Tôi và bạn trai quen nhau được 5 năm nhưng vì chuyện khi nào kết hôn mà cãi nhau suốt, mệt mỏi quá nên chia tay. Sau khi chia tay, tôi rơi vào stress và sống không cảm xúc một thời gian. Sau đó, tôi đi công tác và bám víu cảm xúc khi quen một anh chàng nước ngoài. Mối quan hệ tạm bợ vì tôi phải về nước. Tôi không buồn, chỉ đôi khi thấy nhớ kỷ niệm.
Về nước tôi vội vàng làm quen một anh chàng nước ngoài khác. Mới gặp một lần mà tôi đã mơ tưởng chuyện hẹn hò yêu đương, mơ mộng rằng khi mệt mỏi về công việc có thể ôm anh ta một cái để rũ bỏ chán chường. Sở dĩ tôi quen người nước ngoài vì họ không biết tôi là ai, bạn bè tôi cũng không biết họ. Tôi thoải mái với cảm xúc của mình. Rồi tôi tự thấy lòng tự trọng tổn thương nên lại thôi không liên lạc với đối tượng nào nữa.
Từ một cô gái dễ thương đàng hoàng, giờ đây khi bước sang tuổi 30, tôi trở nên buông thả và dễ dãi với cảm xúc. Tôi gần như trở thành người chỉ cần có một ai đó để dựa vào là được, sẵn sàng ôm hôn chỉ sau một hai lần gặp mặt (thực tế là chưa, nhưng trong đầu tôi đang chấp nhận như vậy). Tôi nên làm gì để kiểm soát bản thân? Tôi có nên đi nước ngoài làm việc (công việc của tôi có thể đi được) và quen một ai đó, dù văn hóa khác nhau, sự sẻ chia rất ít? Tôi thực sự muốn đi thật xa và làm lại từ đầu. Xin chuyên gia và độc giả hãy cho tôi lời khuyên.
Thanh
Chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hằng gợi ý:
Thanh thân mến,
Chia tay người mình đã yêu thương, gắn bó suốt 5 năm không phải là một trải nghiệm dễ chịu. Cho dù người đưa ra quyết định cuối cùng là đối phương hay chính bạn thì sự thật bạn vẫn bị tổn thương. Bằng chứng là bạn cảm thấy stress và mất cảm xúc suốt một khoảng thời gian. Thậm chí trạng thái mất cân bằng hiện tại có thể cũng là dư âm còn sót lại của cuộc chia tay đó.
Thường sau khi kết thúc một mối quan hệ, người ta sẽ dùng nhiều cách để vượt qua. Có người chọn đối diện với nỗi đau. Họ chủ động chia sẻ cảm giác của bản thân, cho phép mình buồn và từ điểm vấp ngã đó đứng lên, cẩn trọng hơn trong các mối quan hệ tình cảm khác. Nhưng cũng có những người giống như bạn, mạnh mẽ và chọn cách trực tiếp bỏ qua nỗi đau. Bởi vì không muốn mất thời gian cho việc ủ rũ buồn rầu, bạn lựa chọn bước ngay vào mối quan hệ mới sau khi chia tay người yêu.
Đây là điểm mạnh nhưng đồng thời cũng là điểm yếu của bạn. Bởi nếu bạn thực sự mạnh mẽ và vô tư hướng về phía trước thì hạnh phúc sẽ mỉm cười. Nhưng nếu thời gian chưa đủ để bạn quên đi người cũ, thì mối quan hệ tình cảm mới sẽ trở thành mối quan hệ thay thế. Người mới lúc đó chỉ có giá trị “lấp đầy chỗ trống”. Kiểu quan hệ tình cảm này cũng như con dao 2 lưỡi có thể làm đau bạn. Vì bản chất là cảm xúc tiêu cực vẫn luôn tồn tại, bạn chưa hề vượt qua được mà chỉ cố gắng che đậy nó dưới vỏ bọc hào hứng của mối quan hệ mới, với người mới.
Cuối cùng nếu như kết quả là chia tay, giống bạn với anh chàng người nước ngoài đầu tiên. Lúc đó bạn lại phải đối mặt với nỗi đau của hai cuộc chia tay cùng một lúc. Nỗi đau sau tuy không lớn và gây buồn khổ như nỗi đau trước nhưng thêm một lần thất bại, tâm hồn bạn sẽ khuyết thiếu đi một phần. Bạn sẽ ngày càng nghi ngờ tình cảm, bản thân và tương lai của những mối quan hệ mới.
30 là lứa tuổi thường phải chịu nhiều tác động từ gia đình, bè bạn trong vấn đề lập gia đình. Hơn nữa ai cũng có nhu cầu cần được yêu thương, cho nên việc bạn muốn tìm kiếm một người để dựa vào rất dễ hiểu. Chỉ là đừng quá vội cũng đừng dễ dàng buông thả bản thân. Bạn có thể sống phóng khoáng, vô tư nhưng không nên sống vô trách nhiệm.
Tình cảm đến sớm hay muộn cũng không bằng đúng thời điểm, khi người trong cuộc đã thực sự sẵn sàng. Bạn nên duy trì tình trạng độc thân cho đến khi hoàn toàn giải quyết được cảm xúc của mình và vượt qua dư âm của lần chia tay cũ. Trong thời gian này, bạn có thể ra nước ngoài hay đi đâu đó tùy thích, tận hưởng cuộc sống, để ý đến những người xung quanh, cách họ nhìn nhận và đối diện với cuộc sống… để thấy cuộc đời tươi đẹp và ý nghĩa. Nếu có thể hãy cứ sống chậm, dù sao vượt qua và phục hồi sau đổ vỡ, tổn thương cũng đòi hỏi thời gian và sự kiên trì. Còn nếu sau một khoảng thời gian nhất định, mọi việc không tốt hơn, bạn nên đến gặp trực tiếp các chuyên gia tâm lý để được tham vấn và trị liệu.
Chúc bạn bình tĩnh và tìm thấy bình yên trong tâm hồn.
Theo VnExpress.net