Nghe bố nói tôi thoáng giật mình. Sau khi trấn tĩnh tôi cười xòa nói sang chuyện khác. Nhưng bố bắt tôi phải hứa sẽ thực hiện di nguyện của ông. Để ông yên lòng, tôi đành đồng ý. Thực tâm, tôi vẫn nghĩ chưa thông.
Bố mẹ tôi sinh được 3 người con. Tôi là con út nhưng cũng là con trai duy nhất của ông bà. Tôi được bố mẹ cho ăn học đàng hoàng. Rồi tôi đi làm, lấy vợ, xây nhà ở phố. Một chị của tôi không may bị bệnh đã qua đời, chị còn lại lấy chồng xa.
|
Ảnh minh họa |
10 năm trước tôi đón bố mẹ ở quê lên sống cùng vợ chồng tôi. Nhà tôi cách quê hơn 300km nên chúng tôi rất ít về. Căn nhà ở quê bố mẹ đã đồng ý cho tôi bán.
Tôi cũng từng nghĩ đến chuyện hậu sự của bố mẹ khi về già. Tôi đã nghĩ sẽ làm như các gia đình trong khu phố, thực hiện lối sống văn minh: Hỏa táng và gửi tro cốt vào chùa.
Vậy mà bây giờ bố tôi lại muốn sau khi chết được về quê. Như vậy có nghĩa là ông muốn được chôn cất và cải táng theo phong tục ở địa phương. Đối với tôi, đây là hủ tục. Điều làm tôi lo lắng hơn là quãng đường về quê quá xa, thủ tục tang ma ở quê rườm rà, tôi lại xa quê lâu năm nên khó có thể lo lắng chu toàn. Sau này, con cháu muốn chăm sóc mộ phần cho ông cũng khó.
Tôi không dám nói những điều mình lo lắng cho bố biết vì như vậy ông sẽ buồn phiền, ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe của ông. Tôi có cảm giác ông rất sợ bị hỏa thiêu và mong muốn được về quê an nghỉ.
Tôi hỏi ý kiến mẹ và chị gái thì mẹ nói để tôi tự quyết còn chị gái tôi cho rằng: “Cậu đã hứa với bố thì vất vả mấy cũng phải làm. Thực hiện di nguyện của ông thì cậu mới làm tròn chữ hiếu. Nếu không, bố chết cũng không được thanh thản và cậu sẽ day dứt cả đời”.
Tôi là một trong những người đi đầu vận động nếp sống văn minh và không ủng hộ duy trì hủ tục. Nhưng chuyện của bố tôi vẫn do dự dù đã tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Tôi không biết mình nên làm thế nào sẽ tốt hơn? Tôi nên làm theo ý mình hay thực hiện di nguyện cuối cùng của bố?