là, vợ con còn đang đói dài răng, “thóc đâu mà đãi gà rừng”.
Thế nhưng, chị vợ không hiểu rằng, anh ta làm kinh doanh. Chẳng có ông nào làm kinh doanh một mình. Cũng chẳng ông nào có thể “tay không bắt giặc”, ngồi một chỗ mà khách hàng tự tìm đến. Vậy nên, sau 2 năm, nhóm bạn thân chúng tôi chẳng mấy bất ngờ khi cô vợ gọi điện khóc lóc vì phát hiện ra khoản nợ “khủng” của chồng.
Trong khoản nợ ấy, anh ta khai: đó là tiền xăng xe, tiền điện thoại, tiền đi ngoại giao, tiền ăn sáng, tiền ma chay cưới hỏi … Vợ không chịu chi nên anh ta phải đi vay để tiêu.
Vậy nên mới nói, chỉ có các bà vợ kém thông minh và thiếu năng lực, thêm vào đó thiếu tự tin thì mới quản chồng bằng cách giữ chặt ví tiền của chồng như vậy.
Độc giả Anh Hào
Theo VietNamNet