Tôi 37 tuổi, lấy vợ được 10 năm. Vợ chồng tôi từng là hàng xóm, lớn lên cùng nhau, học chung lớp cấp 3. Chúng tôi yêu từ thời sinh viên, đều là mối tình đầu của nhau, trải qua 5 năm thì đi đến hôn nhân. Dù ban đầu gia đình tôi phản đối do hoàn cảnh bên nhà cô ấy phức tạp, nhưng khi cả hai vẫn quyết tâm đến với nhau thì bố mẹ tôi nhượng bộ. Tôi và cô ấy chơi thân từ nhỏ, lại có nhiều điểm tương đồng trong tính cách, nên cả khi yêu lẫn cuộc sống vợ chồng đều rất hòa hợp. Rồi hai đứa con lần lượt ra đời trong niềm vui khôn xiết.
Đã có lúc tôi từng nghĩ mình có lẽ là một trong những người hạnh phúc nhất trên đời, với sự nghiệp công danh không đến nỗi nào và một gia đình hoàn mỹ. Nhưng cách đây khoảng 2 năm, tôi dùng laptop của vợ lướt web, vô tình đọc được tin nhắn yêu thương, nhung nhớ của cô ấy với đồng nghiệp. Khi tôi gặng hỏi, cô ấy thừa nhận qua lại được 4 tháng. Người này làm cùng công ty với cô ấy, hơn chúng tôi 4 tuổi, đã có vợ con đuề huề. Tôi đau đớn, tuyệt vọng và chán nản, không thể hiểu vì sao người vợ từng gắn bó với mình 15 năm qua, từng hi sinh rất nhiều vì mình, lại thay lòng đổi dạ, trong khi tình cảm vợ chồng vẫn còn rất tốt.
Vợ tôi khóc rất nhiều, van xin tha thứ, nghỉ việc ở công ty cũ. Còn tôi vì thương hai con còn nhỏ, và vẫn còn yêu vợ nên quyết định không ly hôn. Tuy nhiên, hai năm qua, cuộc sống của chúng tôi chẳng khác gì địa ngục. Tôi uất hận, đau khổ nên buông thả, trượt dài trong những mối tình thoáng qua. Từ một người đàn ông dịu dàng, chỉn chu, nguyên tắc tôi dần trở nên phóng đãng, khinh bạc. Nhưng sau mỗi cuộc vui, tôi chỉ thấy lòng mình thêm cô đơn và trống rỗng. Có những ngày tôi chỉ thu mình lại, đắm chìm trong mớ cảm xúc hỗn độn, hoài niệm về những ngày tháng tươi đẹp trước đây. Mọi nỗ lực hàn gắn của vợ đều bị tôi gạt đi dù trong lòng vẫn còn yêu cô ấy rất nhiều. Nhiều khi đi làm về muộn, thấy vợ con vẫn đang đợi bên mâm cơm, tôi cố tỏ ra bất cần dù cảm thấy thương họ vô cùng. Tôi nên làm thế nào để cuộc sống của mình tốt lên. Xin hãy giúp tôi.
Hoàng
GS.TS Vũ Gia Hiền gợi ý:
Chào Hoàng,
Bạn đã nói rất kỹ câu chuyện cho thấy sự thật không có gì phải bàn, cái cần bàn là làm sao để vượt lên chính mình trong hoàn cảnh không được chuẩn bị từ trước. Trong thư có dòng tự sự: “từ một người đàn ông dịu dàng, chỉn chu, nguyên tắc” cho thấy bạn có tâm lý cầu toàn đến mức nghĩ rằng có “một gia đình toàn mỹ”. Những người có trạng thái tâm lý như bạn thường rơi vào hưng phấn, các hoóc môn được tạo ra tuyệt đối tích cực làm cho bạn luôn thấy hạnh phúc, nhưng khi có bất trắc về giá trị được tôn thờ thì tâm lý thay đổi 180 độ, hoóc môn tích cực được thay thế bằng hoóc môn ức chế đến cùng cực “chẳng khác nào địa ngục”. Tất cả những người có cấu trúc tâm lý như bạn đều rơi vào “thảm cảnh” khi thực tại cuộc sống thay đổi quá nhanh. Họ thường cố tìm cái bên ngoài để che lấp cái bên trong đang rối bời bằng việc uống rượu bia, trai gái, thậm chí rơi vào ma túy.
Tâm lý của bạn hiện nay là vấn đề cần phải tháo gỡ và sẽ rất khó khăn vì bạn luôn cầu toàn, nếu không được như ý thì lãng tử, bất cần đời…. Trạng thái này sẽ gia tăng tính bất mãn do chai tâm lý từ những lần buông thả. Bạn cần lưu ý đến xúc cảm bên trong, còn cảm xúc bạn tạo ra để trốn chạy sự thật chưa đủ để thay thế, vì vậy khi say mê vấn đề gì thì bạn quyết tâm và quên hết mọi sự, chỉ nhớ đến việc của mình là duy nhất, trên hết. Trạng thái tâm lý này không phải do bạn muốn hay không mà do tự phát trong tâm trạng bị “sốc tâm lý”.
Lẽ ra sau khi bị “sốc tâm lý” bạn cần bình tĩnh tìm nguyên nhân không chỉ một phía mà phải từ nhiều phía khác nhau, nhưng bạn lại chỉ nhìn về phía vợ mình và đổ lỗi hoàn toàn cho cô ấy. Trong quan hệ xã hội, người ta không phân lỗi theo cách của quan tòa mà phải nhìn nhận bản thân mình trước. Khi bạn không xem lại bản thân mà chỉ nhìn lỗi của vợ là chưa đủ. Bạn phải tự hỏi mình có gì chưa đúng, chưa đáp ứng, chưa chia sẻ với vợ? Nếu bạn đặt được câu hỏi này thì chắc chắn bạn không rơi vào “cảm xúc hỗn độn”. Bạn rơi vào cảm xúc hỗn độn là do chưa nhận ra xúc cảm của mình sinh ra từ đâu. Bạn nói “lòng tôi còn yêu cô ấy rất nhiều” nhưng do cảm xúc về sai lầm của cô ấy làm cho bạn không còn là mình nữa, bạn tự lừa dối để chống lại “mọi nỗ lực hàn gắn của vợ”. Sự gạt bỏ của bạn bản chất là sự đối đầu giữa cảm xúc bên ngoài và xúc cảm bên trong. Nếu cảm xúc bên ngoài (từ sự giải tỏa với rượu, gái gọi...) chi phối thì sự đối đầu này không bao giờ chấm dứt, và cuối cùng bạn sẽ bị “tha hóa” theo cách nói của Hegel, một nhà mỹ học Đức nổi tiếng.
Bạn hãy xem nguyên nhân nào từ mình khiến vợ “cô đơn” phải đi tâm sự với người khác. Có khi sự ích kỷ làm cho chúng ta không nhận ra mình mà thường chỉ đổ lỗi cho người khác. Nếu thực sự bạn còn yêu vợ con thì hãy tìm lại xúc cảm về tình yêu và gia đình thay vì bị cảm xúc về người đàn ông kia chi phối. Kẻ thù của cuộc ngoại tình đang trong trái tim bạn, nếu giải phóng được nó bằng bất cứ lý luận nào, cho dù rất ít, thậm chí duy lý thì đó là việc bạn phải làm để cứu chính bản thân, vợ và con bạn.
Chúc bạn nỗ lực và đại lượng.
Theo VnExpress.net