Vợ chồng tôi quen nhau đến 2 năm mới làm đám cưới. Và đến giờ cũng đã sống chung với nhau được gần 10 năm rồi. Có lẽ nói ra thì khó tin nhưng mất 5 năm trong đó là quãng thời gian tôi sống trong sự tằn tiện dù mang tiếng có chồng là doanh nhân thành đạt.
Ngày còn yêu nhau, mọi thứ của chồng, tôi đều cảm thấy thật tốt đẹp. Cả hai đi chơi với nhau, tuyệt nhiên không có hẹn hò quán xá gì, thay vào đó là vào công viên ngồi chơi. Anh cũng không nỡ mua cho tôi cốc nước mà mang chai nước và 2 cái cốc đi. Anh giải thích rằng như vậy vừa đảm bảo an toàn lại vừa tiết kiệm nên tôi cũng không phàn nàn gì.
Anh cũng không bao giờ tham gia các buổi nhậu nhẹt mà chia tiền đóng góp đầu người, tôi cho rằng anh không phải là người bê tha nhậu nhẹt. Cả năm anh cũng chỉ mua vài bộ quần áo loại rẻ nhất có thể, tôi lại nghĩ anh tiết kiệm. Là đàn ông con trai nhưng ngày nào anh cũng tự đi chợ nấu ăn nên món gì cũng biết. Lúc đó tôi thầm nghĩ anh khéo léo chuyện bếp núc thế này thì sau này có thể giúp vợ.
Tất cả những điều này còn khiến tôi cảm thấy may mắn vì đã gặp và yêu được người đàn ông tuyệt vời như anh. Nhưng có lẽ đó chỉ là vì quá yêu nên tôi mới dễ dàng có suy nghĩ như thế bởi sau đám cưới, sự thật về con người anh mới được bộc lộ.
Ngay từ hôm đám cưới, anh đã khiến tôi phải "muối mặt". Rõ ràng đám cưới là chuyện quan trọng cả đời nhưng anh lại đi thuê bộ vest tồi tệ nhất chỉ vì nó rẻ nhất. Còn xe đưa dâu thì khỏi phải nói, cũ kỹ, tệ hại và hôi hám. Cũng vì những chuyện này mà đêm tân hôn hạnh phúc của vợ chồng tôi được thay bằng trận cãi vã nảy lửa.
Sáng hôm sau tôi khóc lóc đòi về nhà đẻ nhưng không phải anh mà mẹ anh mới là người giữ tôi lại. Bà kể cho tôi nghe chuyện nghèo đói khi xưa nên bây giờ chồng tôi mới như thế. Hơn nữa bà cũng hứa sẽ cùng tôi "cải tạo" tính tằn tiện của chồng. Nhưng suốt 10 năm qua, anh chưa bao giờ có ý định sẽ sửa đổi điều này.
Mọi chi tiêu, sinh hoạt trong gia đình đều được anh quản lý vô cùng chặt chẽ dù người tay hòm chìa khóa phải là tôi mới đúng. Mỗi ngày anh giao cho tôi 100 nghìn chi tiền ăn cho gia đình 5 người gồm mẹ chồng, 2 vợ chồng và 2 con. Lỡ hôm nào tôi có mua thêm chút thức tươi, thức ngọt cho bà cháu là thể nào cũng sẽ nhận được một tràng cằn nhằn từ chồng.
Bên cạnh đó, tiền chi cho các sinh hoạt khác như điện nước cũng bị thắt chặt. Mùa hè nóng nực, lỡ tôi có tắm gội cho con lâu một chút, tốn nhiều nước một chút là ăn mắng như chơi. Mùa đông giá rét, chồng tôi nhất định không cho dùng máy giặt mà tôi phải giặt quần áo bằng tay trong làn nước lạnh cóng.
5 năm sau khi tôi về làm dâu, mẹ chồng tôi thấy không thể "cải tạo" được con trai nữa nên đã khuyên tôi đi học nghề gì đấy rồi tự lập tài chính chứ đừng phụ thuộc chồng. Nói là làm, bà cho tôi 1 khoản tiền nhỏ đi học cắm hoa rồi mở cho tôi một cửa hàng hoa nhỏ. Tự tôi đi làm và tiêu tiền của mình làm ra nên anh chẳng còn cớ gì bắt bẻ nữa.
Thế nhưng sự việc lần này, có lẽ là quá sức chịu đựng của tôi. Hôm đó là sinh nhật mẹ chồng, để cảm ơn bà đã động viên và ủng hộ suốt thời gian qua nên tôi đã tự bỏ tiền tổ chức sinh nhật cho mẹ. Theo kế hoạch, tôi mời một số anh em họ hàng và bạn bè của gia đình đến chơi. Mọi chi phí đều do tôi thanh toán, hết khoảng 5 triệu.
Sau khi trả tiền xong, tôi ra xe về với chồng thì anh đã hỏi ngay số tiền là bao nhiêu. Nếu là những chuyện mua sắm bình thường khác, tôi sẽ không nói với anh. Nhưng nghĩ hôm nay là sinh nhật mẹ, nếu có tiêu nhiều một chút cũng không sao nên tôi đã nói thật số tiền cần trả. Ngay lập tức, trên quãng đường từ nhà hàng về nhà, anh hết lời mắng mỏ tôi hoang phí.
Về đến nhà, chồng vẫn không thôi mắng nên cơn giận bao nhiêu năm tích tụ trong tôi bỗng chốc bốc lên, tôi thẳng thừng cãi chồng. Nhưng chưa hết câu, chồng tôi đã vung tay tát tôi một cái như trời giáng. Ngay lập tức tôi ôm 2 con về ngoại và đòi ly hôn bằng được.
Từ khi tôi về ngoại, mẹ chồng tôi ngày nào cũng đi qua đi về. Khi thì mang cho tôi đồ ăn khi thì sang chơi với cháu nhưng tất cả đều là cớ để thuyết phục tôi nghĩ lại. Còn chồng tôi cũng tỏ ra vô cùng ăn năn và hứa sẽ thay đổi. Anh cũng thường xuyên gửi cái này cái kia cho bố mẹ vợ và cho vợ con để chứng minh cho lời hứa của mình. Tôi không biết liệu có nên quay về không bởi tôi sợ sự tằn tiện đã ăn vào máu của anh sẽ chẳng đời nào thay đổi.
Theo Chím NF (Helino)