Tôi không thể yêu thương mẹ đẻ

01/03/2017 13:46:00

Đi kèm với sự bảo ban là những lời chỉ trích cay nghiệt của mẹ dành cho tôi. Tôi hay bị đẩy vào tình huống khó xử nên càng ngày càng ngại ngần gần gũi, tâm sự với mẹ.

 

Đi kèm với sự bảo ban là những lời chỉ trích cay nghiệt của mẹ dành cho tôi. Tôi hay bị đẩy vào tình huống khó xử nên càng ngày càng ngại ngần gần gũi, tâm sự với mẹ.

Kết quả hình ảnh cho tâm sự mẹ con
 

Cho đến tận bây giờ sau 38 năm sống trên đời, những cơn ác mộng về sự phân biệt đối xử ghẻ lạnh của mẹ đối với tôi luôn xuất hiện trong giấc ngủ. Tôi bị tổn thương về mặt tinh thần, tình cảm mà mẹ đã gây ra và để lại trong tôi. Từ khi tôi biết nhận thức đã thật sự rất sợ mẹ, mặt mũi lúc nào cũng lấm lét, rón rén khi có mẹ ở nhà. Nhà cửa, quần áo, cơm nước đã được tôi đảm đương từ năm 7 tuổi vì mẹ thường về nhà rất trễ. Mỗi khi bà đi làm về giận chuyện ở cơ quan là trút lên đầu tôi những cây roi, bạt tai, thậm chí bị nhốt trong nhà vệ sinh tăm tối và những lời chửi mắng. Hầu như hàng ngày ba mẹ tôi đều cãi nhau, thường mẹ la rất to và chói tai vì những cơn ghen tuông với ba. Đứa con nào mà chẳng mong được mẹ quan tâm, yêu thương, những lời động viên khen ngợi khi làm được việc tốt, những lời an ủi khi buồn, những cử chỉ ân cần chăm sóc khi đau ốm và chỉ ra những cái sai, những điều cần sửa khi con mắc lỗi lầm thay vì những cái bạt tai, những lời chửi rủa thì tốt biết bao. Thế nhưng tôi biết không được lựa chọn người sinh ra mình, đành chấp nhận số phận và hứa với mình sẽ không đối xử với con cái như vậy.

Hồi nhỏ tôi sung sướng nhất là 3 tháng hè được thoát ly khỏi mẹ về sống với bà ngoại cho đến khi nhập học. Khi tôi học đại học thì ba mất, để lại gánh nặng 3 con còn nhỏ cho mẹ. Lúc đó tôi rất thương mẹ, tự động viên bản thân cố gắng chăm chỉ học thật giỏi, có việc làm thật tốt để phụng dưỡng mẹ. Từ ngày ba tôi mất, tính mẹ cũng không thay đổi, thường la vô cớ, những lúc như thế tôi né tránh, im lặng, đặc biệt là mẹ không bao giờ nghe những lời tâm sự hay những lời giải thích của tôi. Có những lúc thấy mẹ vui vui, tôi đã trao đổi nhưng chưa kịp cất lời thì đã bị mẹ cấm đoán hoặc dọa nạt. Lên đại học tôi quá sợ bà, đến nỗi đi học rồi ghé nhà bạn học bài chỉ để tránh mặt, rồi tối về ngủ. Đi làm rồi tôi mong lấy chồng để thoát khỏi cái nhà này. Lúc đó thấy tôi đi suốt, bà chửi cái thứ mày sau này chỉ ra đứng đường làm đĩ mà ăn, nghe đau đớn lắm. 

Ơn trời, sau khi lấy chồng mười mấy năm thì tôi nhận thấy lấy chồng sướng hơn ở với mẹ, muốn ăn thì ăn, muốn ngủ thì ngủ, chồng yêu thương hết mực. Ai cũng bảo con gái gần mẹ, chịu ảnh hưởng của mẹ nhiều nhất, nhưng với tôi thì khác. Tôi không phải xa mẹ từ bé hay mẹ không có thời gian gần gũi tôi, thế nhưng dần dà tôi nhận ra trong mình có cơn sóng ngầm, vì đi kèm với sự bảo ban là những lời chỉ trích cay nghiệt của mẹ. Tôi hay bị đẩy vào những tình huống khó xử nên càng ngày lại càng ngại ngần gần gũi, tỉ tê tâm sự với mẹ. Đã đôi lần tôi thầm so sánh mẹ với mẹ các bạn trong phòng. Chiến tranh lạnh luôn diễn ra trong gia đình tôi mà nguyên nhân đôi khi chỉ vì những việc cỏn con.

Tôi không bao giờ muốn mang tiếng bất hiếu, cãi tay đôi với mẹ, nhưng mỗi khi mở miệng giải thích là mẹ phạt ngang, những câu mẹ tôi thốt ra làm tôi tổn thương vô cùng. Mỗi ngày tôi lại thêm một vết sẹo mới, nó lành nhưng vẫn không bao giờ mờ. Bây giờ lấy chồng rồi nhưng trong bữa ăn gia đình tôi luôn trầm lắng, ai ăn cơm cũng cúi gằm mặt xuống không dám nói, không dám cười vì sợ bà, không khí bữa cơm ảm đạm buồn tẻ và nặng nề. Khi không có bà, 2 đứa nhỏ và ông chồng nói líu lo. Hai đứa con tôi rất sợ bà, mỗi khi bà không vừa ý tôi là trút giận vào 2 bé, thậm chí đập chén bát vỡ tan tành. Mấy nhỏ nói ngoại giận mẹ nhưng tụi con phải gánh hết cơn nóng giận đó. Hai đứa nhỏ không dám lại gần bà và thân thiện, bà tức cũng chửi tôi không biết dạy con, nhưng bà đâu biết bà là nguyên nhân tụi nhỏ rất sợ.

Tôi thương con gái bé nhỏ phát sốt vì phải gánh cơn nóng giận của ngoại với mẹ trong chiều nay. Sao bà lại có thể hành xử như vậy nhỉ? Giận cá chém thớt, mà nào tôi có làm gì để bà giận một cách ghê gớm đến nỗi phải trút những lời nói cay nghiệt cho trẻ lên 9, còn thêm ném đồ đạc nữa. Tôi đau đầu và thường xuyên suy nghĩ quá nhiều, có khi tưởng mình sắp hóa điên. Đôi lúc tôi muốn buông xuôi tất cả đến đâu thì hay đến đấy, chẳng biết phải làm sao nữa.

Theo Trang (VnExpress.net)

Nổi bật