Cả nhà tôi làm nông. Từ bé, tôi đã phải đi cấy, đi gặt lúa... nên cứ đen nhẻm, gầy gò. Mãi sau, khi tôi đi học cấp 3 trên thành phố, chỉ đi học từ trường về kí túc xá rồi ngược lại nên da dẻ mới sáng ra được. Lại đúng tuổi ăn tuổi lớn, tôi lớn phổng phao, da dẻ hồng hào, tôi bắt đầu được nhiều anh chàng chú ý.
Tuy nhiên, lúc ấy tôi chỉ có một mong ước là học giỏi, vào được đại học rồi sau này giúp đỡ bố mẹ. Thế nên, mặc cho biết bao người người tán tỉnh, gửi thư tình, tôi cũng dửng dưng như không.
Cuối cùng, với sự chăm chỉ và nỗ lực, tôi đỗ vào trường đại học top đầu. Bố mẹ thì mừng mừng tủi tủi, nhưng cũng lo lắng về khoản học phí quá sức với nhà nông. Tôi vẫn cười, an ủi bố mẹ:
- Nghe nói ra Hà Nội kiếm tiền dễ lắm bố mẹ ạ. Con sẽ đi làm thêm để đỡ đần bố mẹ.
Và đến năm thứ 3 đại học, tôi quen Quân khi đi làm thêm tại quán cà phê. Anh đẹp trai, hào hoa và phong độ. Không chỉ thế, nhân viên trong quán còn kháo nhau rằng anh rất giàu, mỗi lần đến lại đi một con xe khác nhau, ai phục vụ tốt thì anh còn boa tiền triệu.
Tôi không quan tâm lắm nhưng thực tình, thi thoảng ít khách, tôi cũng len lén liếc về phía anh bên cửa sổ. Đúng là đẹp trai thật.
Tình cờ, Quân lại quay sang, tôi hơi ngại, tránh đi. Nhưng sau cái nhìn vô tình ấy, chúng tôi dần bị đối phương thu hút. Cuối cùng, hai chúng tôi cũng hẹn hò kín vì tôi sợ đồng nghiệp biết sẽ nghĩ tôi ham tiền, ham vật chất.
Khi tôi sắp ra trường, Quân ngỏ ý muốn kết hôn. Thật sự, yêu nhau gần 2 năm nhưng chưa khi nào tôi nghĩ tới chuyện xa xôi này. Hoàn cảnh của hai đứa khác nhau một trời một vực, anh không chỉ là trai thành phố mà còn là con nhà đại gia. Còn tôi, không chỉ là gái quê lại còn là con nhà rất nghèo. Tôi sợ hãi, từ chối rồi lẩn tránh mãi, Quân vẫn kiên quyết.
- Nếu không phải là em, đời này anh không lấy ai hết.
Quân cũng tuyên bố thẳng trước mặt bố mẹ như vậy, rồi thuyết phục tôi:
- Anh không có quyền lựa chọn nơi mình sinh ra, chọn bố mẹ, nhưng anh có quyền chọn cách sống. Anh không cần chọn người môn đăng hộ đối, càng không cần chọn người giúp ích cho sự nghiệp, anh chỉ muốn lấy người anh yêu.
Cảm động, tôi đã đồng ý. Ngày biết tôi cưới được con trai nhà giàu, cả xóm nghèo của tôi xôn xao. Ai cũng cho rằng tôi sung sướng, hạnh phúc, cha mẹ tôi sẽ được đổi đời.
Nhưng đi làm dâu nhà giàu, tôi mới thấm thía. Tôi đã khổ, nhưng tôi còn có học thức, kiếm được tiền cũng coi như tự chủ được kinh tế. Khổ nhất là bố mẹ tôi, cả năm mới ra nhà thông gia thăm con gái một lần thì lấm la lấm lét. Khi tới cửa, bác giúp việc đã ra oai:
- Hai bác để dép ngoài này, khiếp, quần áo gì mà cũ thế!
Có lẽ vì câu nói đó, suốt cả buổi bố mẹ cứ rón rén. Mời ngồi xuống ghế, cũng vội xua tay:
- Thôi, con cất cái đệm này đi không lại bẩn. Cất đi rồi bố mẹ mới dám ngồi.
Nhìn bố mẹ lúc ấy, tôi chỉ muốn bật khóc vì tủi thân, vì thương họ.
Nhưng xót xa nhất là khi tôi sinh con trai đầu lòng. Bố mẹ nào mà chẳng hóng cháu, bố mẹ tôi cũng thế. Nghe tin con gái đau bụng đẻ, bắt xe vượt gần 300km đến thăm. Thế mà, khi tôi đang lịm đi vì mệt mỏi và đau đớn, nhà chồng tranh nhau bế đứa bé rồi xuýt xoa, cưng nựng, tôi vẫn nghe tiếng mẹ rụt rè, hỏi khẽ:
- Bà thông gia cho tôi bế cháu được không?
Mẹ chồng tôi khinh khỉnh, quay sang:
- Cháu nó bé lắm, dễ bị nhiễm khuẩn do bụi bẩn đó. Bà vừa đi đường xa, quần áo thì cũ, người thì bụi bặm, thôi để tối về tắm rửa thì mai bế bà ạ. Tối tắm thì nhớ dùng xà bông cho sạch sẽ nữa và an toàn cho thằng cháu "đích tôn" của chúng tôi.
Mẹ tôi xấu hổ, vội vã đi ra ngoài. Tôi đau thể xác bao nhiêu thì đau lòng bấy nhiêu.
Suốt 1 tuần tôi nằm viện, mẹ chồng chẳng hỏi han, chẳng động chân động tay cái nào. Bà cho rằng, nằm viện tư, có phòng riêng, có người chăm sóc là tốt phúc tôi lắm rồi. Mọi thứ mẹ tôi một tay lo hết. Thế mà lúc tôi ra viện, mẹ chồng lại tìm cách đuổi khéo mẹ tôi về.
Nhìn bà cầm chiếc nón, bắt xe ôm ra bến xe với chiếc túi vải mà tôi xót xa. Ai cũng nghĩ con gái lấy được chồng giàu sang là bố mẹ được nhờ, tôi chẳng giúp được gì mà lại khiến bố mẹ bị coi thường thế này. Tôi xót xa quá nhưng chẳng biết phải làm sao.
Theo Song Ngư NF (Helino)