Tôi 37 tuổi, là kỹ sư phần mềm cho một doanh nghiệp nước ngoài. Vợ tôi 34 tuổi, làm việc tại một ngân hàng. Vợ chồng tôi cưới được 8 năm, có một bé gái 7 tuổi. Cuộc sống về kinh tế không phải quá lo lắng, bố mẹ hai bên đều yêu thương, không có mâu thuẫn.
Cách đây hơn năm, tôi quý mến cô đồng nghiệp cùng công ty, nhưng tất cả chỉ dừng lại ở việc nhắn tin tâm sự, tặng quà, đi ăn, hoàn toàn chưa có quan hệ sâu sắc hơn. Lúc đó, ngay cả trong suy nghĩ, tôi cũng không có ý phản bội hay ly dị vợ. Nhưng bằng cách nào đó, vợ tôi phát hiện. Cô ấy khăng khăng cho rằng tôi đã ngoại tình, làm ầm lên, khóc lóc, đòi ly dị. Dù đã cố gắng giải thích cho vợ hiểu, nhưng cô ấy vẫn không tin. Do công việc rất tốt, thu nhập khá nên tôi không có ý định chuyển chỗ làm. Tuy nhiên, tôi cứ đi làm là vợ mặt nặng mày nhẹ. Bởi vậy chúng tôi luôn trong tình trạng căng thẳng, cãi vã liên tục.
Khoảng 2 tháng gần đây, vợ tôi như biến thành người khác. Cô ấy không còn gây sự, cãi vã, nhưng không nói chuyện với tôi, không cười, ngủ riêng, khi nào tôi có nhu cầu và đòi hỏi, cô ấy miễn cưỡng đáp ứng hoặc mặc kệ tôi. Vợ bảo không còn tin tôi nữa nên chỉ muốn ly hôn. Chờ con lớn hơn một chút, sẽ làm thủ tục ly hôn để con không quá bị ảnh hưởng tâm lý. Cô ấy mua rất nhiều sách Phật giáo, ngồi lỳ cả nửa ngày trong phòng đọc sách, lặng lẽ như một cái bóng. Tôi đã cố gắng quan tâm hơn nhưng cô ấy phớt lờ tất cả, hoàn toàn không phản ứng với mọi nỗ lực của tôi.
Hiện tôi vô cùng chán nản và mệt mỏi, không muốn cố gắng làm gì nữa. Tôi không biết liệu vợ có bị mắc bệnh tâm lý nào không? Vì những chuyện này, có một giai đoạn, cô ấy phải dùng thuốc thường xuyên mới ngủ được. Nếu tiếp tục kéo dài tình trạng này, có lẽ tôi cũng muốn ly hôn hoặc sợ mình sẽ ngoại tình thực sự. Kính mong chuyên gia và độc giả tư vấn cho tôi nên làm gì để tốt nhất. Tôi xin chân thành cảm ơn.
Hoàng
Chuyên gia tham vấn tâm lý Phong Nguyên gợi ý:
Hoàng thân mến,
Theo những miêu tả ở trên, có thể thấy tình trạng mất kết nối và không thể trao đổi của vợ chồng bạn đã lên cao đỉnh điểm, gần như không thấy bất kỳ dấu hiệu nào của sự cải thiện dù là nhỏ nhoi trong tương lai.
Vợ bạn bắt đầu đọc sách Phật giáo, đọc ở nhà cả ngày, ở một khía cạnh có thể coi như một dạng cơ chế phòng vệ, giúp cô ấy tự cân bằng, giải tỏa căng thẳng. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, đây có thể được coi là một hành vi bệnh lý báo hiệu những vấn đề nghiêm trọng hơn về sức khỏe tinh thần trong tương lai.
Do không có điều kiện hỏi thêm, tôi không thể biết những nhu cầu sinh lý cơ bản: ăn, ngủ, sinh hoạt của vợ bạn có điều độ? Cô ấy có thêm thói quen nào xuất hiện cùng việc đọc sách? Cô ấy có tìm cách giao tiếp với ai hoặc chia sẻ câu chuyện vợ chồng bạn với người bạn nào không? Cách mà vợ bạn đối xử với các con có thay đổi? Quá thiếu dữ kiện khiến việc đưa ra một lời tư vấn chính xác, đáng tin cậy gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, trên quan điểm chuyên môn, tôi cho rằng nên có một chuyên gia trực tiếp giúp bạn đánh giá tình hình hiện tại; hoặc nếu được, có thể làm cầu nối giúp vợ chồng bạn xây dựng lại mối quan hệ từ đầu.
Bạn nên lưu ý: ly hôn là một phương án lựa chọn, cũng như ngoại tình, nhằm giải quyết những khó khăn hay bế tắc trong hôn nhân. Tuy nhiên, có một nguyên tắc cơ bản trong hôn nhân nên được coi là tiền đề để giải quyết xung đột giữa hai người, đó là: hạn chế đến mức tối đa sự xuất hiện của người thứ 3.
Nếu bạn lựa chọn ly hôn như một phương án giải quyết, điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các con bạn. Còn nếu bạn tìm đến người thứ 3 sẽ dẫn đến mối quan hệ phức tạp với một người phụ nữ khác. Người thứ 3 xuất hiện trong hôn nhân, dù ở hoàn cảnh nào cũng nên là người ở vị trí hỗ trợ thay vì là công cụ để xử lý vấn đề đang gặp trước mắt.
Nếu đồng ý với những điểm trên, có 2 điều bạn nên làm ngay lúc này, càng sớm càng tốt để giải quyết khó khăn hiện tại:
(1) Tìm mọi cách giữ bản thân thăng bằng và tỉnh táo. Sẽ không thể giải quyết được chuyện gì nếu vợ bạn đã mất bình tĩnh, kiên nhẫn, căng thẳng mà bạn cũng vậy. Một trong hai người cần bình tĩnh, ổn định trước để dẫn dắt người còn lại nhận thức được chuyện gì đang diễn ra.
(2) Tìm sự giúp đỡ trực tiếp của một chuyên gia để có thể đánh giá chính xác tình hình sức khỏe tinh thần hiện tại của vợ bạn, cũng như phương hướng xử lý hôn nhân của các bạn. Việc bạn tìm kiếm sự giúp đỡ từ bên ngoài, cụ thể là ở trang báo này là một hành động đáng hoan nghênh. Thêm một chút nỗ lực, tôi tin rằng vấn đề của bạn sẽ sớm được cải thiện.
Chúc vợ chồng bạn sớm lấy lại cân bằng và tiếng nói chung.
Theo VnExpress.net